Chủ tịch Tân Hoàng Minh - ông Đỗ Anh Dũng hầu toà sáng 25/9
Chủ tịch Tân Hoàng Minh và một bị hại cùng kháng cáo
Sáng nay (25/9), Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các đơn vị liên quan.
Phiên toà phúc thẩm được mở trên cơ sở đơn kháng cáo của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và một bị hại là bà Phạm Thị Thi.
Trước đó, hồi tháng 3/2024, tại phiên toà sơ thẩm, sau gần 10 ngày xét xử, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đỗ Anh Dũng mức án 8 năm tù; Đỗ Hoàng Việt (con trai bị cáo Dũng), Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, 3 năm tù cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Các bị cáo khác bị phạt từ án treo đến 30 tháng tù.
Về dân sự, Hội đồng xét xử cho hay có một số bị hại yêu cầu Đỗ Anh Dũng phải trả tiền lãi hoặc chi phí khác; chính bị cáo Dũng cũng đồng ý trả tiền lãi cho người mua trái phiếu trước thời điểm ông ta bị khởi tố.
Tuy nhiên, đây là vụ án hình sự nên Hội đồng xét xử không có căn cứ xem xét tính lãi hoặc thiệt hại khác không liên quan. Việc bị cáo Dũng nói sẽ trả lãi là việc tự nguyện của bị cáo, không thuộc thẩm quyền giải quyết trong vụ án này, nếu có yêu cầu sẽ được giải quyết trong vụ án khác.
Tòa sơ thẩm cũng phân tích thêm, đáng lẽ phải buộc tất cả các bị cáo trong vụ liên đới bồi thường nhưng thực tế, số tiền thu được đều đưa về Tân Hoàng Minh, do Đỗ Anh Dũng chỉ đạo sử dụng, nên các bị cáo khác không liên quan.
Do vậy, tòa buộc Đỗ Anh Dũng phải bồi thường toàn bộ 8.643 tỷ đồng cho 6.630 bị hại. Số tiền 900 triệu đồng các bị cáo khác đã nộp là tình tiết giảm nhẹ cho họ nên tòa tuyên tịch thu xung công.
Đến đầu tháng 5/2024, ông Đỗ Anh Dũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ông Dũng là người duy nhất trong số 15 bị cáo trong vụ án này kháng cáo. Trong đơn, ông Dũng trình bày các tình tiết giảm nhẹ cho mình về việc đã nỗ lực nộp lại toàn bộ số tiền thu của các bị hại để vụ án được khắc phục hậu quả hoàn toàn, bản thân bị cáo cũng đã khai báo thành khẩn, ăn năn, hối hận và mong được hưởng khoan hồng của pháp luật...
Sau đó, Tòa án cũng nhận được đơn kháng cáo của một số bị hại yêu cầu tăng hình phạt đối với các bị cáo và yêu cầu được tính lãi suất trên số tiền mà họ bị chiếm đoạt.
Chủ tịch Tân Hoàng Minh: 'Tôi tôn trọng quyết định của Toà"
Tại phiên toà phúc thẩm sáng 25/9, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho biết, hiện chỉ có một bị hại kháng cáo là bà Phạm Thị Thi. Tại toà, bà Thi cho biết, sau khi mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh với thời hạn 1 tháng, thì được đúng 5 ngày ông Dũng bị bắt.
"Trong lúc túng quẫn, tôi đã vay nợ 2 tỷ đồng từ anh em bạn bè trong 6 tháng để mua trái phiếu. Nhưng vì Tân Hoàng Minh không trả nên tôi cũng không hoàn trả được. Người cho tôi vay đã dùng nhiều biện pháp, gây áp lực khiến tôi không thể đi làm.
Sau đó họ khởi kiện ra toà và tôi đang chịu thi hành án tại Thanh Hoá. Ngoài nợ gốc, tôi còn phải trả lãi, cộng thêm án phí hàng trăm triệu đồng", bà Thi nói.
Cho rằng Tân Hoàng Minh gây thiệt hại lớn cho bản thân cả về tiền bạc và sức khoẻ tinh thần, nhà đầu tư này kháng cáo đề nghị tăng hình phạt cho ông Đỗ Anh Dũng, đồng thời yêu cầu được bồi thường tiền lãi khoản tiền trái phiếu là hơn 200 triệu đồng.
Khi được hỏi về kháng cáo của bị hại trên, Chủ tịch Tân Hoàng Minh cho biết, bản thân tôn trọng quyết định của toà.
Về phần kháng cáo của bản thân, ông Dũng xin giảm nhẹ hình phạt, đề nghị xem xét khi bản thân đã nỗ lực khắc phục hậu quả số tiền đặc biệt lớn, hơn 8.600 tỷ đồng cho tất cả các bị hại.
Tại phiên toà, HĐXX cũng cho biết, một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo cũng đã được đưa ra như bố vợ bị cáo có công với cách mạng, người đứng đầu Tân Hoàng Minh và có nhiều đóng góp cho xã hội, hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam…
Dự kiến, kết quả phiên toà phúc thẩm sẽ được tuyên trong chiều cùng ngày.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, do gặp khó khăn về dòng tiền kinh doanh, Đỗ Anh Dũng đã thống nhất và thông qua con trai là Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, ủy quyền cho các bị can đồng phạm dưới quyền sử dụng pháp nhân 3 công ty con (Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung điện Mùa Đông), phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng để huy động tiền.
Tài liệu điều tra cho thấy, các gói trái phiếu đều được tạo lập bằng hồ sơ gian dối, tiền bán trái phiếu không phục vụ đầu tư các dự án như thông tin công bố mà được rút ra, nộp vào tài khoản của 3 công ty trên dưới danh nghĩa thanh toán tiền mua trái phiếu (vòng 1).
Sau đó, dòng tiền được chuyển tiếp sang tài khoản cá nhân hoặc Tân Hoàng Minh theo đúng mục đích, phương án phát hành (vòng 2).
Cuối cùng, tiền chuyển ngược về tài khoản của Tân Hoàng Minh (vòng cuối) để lặp lại vòng 1. Cứ như vậy, số tiền được quay vòng đến khi đủ giá trị các gói trái phiếu.
Tin tưởng vào danh tiếng lâu năm của Tân Hoàng Minh, hàng nghìn nhà đầu tư ký hợp đồng để trở thành chủ sở hữu 9 gói trái phiếu trên.
Viện kiểm sát xác định, Tập đoàn Tân Hoàng Minh thu về gần 14.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 5.100 tỷ đồng là tiền của nhà đầu tư sau được dùng để trả cho nhà đầu tư đến hạn trước. Số tiền lại được Đỗ Anh Dũng chỉ đạo sử dụng để trả nợ, mua cổ phần, chi tiêu cá nhân… không đúng mục đích, phương án phát hành trái phiếu.
Hậu quả, 6.630 nhà đầu tư bị chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ trước khi phiên toà sơ thẩm diễn ra, ông Dũng đã khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Đây là điểm quan trọng để cơ quan chức năng xem xét mức án khoan hồng cho bị cáo cùng đồng phạm.