Chủ tịch REE: Các công ty niêm yết là "hàng hóa" trên TTCK, hàng hóa phải tốt và không có hàng giả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ Điện Lạnh (REE) Nguyễn Thị Mai Thanh kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể góp phần thúc đẩy thị trường phát triển.

TTCK là nơi tôi luyện cho các công ty niêm yết làm ăn minh bạch, trách nhiệm

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Cơ Điện Lạnh cho biết, thị trường vốn, TTCK như là xương sống, là mạch máu của nền kinh tế. Năm 2000, TTCK Việt Nam ra đời như một kênh huy động vốn với khuôn khổ pháp lý được ban hành. Để huy động vốn với chi phí hợp lý và bền vững lâu dài, REE đã tiên phong niêm yết đầu tiên trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và nhận được giấy phép niêm yết số 1 vào tháng 7/2000. Khi đó, ý tưởng này tương đối mới mẻ ở Việt Nam.

Việt Nam luôn tự học và lựa chọn những mô hình thành công để áp dụng vào xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. REE đã luôn tích cực chào đón những ý tưởng mới, áp dụng chúng và quyết tâm thực hiện thành công, chứng minh cho sự đúng đắn của đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước.

REE đã thành công với mô hình cổ phần hóa và niêm yết, là nguồn động viên cho các doanh nghiệp khác tiến bước theo. Ngày nay, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều đã cổ phần hóa và phần lớn đều đạt được thành công. Nhà nước vẫn giữ một tỷ lệ cùng với doanh nghiệp và Nhà nước được hưởng lợi từ thành quả mà doanh nghiệp cổ phần mang lại.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE). Ảnh VGP.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE). Ảnh VGP.

“Thị trường chứng khoán không chỉ là nơi "tôi luyện" cho các công ty niêm yết để làm ăn đàng hoàng hơn, minh bạch, có trách nhiệm và nghĩa vụ với các bên liên quan như nhà đầu tư, nhà tài trợ, khách hàng, nhân viên và cả nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nó còn gián tiếp đào tạo những nhà quản lý chuyên nghiệp, cần mẫn và trung thực, qua đó họ có thể vươn lên để giữ cho giá trị cổ phần không ngừng được gia tăng”, Chủ tịch REE nhấn mạnh.

Theo bà Mai Thanh, thị trường chứng khoán là một mô hình mà Việt Nam đã chọn lựa sớm, góp phần tạo nên một kênh huy động vốn hiệu quả bên cạnh các kênh truyền thống như ngân hàng.

“Bên cạnh vốn vay ngân hàng thì kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hai kênh vô cùng quan trọng và hữu ích cho doanh nghiệp phục vụ cho phát triển công ty trong trung và dài hạn. Đây cũng là lý do chính REE xung phong niêm yết đầu tiên. Thông qua thị trường này, REE đã 8 lần phát hành cổ phiếu và huy động được 2.800 tỷ đồng để đầu tư mở rộng và tiếp tục phát triển”, Chủ tịch REE cho hay.

Theo lãnh đạo REE, công ty luôn đặt đúng tầm trách nhiệm cho các vấn đề nhà đầu tư quan tâm đã được cam kết tại công bố thông tin, hồ sơ phát hành.

“Chúng tôi hiểu rằng phát hành trái phiếu, cổ phiếu đều đòi hỏi tính minh bạch và các doanh nghiệp phải tự đặt mình trong khuôn khổ pháp lý và trách nhiệm rất cao. Hơn ai hết, HĐQT công ty phải chịu trách nhiệm về công bố thông tin báo cáo định kỳ và giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn huy động được đặt đúng chỗ và phát huy hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE chia sẻ.

Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp và nhà đầu tư bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. Ảnh Lâm Nhi

Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp và nhà đầu tư bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. Ảnh Lâm Nhi

Để thị trường chứng khoán lớn mạnh hơn: Hàng phải tốt, không có hàng giả

Chủ tịch HĐQT REE cho biết, các doanh nghiệp muốn phát triển liên tục thì rất cần nguồn vốn bổ sung liên tục, trong đó nguồn phát hành cổ phiếu và trái phiếu là rất dồi dào, cần được tiếp tục củng cố và phát huy. Các công ty niêm yết là "hàng hóa" trên TTCK, hàng hóa phải tốt và không có hàng giả. Nhà đầu tư luôn mong mỏi các công ty niêm yết có mức tăng trưởng tốt và họ sẵn sàng bỏ vốn thêm cho mục tiêu này. Vấn đề mấu chốt quan trọng hiện nay của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng bên cạnh vấn đề tài chính, công nghệ, hay năng lực quản lý là khuôn khổ pháp luật và chính sách cần được ổn định lâu dài.

"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục kiến tạo một môi trường luật pháp trong kinh doanh cởi mở, minh bạch hơn nữa, có thể tiến đến dịch vụ một cửa, giảm bớt cơ chế xin cho, chuyển dần sang cơ chế đăng ký và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật, không cấm là có thể tự động được làm. Chúng tôi thấy những chuyến công du của Thủ tướng tập trung mời gọi thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Thủ tướng đã đề cập đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Chúng tôi tin tưởng Chính phủ đang thúc đẩy Việt kiều tiếp tục là động lực chính cho phát triển kinh tế của Việt Nam. Những trở ngại hiện nay là thủ tục hành chính còn chậm chạp và hiệu quả còn thấp”, bà Nguyễn Thị Mai Thanh nói.

Về chỉ số VN30 hiện tại, chứng khoán trong rổ VN30 và VN100 bao gồm cổ phiếu của 30 doanh nghiệp có vốn hóa và tính thanh khoản lớn nhất trên thị trường, nếu chỉ xét về tiêu chí này thì phần lớn cổ phiếu từ các ngành hàng chưa hoàn toàn đại diện cho nền kinh tế. Nên chăng cần có các tiêu chí khác để doanh nghiệp từ các ngành nghề khác nhau được đặt trong rổ này sẽ đại diện cho nền kinh tế.

Về lãi suất ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, làm sao đưa lãi suất về một mặt bằng hợp lý để doanh nghiệp có thể sử dụng một phần của vốn ngân hàng bên cạnh vốn trái phiếu và cổ phiếu để có thể tiếp tục phát triển, đóng góp vào nền kinh tế.

Về vấn đề khai thuế và nộp thuế, Chủ tịch REE kiến nghị cũng cần công bằng hơn, có nghĩa là ai kinh doanh đều phải tự giác khai nộp thuế. Các doanh nghiệp riêng trên thị trường niêm yết có báo cáo rất đầy đủ, cơ quan thuế thường xuyên rà soát và kiểm tra thuế của những doanh nghiệp này; tuy nhiên những ngành nghề khác thì ngành thuế chưa làm được. Do đó, Nhà nước còn bị thất thu thuế, nguồn thu không đầy đủ.

Tin bài liên quan