Chủ tịch SSI và thông điệp minh bạch

Chủ tịch SSI và thông điệp minh bạch

(ĐTCK) SSI muốn trở thành một đế chế tài chính, ở đó không có tư duy nhiệm kỳ, chỉ có những người trung thành với lợi ích Công ty. SSI rất cần những cá nhân xuất sắc, tâm sáng và minh bạch.

Từ một DN tư nhân có vốn điều lệ 6 tỷ đồng vào năm 2000, SSI đã trở thành một trong những CTCK có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Từng có nhiều người nghi ngờ về mô hình phát triển, tính minh bạch và hiệu quả hoạt động của SSI…, nhưng sau 12 năm vững vàng tiến bước, những nghi ngờ đã được thay thế bằng sự thừa nhận trên toàn thị trường về uy tín SSI. Làm thế nào để giữ uy tín và đứng vững ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn nhất?

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, đó là do SSI được vận hành bằng tư duy minh bạch. Chỉ có minh bạch mới tạo được niềm tin và chỉ khi có niềm tin thì DN cũng như nền kinh tế mới có thể phát triển bền vững và cân bằng.

Nhiều ngành, nhiều chủ thể đang thực hiện tái cấu trúc trong bối cảnh sự suy thoái gần như đã gõ cửa từng DN, từng nhà. Ở góc nhìn của một doanh nhân, ông nghĩ gì về quá trình này?

Ai cũng nhận thấy nền kinh tế Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn, không chỉ do sự suy giảm hiệu quả hoạt động, mà còn vì những dao động trong tâm lý người dân nói chung. Làm cách nào để vượt qua khó khăn này, đó là một câu hỏi lớn, nhưng không có khó khăn nào là không có giải pháp, nếu thực sự minh bạch. Theo tôi, căn bệnh lớn nhất của nền kinh tế và các DN hiện nay là thiếu minh bạch. Trong mọi giải pháp thúc đẩy nền kinh tế, thúc đẩy DN hoạt động hiệu quả, giải pháp duy nhất quan trọng là minh bạch. Khi thực sự minh bạch, chắc chắn sẽ có những chủ thể, những DN phải đổ vỡ, nhưng từ đó, nền kinh tế mới có thể phục hồi.

 

TTCK là biểu trưng của sự minh bạch, nhưng niềm tin của nhà đầu tư đang suy giảm nghiêm trọng khi không ít DN lớn, uy tín, bị khủng hoảng về quản trị, thậm chí đổ vỡ một cách bất thường. Ông nghĩ sao về tình trạng này?

Không phải tự nhiên mà TTCK được coi là phong vũ biểu của nền kinh tế. Khi thân nhiệt nền kinh tế không ổn định, TTCK đương nhiên không thể hoạt động bình thường, ổn định được. Trong lòng thị trường, từ những vụ đổ vỡ của một số DN lớn, từng được tôn vinh là khỏe mạnh, minh bạch cho thấy một thực tế đáng báo động về mức độ minh bạch thực sự của tất cả các chủ thể trong đó.

Những vụ đổ vỡ bất ngờ trong lòng TTCK cũng như nền kinh tế đang đặt ra một câu hỏi về sự minh bạch và áp lực thực thi sự minh bạch. Tôi cho rằng, nếu các DN thực sự minh bạch thì sẽ không thể xảy ra những vụ đổ vỡ bất ngờ. Chỉ có minh bạch mới giúp những thực thể, những DN đáng sống được sống tốt hơn và những thực thể, DN yếu kém sẽ phải bị đào thải theo đúng tính chất vốn có của nó.

 

Theo ông, làm thế nào để xác lập sự minh bạch?

Để xác lập sự minh bạch, trước hết phải có sự đồng lòng hướng đến minh bạch. Từ sự đồng lòng này, hệ thống pháp lý phải được xây dựng lại theo tư duy buộc các chủ thể bị quản lý phải minh bạch, phá bỏ tư duy làm luật để tạo công cụ kiểm soát quyền lực cho các cơ quan hành pháp. Làm sao để bằng hành lang pháp lý, các chủ thể trong cùng môi trường kinh doanh phải được phân tầng một cách rõ ràng và dư luận phải nhận diện rõ DN nào tốt, DN nào không tốt. Trên TTCK hiện nay, do vẫn thiếu công cụ định hướng sự minh bạch, thiếu các chế tài đủ mạnh buộc DN phải minh bạch, nên có hiện tượng “vàng, thau lẫn lộn”. Đây chính là nguyên nhân gây ra những cuộc đổ vỡ bất ngờ, không chỉ làm mất tiền, mà quan trọng hơn là làm mất niềm tin của công chúng.

 

Quan điểm điều hành và kiểm soát sự minh bạch của ông?

Trong điều hành, đừng quan tâm đến kiểm soát con người, mà hãy quan tâm đến kiểm soát rủi ro hệ thống. Khi xây dựng hệ thống phải đặt đúng người, đúng việc, dựa trên bản chất vấn đề để xử lý. Trong đó, quan trọng nhất là người đứng đầu phải thực sự minh bạch và công tâm để giữ kỷ cương chung cho hoạt động của một tổ chức. Nếu người đứng đầu không tốt, thì không thể có nhân sự tốt, tận tâm.

 

Ông định vị SSI 5 năm tới là như thế nào?

5 năm tới, SSI sẽ là CTCK đứng đầu và là công ty đầu tư, cung cấp dịch vụ tài chính trong các ngành có thế mạnh tại Việt Nam . Hiện SSI đang phát triển mạng lưới công ty liên kết là các DN tốt nhất trong ngành nông nghiệp. Chúng tôi chọn đầu tư vào DN nông nghiệp, bởi Việt Nam có lợi thế riêng mà các nước phát triển ngay cả như Mỹ cũng không thể có được. SSI quyết định dựa theo các lợi thế độc quyền của Việt Nam để phát triển thành lợi thế cho nhóm công ty mình.

Đã vài năm nay, tôi đi tìm ứng viên cho vị trí Tổng giám đốc SSI và vẫn đang tìm kiếm nhân sự này. Cổ đông đặt niềm tin vào tôi (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SSI) đó là hạnh phúc, nhưng đó cũng là băn khoăn khi tôi vừa bước sang tuổi 50 và đến lúc nào đó, sẽ phải chuyển giao quyền lãnh đạo. SSI muốn trở thành một định chế tài chính, ở đó không có tư duy nhiệm kỳ, chỉ có những người trung thành với lợi ích Công ty. SSI rất cần những cá nhân xuất sắc, có tâm sáng và minh bạch để cùng bước trên một con đường dài.

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng