Tại sao SCIC lại khống chế mức trần 2,7% vốn VNM cho một nhà đầu tư trong đợt thoái vốn này?
Ấn định mức đăng ký mua tối đa với một nhà đầu tư (2,7% vốn điều lệ Vinamilk) nhằm đảm bảo theo chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là bán rộng rãi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, để nhiều người có thể tiếp cận và sở hữu cổ phiếu của Vinamilk.
Chúng tôi chỉ áp mức đăng ký mua tối thiểu là 20.000 cổ phần theo quy định bán thỏa thuận của HOSE để đảm bảo cả những nhà đầu tư cá nhân cũng có thể tham gia.
Giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phiếu được đưa ra dựa trên những căn cứ nào?
Mức giá 144.000 đồng/cổ phiếu được tính toán dựa trên các căn cứ về phương pháp định giá đối với cổ phiếu Vinamilk cũng như các mức giá giao dịch trung bình trong thời gian 30 phiên, 60 phiên và 90 phiên. Tuy nhiên, đây cũng không phải là mức giá cố định trong quá trình thỏa thuận cạnh tranh với các nhà đầu tư.
Theo quy chế bán đấu giá của SCIC, nếu vào ngày 12/12 (ngày đấu giá), giá sàn VNM đạt được trên HOSE cao hơn 144.000 đồng, thì giá khởi điểm của phiên đấu giá cạnh tranh sẽ là mức giá sàn của phiên đó.
SCIC đã thực hiện nhiều cuộc giới thiệu cơ hội đầu tư vào đợt thoái vốn này tại nước ngoài. Ông có thể cho biết mức độ quan tâm của các nhà đầu tư?
SCIC thực hiện công bố thông tin về việc đấu giá cổ phần VNM trên các hãng tin, hãng thông tấn quốc tế như Bloomberg, Reuters hay Wall Street Journal.
Tổng công ty cũng tổ chức các buổi giới thiệu tại Singapore, Hồng Kông và London (Anh) để giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của Vinamilk. Có khoảng 100 nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia các buổi giới thiệu này.
Sau các buổi giới thiệu đã có 20 nhà đầu tư nước ngoài thể hiện sự quan tâm, gửi thư trao đổi. Ngoài ra, tại một hội nghị đầu tư tại Singapore mới đây, 10 nhà đầu tư đã liên hệ trực tiếp với ban lãnh đạo của Vinamilk để tìm hiểu cơ hội đầu tư cụ thể.
Khống chế tỷ lệ cổ phần tối đa mà một nhà đầu tư có thể mua, song SCIC có e ngại về việc một nhóm các nhà đầu tư gom mua cổ phiếu VNM sau đó chuyển nhượng cho 1 nhà đầu tư?