Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc tế Sơn Hà
Mối quan tâm của thế giới…
Sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả, phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch vừa là xu hướng tất yếu, vừa là nhiệm vụ cấp bách. Dù thế giới đang có nhiều dịch chuyển về địa chính trị, khủng hoảng kinh tế, tài chính kéo dài, nhưng cả các quốc gia phát triển và đang phát triển vẫn theo đuổi những mục tiêu và cam kết nỗ lực phối hợp cùng nhau nhằm giảm phát thải khí nhà kính/chống sự nóng lên của toàn cầu/thích ứng và chống biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, những thách thức mang tính toàn cầu đã hiện hữu và đe dọa đến đời sống, kinh tế, xã hội, đó là xâm nhập mặn do nước biển dâng cao/thiên tai, bão lũ xảy ra ngày càng khó dự báo/ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng và thiếu hụt năng lượng. Tuy đã có được sự đầu tư bước đầu, chúng tôi nhận thấy, phần lớn nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn là một tiềm năng chưa thực sự được khai thác. Tập trung phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng sẽ không chỉ giúp tạo thêm hàng chục nghìn việc làm, khai thác được lợi thế tự nhiên của đất nước, thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam mà quan trọng hơn là đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia trước nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng lớn.
Theo dự tính, giai đoạn 2014 - 2030 nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và đạt tốc độ bình quân 5,9%/năm. Việt Nam có thể sẽ phải gia tăng nhập khẩu năng lượng trong tương lai gần, đồng thời phải xây dựng thêm các nhà máy phát điện để đáp ứng nhu cầu về năng lượng trong những năm tới.
Cộng đồng DN tư nhân rất quan tâm đến nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất, thúc đẩy phát triển và sử dụng năng lượng sạch. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng sạch là giải pháp có tính bền vững, lâu dài, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát huy được tiềm năng và thế mạnh tự nhiên của đất nước, đồng thời giúp DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ.
… và giải pháp tại Việt Nam
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, chủ trương của Đảng, Nhà nước là phát triển bền vững, có nghĩa là phát triển kinh tế phải đi đôi với vấn đề bảo vệ môi trường. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả và phát triển năng lượng sạch là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, trước tiềm năng phát triển năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng vô cùng lớn ở Việt Nam, lĩnh vực này vẫn còn ở mức sơ khai, đầu tư tư nhân còn rất hạn chế. Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân vào các ngành năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh khối, thủy điện nhỏ… Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua năm 2010, Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2050 và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt là những văn bản quan trọng, định hướng và tạo động lực phát triển các lĩnh vực này.
Thực tế, nhiều DN tư nhân đã tiên phong tham gia vào khai thác thị trường năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm bằng nhiều hình thức. Sự tham gia của các DN vào thị trường năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng được đánh giá là một cú hích mạnh đối với thị trường năng lượng sạch tại Việt Nam và tạo ra những bước đi tiên phong trong công nghệ năng lượng. Tuy đã có những đầu tư ban đầu, chúng tôi cũng nhận thức rõ về những hạn chế, điểm yếu trong nghiên cứu, ứng dụng và các hoạt động thương mại có liên quan đến năng lượng mới và sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả. Chúng tôi kêu gọi các thành viên cùng cam kết chủ động đánh giá khách quan, đồng thời có hành động nhằm khắc phục những hạn chế này.
DN tư nhân sẵn sàng tham gia và đầu tư vào các dự án về phát triển năng lượng sạch, nhằm đóng góp vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi mong đợi Nhà nước có hành động đầu tư thiết thực và công bằng giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước với thành phần kinh tế tư nhân. Loại bỏ hoàn toàn mọi trợ cấp năng lượng hóa thạch vì sự phụ thuộc của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch đang đe dọa sự bền vững của môi trường, tạo ra những nguy cơ ngắn hạn gây bất ổn chính trị, đồng thời thực hiện chính sách khuyến khích minh bạch hơn đối với năng lượng sạch. Chúng tôi mong Nhà nước sẽ hỗ trợ các DN tư nhân nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến để sản xuất các sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo như bếp và hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, pin mặt trời, turbine gió, biogas, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học... Từ đó, nội địa hóa các sản phẩm tạo ra cả triệu việc làm. Nghiên cứu giải pháp để ngân hàng thương mại tham gia vào việc bảo lãnh các dự án đầu tư về phát triển công nghệ năng lượng sạch…
Việc xây dựng ngành công nghiệp năng lượng sạch là thế mạnh của Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng tham gia khai thác tiềm năng vô cùng to lớn và thúc đẩy mạnh mẽ cho các ngành khác phát triển để đất nước xanh, sạch, đẹp, là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu của thế giới.