Chủ tịch SoftBank được trả lương ngang ngửa Tim Cook

Chủ tịch SoftBank được trả lương ngang ngửa Tim Cook

(ĐTCK) Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, thông tin Chủ tịch Tập đoàn SoftBank của Nhật Nikesh Arora được trả 8,04 tỷ yên (tương đương 73 triệu USD) vào cuối năm tài chính, đã đưa ông lọt vào Top những lãnh đạo được trả lương cao nhất thế giới trong 2 năm liên tiếp.

Theo dữ liệu của Bloomberg, mức thu nhập hiện tại của Nikesh Arora tương đương với của Tim Cook tại Apple và Bob Iger tại Walt Disney. Năm ngoái, con số này thậm chí còn cao gấp đôi. Lúc đó, sau năm đầu tiên Arora làm tại SoftBank, ông được công ty trả tới 16,6 tỷ yên (151 triệu USD) - mức cao kỷ lục tại Nhật Bản. Trong khi đó, mức trả cho nhà sáng lập của SoftBank Masayoshi Son là 130 triệu yên (1,2 triệu USD) và cho nhà phát triển thị trường nội địa của SoftBank Ken Miyauchi là 317 triệu yên (2,8 triệu USD).

“Trên mặt bằng thu nhập chung của Nhật thì đây là số tiền khổng lồ, nhưng trên thế giới, có rất nhiều lãnh đạo được trả mức tương đương như vậy”, Tomoaki Kawasaki - chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Iwai Cosmo phát biểu và cho biết, Arora đã xây dựng được một tập khách hàng tại SoftBank với nhiều thương vụ ngoài nước Nhật. Sự có mặt của ông ấy tại công ty cũng giúp Softbank thu hút được nhiều nhân tài người nước ngoài hơn.

Arora hiện 47 tuổi, có bằng kỹ sư công nghệ tại Đại học IT-Bhu (nay là IIT-Varanasi, Ấn Độ), bằng MBA của Đại học Northeastern (Mỹ). Ông cũng nắm trong tay giấy chứng nhận chuyên gia phân tích tài chính (CFA).

Trước khi đầu quân cho SoftBank, Arora đã có gần một thập kỷ gắn bó với gã khổng lồ Google, là một trong những cánh tay đắc lực của CEO Google Larry Page, đồng thời là người liên lạc chính của Công ty với phố Wall. Tại đây, ông cũng là người được trả lương cao nhất trong số các lãnh đạo của Google (57,6 triệu USD).

Năm 2014, ngay tại thời điểm Google đạt kết quả kinh doanh vượt ngoài mong đợi, Arora vẫn quyết định rời bỏ vị trí Giám đốc kinh doanh của Google để chuyển sang đầu quân cho Tập đoàn viễn thông SoftBank của Nhật, nắm giữ cương vị Giám đốc điều hành. Chưa đến một năm sau, ông được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch. Lúc đó, người nắm giữ SoftBank là Masayoshi Son đã tuyên bố rằng, Arora là ứng viên sáng giá nhất để thừa kế SoftBank trong tương lai.

“Nikesh Arora rất tuyệt! Anh ấy có cái nhìn sâu sắc và sự cân bằng. Anh ấy không ngại thử những việc khó khăn”,  Masayoshi Son nói.

Arora chịu trách nhiệm cho tất cả các hoạt động trên toàn cầu của SoftBank. Mỗi năm, ông đều lên kế hoạch đầu tư khoảng 3 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp tiềm năng với tham vọng đưa SoftBank trở thành một tập đoàn lớn mạnh như Alibaba. Arora đã giúp SoftBank đầu tư vào nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của Ấn Độ Snapdeal.com, dịch vụ gọi xe qua điện thoại Ola Cabs, website bất động sản Housing.com và ứng dụng đặt phòng khách sạn Oyo Rooms.

“Mức thù lao cao không phải là vấn đề, miễn là Arora tạo ra được giá trị”, Cedric Araud - một cổ đông của SoftBank chia sẻ. Sở dĩ cổ đông này đưa quan điểm như vậy bởi thấy đầy lạc quan khi nhìn vào viễn cảnh SoftBank có thể bán cổ phần của họ trong Công ty Sản xuất đồ chơi Supercell Oy của Phần Lan với tổng giá trị trên 5 tỷ USD.

“Việc này sẽ mang lại lợi nhuận lớn và cho thấy rằng, Arora có năng lực cải thiện việc phân bổ vốn của SoftBank”, Cedric Araud cho hay.

Arora cũng đã đặt một “ván cược” lớn khi vào tháng 8 năm ngoái, ông tuyên bố sẽ mua lại 60 tỷ yên (483 triệu USD) cổ phiếu của SoftBank. Đây là hoạt động giao dịch nội bộ trong một công ty lớn nhất tại Nhật Bản trong suốt 12 năm qua. Arora đang có tham vọng mở rộng quy mô của SoftBank gấp nhiều lần.

“Hiện đã đến lúc để mạo hiểm”, Arora khẳng định.

Bên cạnh đó, Masayoshi Son một lần nữa khẳng định sự tin tưởng của mình dành cho Arora trước các nhà đầu tư khi nói rằng: “Tôi hoàn toàn tin tưởng Nikesh Arora và có thể tự tin rằng, anh ấy sẽ tiếp tục làm những điều tuyệt vời nữa cho SoftBank trong tương lai”.

Cũng như Nikesh Arora, CEO của nhiều công ty công nghệ hàng đầu hiện nay đều là người Ấn Độ, trong đó không thể không nhắc tới Sunder Pichai của Google, Satya Nadella của Microsoft hay Shantanu Narayen của Adobe. Những vị lãnh đạo gốc Ấn tài ba này đã chứng tỏ cho cả thế giới thấy rằng, dù được sinh ra ở một đất nước không vượt trội về kinh tế, nhưng họ vẫn có thể thành công một cách đáng ngưỡng mộ, là những tấm gương sáng về nghị lực phấn đấu không ngừng nghỉ trên con đường lập nghiệp.

Tin bài liên quan