Ông Nguyễn Duy Hưng
Cụ thể hơn, ông sẽ nêu giải pháp, kiến nghị gì với Chính phủ để thúc đẩy TTCK phát triển?
Để xây dựng được thị trường tài chính, không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng đó là “tính thị trường”. Nếu quản lý thị trường một cách lành mạnh, minh bạch, mọi người sẽ tham gia, kéo theo sự tham gia của các tổ chức tài chính, công ty để huy động vốn. Tại sao NĐT lại cứ phải “lướt sóng” chứng khoán kiếm tiền rồi mang tiền gửi ngân hàng, hoặc tích trữ vàng, đất đai mà không đầu tư nắm giữ cổ phiếu, trong khi giữ cổ phiếu NĐT được hưởng cổ tức cao hơn tiền gửi ngân hàng.
Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một thị trường tài chính song hành và tách biệt đối với thị trường tiền tệ. Thực tế hiện nay cho thấy, sự tập trung vẫn đổ dồn vào thị trường tiền tệ, từ DN vay vốn ngân hàng cho đến mua chứng khoán.
Vì vậy, khi có những động thái về sửa đổi thông tư hay tin đồn về người này người kia bị bắt trên thị trường tiền tệ, TTCK ngay lập tức chao đảo, trong khi thực tế ảnh hưởng không lớn đến vậy. Nếu thị trường tài chính đủ sức cạnh tranh và tạo ra được một kênh cung cấp vốn thực sự cho nền kinh tế, tình hình khi đó sẽ khác.
Xây dựng một thị trường tài chính lành mạnh cung cấp vốn trung dài hạn, bên cạnh thị trường tiền tệ là nơi cung cấp vốn ngắn hạn là một xu thế tất yếu.
Theo ông, rủi ro với TTCK hiện nay là gì?
Đó là khả năng tăng trưởng nền kinh tế bền vững. Làm sao chúng ta có thể cải thiện chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), làm sao giải quyết bài toán nợ xấu. Đó là những rủi ro mà nền kinh tế cũng như TTCK phải chấp nhận.
Nếu kỳ vọng lớn vào TTCK năm 2016 thì hơi vội vã, bởi TTCK không thể tách rời nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc là nền kinh tế đang trong tình trạng xấu, tôi khẳng định là không xấu, đặc biệt so với các nước trong khu vực.
Tôi từng phát biểu tại một hội thảo ở Hong Kong rằng, trong một tổ chức đầu tư có 2 bộ phận: bộ phận đề xuất đầu tư và bộ phận kiểm soát rủi ro. Bộ phận đề xuất đầu tư sẽ nói TTCK năm 2016 của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội nhất trong các nước trong khu vực. Còn những người quản lý rủi ro sẽ nói, TTCK Việt Nam ít xấu nhất trong các nước trong khu vực. Nghe thì có vẻ khác nhau nhưng cùng chung quan điểm: “Đây là địa chỉ tốt nếu chúng ta buộc phải đầu tư”.
Ông có cho rằng TTCK Việt Nam đang bị định giá thấp?
Thị trường ở mức thấp hay cao không thể chỉ dựa vào một tiêu chí, như chỉ số P/E cơ bản, mà tất cả các yếu tố từ độ an toàn, tốc độ phát triển, khả năng tăng trưởng, độ rủi ro… đều có ảnh hưởng đến việc định giá. Và thị trường có thanh khoản lớn, giao dịch nhiều là thời điểm định giá đang đúng nhất, còn nếu không, có thể định giá đang không đúng với giá trị thực tế.
Rõ ràng thanh khoản hiện nay trên TTCK không xấu đi, thậm chí đang tốt dần lên nhưng tốc độ không như kỳ vọng. TTCK quan trọng nhất là sự minh bạch, nếu như độ minh bạch được cải thiện thì sẽ thu hút được nhiều NĐT tham gia, khi đó thanh khoản và giá sẽ tốt hơn. Đó là hệ quả chứ không phải nguyên nhân như chúng ta nghĩ.
SSI đang quản lý tài sản 6.200 tỷ đồng, trong đó tài sản nước ngoài khoảng 4.000 tỷ đồng. Ông có kỳ vọng sẽ huy động được vốn từ NĐT nước ngoài nhiều hơn trong năm nay?
Mặc dù huy động theo cách truyền thống sẽ rất khó khăn trong thời gian tới, nhưng nếu có những cơ hội đầu tư hay concept đầu tư thì vẫn có thể huy động được, bởi lĩnh vực quản lý quỹ đang ngày càng thu hút sự quan tâm của NĐT.
Cách đây 1 tháng khi tham gia hội thảo tại nước ngoài, tôi thấy lượng người quan tâm đến thị trường Việt Nam ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, từ quan tâm cho đến quyết định đầu tư thì đầu tiên phải cho họ thấy thị trường Việt Nam hấp dẫn ở điểm nào, tại sao họ nên đầu tư vào một ngành hay DN nào đó.
NĐT nước ngoài đang quan tâm những lĩnh vực nào tại Việt Nam, thưa ông?
Thứ nhất là lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Trong thời gian tới, nguồn vốn ODA sẽ bắt đầu giảm nhanh trong lĩnh vực này, nhưng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn đang ở mức cao. Đây cũng là ngành duy trì tăng trưởng của nền kinh tế. Khi vốn ODA không còn nữa, người ta sẽ nghĩ ngay đến nguồn vốn tư nhân trong nước. Việc sử dụng nguồn vốn tư nhân để đầu tư mang lại hiệu quả tốt hơn rất nhiều.
Lĩnh vực thứ hai nhiều NĐT quan tâm đó là đầu tư vào nông nghiệp, thực phẩm, vì 90% dân số Việt Nam chịu tác động và ảnh hưởng từ nông nghiệp. Bài toán đang đặt ra trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là nếu đầu tư không nghiêm túc dễ gây hoang mang, sợ hãi cho người dân, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.