Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 .
Sáng 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 5 của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, phiên thứ hai của năm 2024, là phiên họp rất quan trọng để thảo luận công tác lập pháp của Quốc hội.
Công tác lập pháp của Quốc hội ngày càng lớn, số lượng các dự án luật ngày càng tăng, những vấn đề quan trọng của đất nước cần Quốc hội quyết định ngày càng nhiều, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông Mẫn cũng cho hay, trong 137 nhiệm vụ xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ này đến nay đã hoàn thành trên 83%, còn 3 kỳ họp nữa sẽ hoàn thành tất cả các nhiệm vụ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 10/11 dự án luật đã được thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7. Gồm: Luật Địa chất và khoáng sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, 10 dự án luật thuộc nhiều lĩnh vực được dư luận xã hội rất quan tâm. Luật Công đoàn (sửa đổi) liên quan đến quyền lợi của người lao động. Luật Thuế Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) có tác động lớn với người dân và doanh nghiệp. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Được người dân quan tâm nhiều là Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Cho biết tại Kỳ họp thứ 7 đã có hơn 200 lượt đại biểu phát biểu tại hội trường, hơn 900 lượt ý kiến tại tổ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến đó. Dù là 1 ý kiến nhỏ cũng phải có tiếp thu, giải trình cặn kẽ để đại biểu thấy việc tiếp thu chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu trong xây dựng pháp luật, ông Mẫn yêu cầu.
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội, việc tiếp thu chỉnh lý các dự thảo luật cần bám sát nguyên tắc đã được thống nhất từ khâu xây dựng, đúng như chương trình đã được Quốc hội thông qua. Ngoài ra, cần tận dụng kết quả từ khảo sát, tọa đàm, hội thảo của các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý các quy định đảm bảo khả thi.
Ông Mẫn cũng cho biết có thể đầu năm sau Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức diễn đàn pháp luật để bàn sâu hơn, kỹ hơn làm sao nâng cao chất lượng, để công tác lập pháp đi vào chiều sâu.