Cần bỏ cơ chế tính giá mua điện hiện nay
Cơ chế tính giá mua điện hiện nay là Nhà nước tính giá thành sản xuất điện, phân bổ khối lượng điện phát trong kỳ và trên cơ sở đó, cho phép doanh nghiệp một mức biên lợi nhuận. Cách vận hành này của cơ quan quản lý không chỉ tạo cơ chế xin - cho, mà còn gây lãng phí cho nền kinh tế quốc gia.
Tại sao Nhà nước không đưa ra mức giá chấp nhận mua. Ví dụ, giá mua nhiệt điện là bao nhiêu, giá mua thủy điện là bao nhiêu 1 KWh? Giá mua điện gió như thế nào? Khi đó, doanh nghiệp sẽ tự cân nhắc được phương án đầu tư cho mình và quyết định có đầu tư vào ngành điện hay không.
Còn như bây giờ quá rủi ro, doanh nghiệp đầu tư vào mà chưa biết mình sẽ được mua với giá nào, vì đầu tư trước, hoàn tất đàm phán giá bán điện sau. Rồi giá thành sản xuất điện không phải do doanh nghiệp tính, mà do Nhà nước vào tính toán xem chi phí vận hành bao nhiêu, khấu hao bao nhiêu, nguyên vật liệu bao nhiêu, từ đó tính giá mua trên cơ sở Nhà nước cho một mức biên lợi nhuận. Làm sao Nhà nước có thể hiểu rõ được hơn doanh nghiệp và việc này tạo ra cơ chế xin - cho trong xác định giá thành sản xuất, giá mua…
Nhiệt điện Quảng Ninh có lỗ lũy kế hơn 1.100 tỷ đồng tính tới cuối năm 2015
Không những vậy, đây cũng là nguyên nhân của lãng phí.
Cách đây mấy năm, khi chúng tôi tham gia đầu tư vào CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh, điều khiến REE mạnh dạn đầu tư vào đây là Nhiệt điện Quảng Ninh có suất đầu tư rất thấp, lại nằm ngay mỏ than.
Chúng tôi cho rằng, điều này sẽ giúp Công ty tiết kiệm chi phí vận chuyển nguyên liệu, nhanh chóng hoàn vốn. Nhưng hóa ra, những điều tưởng chừng là lợi thế này lại không mang lại lợi ích cho Công ty, thậm chí là thiệt hại. Nhà nước tính giá mua dựa trên cơ sở tính biên lợi nhuận trên giá thành và trong giá thành thì có chi phí vận chuyển.
Khi giá thành càng thấp, thì lợi nhuận tuyệt đối của doanh nghiệp càng giảm, sẽ khiến tiền cho vận hành và bảo dưỡng cũng nhỏ theo. Đó là thiệt hại cho doanh nghiệp.
Nhà nước làm như thế này, khác gì “đánh” thẳng vào kinh tế tư nhân. Khoản chênh lệch tỷ giá mà chúng tôi đang phải hạch toán, bản chất là khoản phải thu, nhưng không biết khi nào mới đòi lại được.
Cách làm như hiện nay của Nhà nước đã tạo ra sự bất bình đẳng và lãng phí. Không nói đến việc phải chi trả tiền cho đội ngũ xác định giá thành sản xuất điện, vì mỗi doanh nghiệp một khác nhau, thì việc tính biên lợi nhuận dẫn đến doanh nghiệp không có nhu cầu tiết kiệm.
Ví dụ, cùng đầu tư sản xuất nhà máy 1 triệu MWh, nếu chúng tôi tiết kiệm được chi phí đầu tư, sản xuất ở nơi thuận lợi cho vận chuyển nguyên liệu, thì giá thành điện sản xuất của Công ty sẽ thấp, dẫn đến lãi ít. Ngược lại, doanh nghiệp khác đầu tư lãng phí, nguồn nguyên liệu vận chuyển khó khăn hơn, giá thành đội lên cao, thì sẽ được lãi nhiều hơn. Đó là bất cập…
Đã đến lúc Nhà nước nên xem xét lại cách tính giá mua điện, để bình đẳng giữa các doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, chứ không phải cơ chế xin - cho như hiện nay.
Doanh nghiệp tư nhân lĩnh hậu quả
REE đang sở hữu trực tiếp 21,8% vốn điều lệ CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), đơn vị có số dư vay bằng Yên Nhật (JPY) tính đến cuối năm 2015 tương đương 4.360 tỷ đồng. Năm 2015, PPC hạch toán 283,6 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá.
Một công ty khác mà REE đầu tư 500 tỷ đồng là CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh. PPC cũng đang đầu tư 817,3 tỷ đồng vào đây, nắm 16,35% vốn điều lệ của công ty này. Giống như PPC, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 của Nhiệt điện Quảng Ninh cho thấy, trong năm tài chính 2015, Công ty phải hạch toán lỗ chênh lệch tỷ giá gần 1.476 tỷ đồng.
Với biến động tỷ giá, doanh nghiệp ngành điện đang phải gồng mình gánh chịu. Đây là khoản lẽ ra thuộc trách nhiệm của Nhà nước.
Theo Thông tư 56/2014/TT-BCT của Bộ Công thương, chênh lệch tỷ giá được tính vào giá thành sản xuất điện. Thế nhưng, chúng tôi làm rồi, thì Nhà nước lại bảo doanh nghiệp tự chịu lấy. Nếu chỉ có doanh nghiệp nhà nước đầu tư, thì đó là việc khác, vì đâu cũng là một chủ sở hữu. Thế nhưng, ở đây là doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước làm như thế này, khác gì “đánh” thẳng vào kinh tế tư nhân. Khoản chênh lệch tỷ giá mà chúng tôi đang phải hạch toán, bản chất là khoản phải thu, nhưng không biết khi nào mới đòi lại được.