Bất chấp bất động sản siêu sang là phân khúc kén khách và khó bán, bỏ ngoài tai những lời khuyên nên hạ từ siêu sang xuống cao cấp, Tập đoàn Tân Hoàng Minh vẫn tiếp tục hoàn thiện Dự án D’. Palais Louis. Đây là dự án đầu tay trong chiến lược phát triển các kiệt tác vượt thời gian của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh trao đổi về dự án có một không hai này.
Ông có thể chia sẻ cơ duyên nào đã đưa ông đến với con đường kinh doanh bất động sản cao cấp?
Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có mặt trên thị trường từ năm 1993 và trải qua rất nhiều lĩnh vực kinh doanh. Ở lĩnh vực nào Tân Hoàng Minh cũng gặt hái được những thành công đáng kể, nhưng những lĩnh vực kinh doanh ấy chỉ đem lại được những lợi ích thiết yếu cho bản thân tôi và xã hội.
Tôi muốn những điều to lớn hơn, đó là được đóng góp những giá trị trường tồn cho đất nước nói chung và mảnh đất Hà Nội - nơi tôi sinh ra nói riêng. Chính vì vậy, tôi đã quyết định chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản, bởi tôi nghĩ, chỉ có xây dựng những công trình đẳng cấp thì mới có thể để lại cho đời những giá trị vượt thời gian.
Mở đầu cho con đường kinh doanh bất động sản, năm 2009, Tân Hoàng Minh ra mắt Dự án D’. Palais Louis và gây tiếng vang lớn trên thị trường bất động sản khi ấy. Ông có thể chia sẻ lý do nào đã đưa ông đến quyết định xây dựng dự án này?
Trong một chuyến công tác châu Âu, tôi đã có dịp tới thăm cung điện Versailles ở Pháp và nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật khác. Nhìn vào vẻ đẹp và sự trường tồn của những công trình này qua nhiều thế kỷ, tôi đã có suy nghĩ: “Việt Nam cũng cần phải có những công trình thế này”.
Suy nghĩ ấy đã nung nấu trong tôi suốt nhiều năm trời và tôi đã quyết định xây dựng Dự án D’. Palais Louis. Tôi đã đặt mục tiêu và quyết tâm kiến tạo D’. Palais Louis trở thành một công trình kiến trúc nghệ thuật, góp phần thay đổi diện mạo của thủ đô Hà Nội.
D’. Palais Louis sẽ trở thành một công trình kiến trúc nghệ thuật có một không hai tại Việt Nam, thể hiện sự đam mê vươn tới sự hoàn hảo của Tập đoàn Tân Hoàng Minh
Nói như vậy có nghĩa, Dự án D’. Palais Louis được lấy ý tưởng và xây dựng mô phỏng cung điện Versailles, thưa ông?
Nói chính xác hơn là tôi đã lấy tư tưởng của cung điện Versailles để xây dựng D’. Palais Louis, nhưng theo thiết kế đương đại thế kỷ XXI.
Vua Louis XIV là một người yêu thích sự hoàn hảo và ông là người trực tiếp thiết kế, giám sát thi công cung điện Versailles. Đây là cung điện có thời gian thi công lâu nhất với những vật tư đắt nhất. Chính vì vậy, nó đã trở thành một biểu tượng của thế giới. Tôi đã chắt lọc và đem những giá trị tinh hoa ấy về dự án của mình.
Nếu cung điện Versailles phải trải qua 2 đời vua Louis XIII - XIV mới có thể hoàn thiện, thì tôi cũng đã mất 10 năm để hoàn thành D’. Palais Louis. Ở D’. Palais Louis, mọi thứ đều đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật với những vật liệu hoàn thiện cao cấp nhất do chính tôi đích thân lựa chọn.
Một dự án thông thường chỉ mất khoảng 2-3 năm để hoàn thiện, D’. Palais Louis tiêu tốn mất 10 năm ròng. Vậy ông có thể chia sẻ những khó khăn gặp phải khi xây dựng dự án này?
Khó khăn đầu tiên đó chính là thời điểm tôi cho ra mắt dự án, thị trường lúc ấy đã có dấu hiệu trầm lắng và bão hòa. Hơn nữa, khi ấy, khái niệm căn hộ cao cấp còn khá mới mẻ ở Việt Nam chứ chưa nói gì tới siêu sang. Khách hàng vẫn còn khá mơ hồ và không hình dung được căn hộ siêu sang sẽ như thế nào và tại sao lại có giá cao như vậy. Chính vì vậy, để khách hàng hiểu và nhìn nhận đúng giá trị của dự án là một điều rất khó.
Thời điểm ấy cũng có nhiều người khuyên tôi nên hạ thấp giá trị đầu tư, chỉ nên làm cao cấp để dễ tiếp cận khách hàng, nhưng bản thân luôn có suy nghĩ “mang đến cho khách hàng một sản phẩm hoàn chỉnh và vươn tới sự hoàn hảo”, nên tôi không thể từ bỏ khát vọng xây dựng D’. Palais Louis thành một kiệt tác nghệ thuật.
Đó cũng có thể coi là một khó khăn, khó khăn do chính tôi tự đặt ra cho mình, đó là khát vọng tạo nên một sản phẩm hoàn hảo bất chấp những thăng trầm của thị trường.
Vì sao D’. Palais Louis lại có thời gian thi công tới 10 năm ròng, thưa ông?
Nếu chỉ nhìn vào bề ngoài, chắc chắn ai cũng sẽ đặt câu hỏi vì sao dự án lại xây dựng mất thời gian lâu như vậy. Bản thân tôi là người làm kinh doanh, khi đầu tư tất nhiên tôi sẽ mong muốn sớm thu lại lợi nhuận. Hơn ai hết, tôi là người mong muốn hoàn thiện dự án càng sớm càng tốt để chào bán ra thị trường, nhưng ngay từ đầu tôi đã xác định rõ mục tiêu của mình, tôi không xây dựng D’. Palais Louis là một công trình nhà ở thông thường, mà mình đang xây dựng một kiệt tác. Mà đã là kiệt tác thì mọi thứ sẽ phải thật hoàn hảo, không thể làm theo lối thông thường như những công trình khác.
Ngay từ việc lựa chọn phương án thiết kế tôi cũng đã mất tới 8 tháng với 50 cuộc họp cùng các kiến trúc sư Nhật Bản để chọn được phương án tối ưu nhất. Khi lên phương án thiết kế mặt bằng cho các căn hộ, tôi đưa ra yêu cầu phải thiết kế thế nào để mỗi căn hộ được đảm bảo sự riêng tư tối đa, bởi tôi hiểu khách hàng của mình là những người có địa vị trong xã hội và họ cần một không gian sống biệt lập.
Tôi cũng phải tự mình sang tận Italia để chọn đồ nội thất cho căn hộ, sau đó, thuê luôn nhà thầu và công nhân từ Italia sang hoàn thiện nhà mẫu. Hay đơn giản như việc ốp đá cũng đã tiêu tốn khá nhiều chi phí và thời gian, bởi tôi không chọn loại đá sẵn có trên thị trường, mà tôi sang tận Tây Ban Nha tìm những mỏ đá chưa khai thác để bán bao giờ. Mặc dù loại đá này đắt hơn một chút, nhưng bù lại màu sắc rất đẹp và khi gắn lại với nhau thì giống như một bức tranh mang tính nghệ thuật.
Ngay cả khi đã cầu kỳ như vậy, nhưng khi về ghép lại thì hoa văn lại không được như ý muốn, nên tôi đã cho dỡ toàn bộ đá lát sàn lên và đặt loại khác về để làm lại. Tất cả những chi tiết tôi đều yêu cầu và đòi hỏi sự hoàn hảo nhất có thể.
Những thương hiệu nội thất đắt giá góp phần tạo nên sự hoàn hảo cho các căn hộ D’. Palais Louis
Nói như vậy có phải là ông quá cầu toàn hay không?
Đúng là nhiều người đã nói tôi quá cầu toàn, bởi tôi quan niệm, việc chọn đá, nội thất hay vật tư là những tiểu tiết nhưng rất quan trọng. Vì đây, là công trình mang tính tâm huyết và đam mê nên từng tiểu tiết, từng cái cây, viên gạch, bóng đèn đều được tôi thổi hồn và mang ý nghĩa riêng.
Với tôi, D’. Palais Louis là công trình duy nhất, tức là cái đầu tiên và cũng là cái cuối cùng được thực hiện theo suy nghĩ và phương thức này.
Vì thế, cho dù thị trường khắc nghiệt, nhiều ý kiến nói ngả nói nghiêng, tôi sẽ vẫn theo đuổi tới cùng đam mê và khát vọng của mình đó là kiến tạo D’. Palais Louis thành kiệt tác vượt thời gian.