Chủ tịch tỉnh Bình Định mong sớm thiết kế combo du lịch giữa Thái Lan và Bình Định

0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch giữa tỉnh Bình Định và Thái Lan hiện vẫn còn khá khiêm tốn so với dư địa. Hai bên đều nhìn nhận trở ngại liên quan đến kết nối giao thông.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng Bình Định cần hỗ trợ các hãng hàng không hai nước mở đường bay kết nối thẳng.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng Bình Định cần hỗ trợ các hãng hàng không hai nước mở đường bay kết nối thẳng.

Chia sẻ tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp Thái Lan tại tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, đối với Thái Lan, Việt Nam là đối tác thân thiết, quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương về du lịch; là thị trường gửi khách lớn thứ 3 trong ASEAN. Khách Việt Nam đến Thái Lan du lịch đạt gần 1,05 triệu lượt trong năm 2019, phục hồi gần như hoàn toàn vào năm 2023 với gần 1,03 triệu lượt.

Đối với tỉnh Bình Định, gần đây, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện như Lễ hội Tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024 chủ đề Bình Định - Khát vọng biển; Lễ hội Du lịch năm 2024 chủ đề Biển xanh vẫy gọi - Mùa Rong Mơ của TP. Quy Nhơn tạo điểm nhấn quảng bá điểm đến.

Để phát triển du lịch giữa Bình Định và Thái Lan, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Bình Định có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hãng hàng không hai nước mở đường bay thẳng kết nối các thành phố du lịch lớn của Thái Lan đến Bình Định để tạo cú hích giao lưu trao đổi khách và đầu tư trực tiếp.

Thông tin về du lịch giữa 2 nước, bà Wiraka Moodhitaporn, Tổng lãnh sự Hoàng gia Thái Lan tại TP.HCM cho hay, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10/2024, đã có 340.000 lượt khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam, trong đó có một phần đến Bình Định.

Bà Wiraka Moodhitaporn đánh giá, tỉnh Bình Định có tiềm năng du lịch nổi bật với các điểm đến hấp dẫn như Tháp Dương Long – di tích kiến trúc Chăm cổ, bãi biển Ghềnh Ráng Tiên Sa và đảo Cù Lao Xanh.

Đồng thời, Tổng lãnh sự Hoàng gia Thái Lan tại TP.HCM cũng đề cập, việc thúc đẩy hợp tác du lịch song phương có thể được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng như Hành lang Du lịch phía Nam (STC) thuộc khuôn khổ hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mekong (GMS); thúc đẩy du lịch và tiếp thị trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya- Mekong (ACMECS) với các cuộc họp về du lịch ở các cấp độ khác nhau; hợp tác du lịch theo mô hình “Sáu quốc gia, một điểm đến”…

Chia sẻ thêm, bà Supakan Yodchun, Giám đốc Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan tại TP. HCM đề cập, trong năm 2024, dự đoán khách du lịch Thái Lan đi nước ngoài khoảng 8 - 10 triệu lượt. Phần lớn du khách Thái Lan lựa chọn các tour du lịch kết nối bằng đường hàng không tại 3 miền của Việt Nam, trong đó tại miền Trung gồm các địa phương Đà Nẵng, Hội An, Huế, Nha Trang, Bình Thuận, Đà Lạt với thời gian lưu trú khoảng 4 ngày 3 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm.

Bà Supakan Yodchun, Giám đốc Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan gợi ý Bình Định kết nối du lịch với vùng Đông Bắc Thái Lan.

Bà Supakan Yodchun, Giám đốc Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái Lan gợi ý Bình Định kết nối du lịch với vùng Đông Bắc Thái Lan.

Tuy nhiên, những hạn chế về giao thông di chuyển giữa các điểm đến và rào cản ngôn ngữ là những thách thức chính đối với du khách Thái Lan khi đến Việt Nam và khi muốn khám phá các địa phương ngoài những thành phố du lịch chính.

Đối với tỉnh Bình Định, bà Supakan Yodchun gợi ý có hai hướng để bắt đầu phát triển và xúc tiến du lịch với Thái Lan là kết nối với các đường bay hiện có giữa Thái Lan và Việt Nam; đối với đường bộ thì hướng tới thị trường du khách Thái Lan ở khu vực Đông Bắc đặc biệt là tỉnh Ubon Ratchathani là tỉnh gần Bình Định nhất.

“Ubon Ratchathani là tỉnh có quy mô lớn về đầu tư và giáo dục ở Đông Bắc Thái Lan, có tiềm năng lớn trong việc đi du lịch. Nếu phát triển và thúc đẩy du lich kết đường bộ qua Lào và Campuchia, đặc biệt là khu vực Nam Lào vốn được du khách trẻ, người lao động Thái Lan yêu thích, để đến các biển Việt Nam và tiếp tục đến Bình Định, sẽ là một cung đường du rất đáng quan tâm”, bà Supakan Yodchun đề xuất.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Bình Định trao đổi với bà Wiraka Moodhitaporn, Tổng lãnh sự Hoàng gia Thái Lan tại TP.HCM về kết nối đường hàng không để phát triển du lịch giữa 2 bên.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Bình Định trao đổi với bà Wiraka Moodhitaporn, Tổng lãnh sự Hoàng gia Thái Lan tại TP.HCM về kết nối đường hàng không để phát triển du lịch giữa 2 bên.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đánh giá, trong kinh doanh cạnh tranh du lịch giữa 2 nước là khá gay gắt nhưng nhìn rộng ra có thể nhìn thấy hợp tác với nhau về khách du lịch, “như hợp tác chia sẻ khách du lịch hay hơn là cạnh tranh”.

Theo ông Tuấn, muốn làm như vậy tất cả phải nghĩ về win – win tức chúng ta phải hình thành một combo du lịch liên vùng, liên các nước, giữa Việt Nam và Thái Lan, giữa Bình Định và địa phương của Thái Lan.

“Chúng ta làm được vậy thì lượng du khách đến 2 nước sẽ tăng lên thay vì chúng ta cạnh tranh”, ông Tuấn nói.

Đối với gợi ý của bà Supakan Yodchun, Chủ tịch tỉnh Bình Định nhấn mạnh cần phối hợp ngày để triển ngay các chính sách phát triển du lịch giữa Bình Định và Thái Lan. Về đường hàng không, Bình Định sẽ cố gắng sớm có sân bay quốc tế.

Về đường bộ, đối với gợi ý tuyến đường kết nối khu vực Đông Bắc Thái Lan qua Lào, Chủ tịch tỉnh Bình Định rất mong Tổng cục Du lịch Thái Lan giúp tỉnh tiếp cận với các hiệp hội về lữ hành, liên quan đến du lịch để kết hợp với nhau, giới thiệu lập gói sản phẩm giữa Thái Lan đến với Bình Định.

“Nếu được, trong quý I/2025, Tổng cục Du lịch Thái Lan giúp địa phương tổ chức một đoàn du lịch tư nhân đến với Bình Định để tìm hiểu về Bình Định từ đó chúng ta thiết kế gói combo du lịch giữa Thái Lan và Bình Định và Bình Định đến với Thái Lan”, ông Tuấn cho hay.

Ông Nguyễn Phạm Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định đánh giá, năm 2025, Dự án đường cao tốc Bắc – Nam và Dự án Nâng cấp Quốc lộ 19 kết nối Đông – Tây sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển đường bộ; qua đó tạo thuận lợi cho các tour du lịch bằng đường bộ hoặc kết hợp đường hàng không với đường bộ với thị trường Thái Lan đến Bình Định.

“Sự hợp tác giữa Thái Lan và Bình Định còn nhiều dư địa, triển vọng rộng mở nhưng cho đến thời điểm này các nhà đầu tư, khách du lịch đến với Bình Định còn khá khiêm tốn so với tiềm năng”, ông Kiên trăn trở.

Tin bài liên quan