Cần luật hoá tài chính đất đai và vấn đề liên quan đến giá đất để người dân, doanh nghiệp còn biết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) chiều 11/5.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Dự thảo sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022) và ý kiến nhân dân đầu năm 2023 đã có bước tiến rất quan trọng về chất lượng. Nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết hơn, sát thực tế hơn và có tính khả thi cao hơn, từng bước tháo gỡ được những vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, phúc đáp được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế rất công phu, rất chất lượng, ông Huệ khẳng định.
“Những nội dung mới, rất đáng chú ý nhưng chưa thể tiếp thu ngay được, hoặc có những vấn đề trái với những quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước thì không thể tiếp thu được hay chưa thể tiếp thu được thì cũng báo cáo lại cho tường minh chuyện này”, ông Huệ lưu ý.
Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại phiên thảo luận, bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề cập một số nội dung chưa có trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, nhưng nhiều ý kiến nhân dân cũng như các cơ quan, tổ chức đã góp ý. Như việc bổ sung quy định về quyền sử dụng đất cho đối tượng người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, hay bổ sung quy định về quyền thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tổ chức tài chính nước ngoài.
Hiện nay, hai nội dung Chính phủ đang đánh giá tác động kỹ lưỡng và trường hợp nếu cần thiết bổ sung vào Luật Đất đai thì sẽ phải báo cáo Đảng đoàn Quốc hội để Đảng đoàn Quốc hội báo cáo cơ quan có thẩm quyền, bà Oanh cho biết.
Góp ý vào nội dung Dự thảo, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ có rất nhiều điều giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết hoặc là thực hiện theo quy định của Chính phủ, trong đó có nội dung rất quan trọng là tài chính đất đai, phương pháp, cách thức, trình tự, thủ tục tính giá đất.
“Đây là những vấn đề đại sự, rất lớn, người dân đang rất quan tâm, cần phải luật hóa vấn đề tài chính đất đai và vấn đề liên quan đến giá đất để người dân, doanh nghiệp còn biết. Mình chỉ quy định một câu là việc này theo nguyên tắc thế này, rồi sau đó Chính phủ quy định, lúc đó thẩm quyền hoàn toàn là của Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Ông Huệ bày tỏ sự đồng tình với Ủy ban Kinh tế là những vấn đề lớn nên quy định trong luật, còn lại mới giao Chính phủ hướng dẫn thì sẽ phù hợp hơn.
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, mặc dù Dự thảo đã quy định nguyên tắc các phương pháp định giá đất và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong định giá đất, đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể trong Dự thảo về nội dung các phương pháp định giá đất và trường hợp, nguyên tắc áp dụng phương pháp cụ thể để có căn cứ giao Chính phủ quy định chi tiết.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung làm rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất mà Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra.
Báo cáo giải trình, ông Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu, đưa nội hàm phương pháp định giá đất vào Dự thảo.
Theo ông Hà, phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường thì phải gắn với cơ sở dữ liệu đất đai. Nếu không gắn với cơ sở dữ liệu thì không có bản đồ, không đưa ra được các phương pháp thì rất khó định giá.
“Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến và sẽ đưa nguyên tắc, phương pháp định giá gắn vào trong vấn đề dữ liệu đất đai”, Phó thủ tướng nói, đồng thời giải thích, chính vì vậy, lộ trình áp dụng bảng giá đất mới Ban soạn thảo đề xuất là cuối năm 2025. Bởi vì nếu không có cơ sở dữ liệu thì không có cách nào định giá theo nguyên tắc thị trường được mà vẫn phải áp dụng 4, 5 phương pháp, suy đoán, so sánh…