ĐTCK đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Đặng Văn Thành xung quanh câu chuyện này.
Tuy những lời đồn đoán về việc Sacombank bị thâu tóm đã xuất hiện từ hơn 1 năm qua, nhưng hiện vẫn chưa bớt nóng và dư luận còn cho rằng, sẽ có sự thay đổi lớn trong HĐQT của Ngân hàng. Thực hư chuyện này ra sao và trong ĐHCĐ năm nay có sự thay đổi về nhân sự cấp cao tại Sacombank hay không, thưa ông?
Nghị quyết ĐHCĐ vừa qua của Ngân hàng Sacombank đã được biểu quyết và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua. Theo đó, HĐQT nhiệm kỳ 2011 - 2015 đã được xác định. HĐQT của nhiệm kỳ này vừa hoàn thành kế hoạch năm 2011, là năm đầu của nhiệm kỳ 5 năm. ĐHCĐ Sacombank năm nay, Ngân hàng dự kiến trình kế hoạch tăng thêm 17% vốn điều lệ từ Quỹ dự trữ bổ sung tăng vốn điều lệ. Hiện Quỹ dự trữ bổ sung tăng vốn điều lệ (bao gồm cả thặng dư) của Sacombank là 3.000
tỷ đồng.
Eximbank mua lại phần vốn của ANZ tại Sacombank, theo ông có ảnh hưởng gì đến việc cạnh tranh giữa hai ngân hàng?
Khi tham gia niêm niêm yết thì chắc chắn Ngân hàng sẽ có sự biến động về cổ đông và có thể có sự thay đổi thành phần HĐQT sau mỗi kỳ đại hội. Nếu góp ý của các thành viên HĐQT theo hướng xây dựng, cùng phát triển Sacombank thì cần tiếp thu để cải thiện ngày một tốt hơn. Vì thế, việc Eximbank tham gia vào HĐQT Sacombank là chuyện bình thường, không ảnh hưởng đến quyền lợi cạnh tranh giữa hai ngân hàng, tương tự như khi ANZ đầu tư vào Sacombank trước đây.
Nhưng việc các cổ đông lớn của Sacombank (IFC, ANZ, REE) lần lượt thoái vốn khỏi Ngân hàng trong thời gian qua đã khiến cổ đông nhỏ lẻ tỏ ra lo ngại. Ông có ý kiến gì về chuyện này?
Đối với các cổ đông, bản thân họ là nhà đầu tư, nên tùy vào tình hình tài chính cũng như kế hoạch mà các cổ đông tính đến việc thoái vốn hay không. Nhưng có một điều mà tôi muốn nói ở đây là, trong bối cảnh thị trường hiện nay, không phải muốn thoái vốn khỏi doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được, bởi thanh khoản yếu kém của thị trường. Trong khi đó, việc chuyển nhượng cổ phiếu của STB vẫn được thực hiện thành công. Điều này khẳng định thanh khoản tốt của cổ phiếu STB.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ lợi nhuận Sacombank còn ở mức khiêm tốn là do Ngân hàng đã đầu tư mua bất động sản để mở chi nhánh, phòng giao dịch, thay vì thuê mặt bằng như các ngân hàng khác để tiết kiệm chi phí?
Muốn đưa sản phẩm tài chính - ngân hàng tiện ích đến tận tay người tiêu dùng thì đòi hỏi phải có mạng lưới và Sacombank đã từng bước đầu tư về cơ sở hạ tầng một cách khang trang bằng nguồn vốn tự có của mình. Trong đó, Sacombank đã mua lại nhiều bất động sản – nơi ngân hàng mở điểm giao dịch.
Chúng tôi luôn quan tâm tới vấn đề đầu tư bất động sản để làm trụ sở cho Ngân hàng. Vì thế, Sacombank chọn giải pháp mua bất động sản ở các tỉnh, thành phố để mở rộng mạng lưới hoạt động, thay vì đi thuê. Có thể vốn khả dụng đầu tư để sinh lời trước mắt không có thuận lợi, nhưng cách làm này là để bảo tồn vốn và về lâu dài, sẽ đem lại tích sản lớn cho Ngân hàng.
Hiện nay, khoảng 80% bất động sản của Sacombank đang phục vụ cho hệ thống mạng lưới là của Ngân hàng. Đặc biệt, trong đó có không ít điểm giao dịch mà giá trị bất động sản đã tăng nhiều lần so với giá trị đầu tư ban đầu. Do đó, mức lợi nhuận đạt được trước mắt chưa cao, nhưng nếu nhìn về dài hạn thì chiến lược trên của Sacombank là phù hợp với các cổ đông gắn bó lâu dài với Ngân hàng.
Nhưng trên thực tế, lợi nhuận Sacombank đạt được những năm qua cũng không thể nói là thấp mà có thể chấp nhận được, vì thị trường có khó khăn, hoạt động ngân hàng không tránh được thách thức. Sacombank dự kiến đạt 3.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2012, nhưng đây là chỉ tiêu bắt buộc của HĐQT giao cho Ban điều hành. Ước cả quý I/2012, Ngân hàng sẽ thu về gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.