Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận.
Dù có làm kiểm toán riêng hay kiểm toán chung thì tất cả các cuộc kiểm toán phải hướng tới đánh giá thị trường đất đai, tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản... dự lường các vấn đề rủi ro kinh tế vĩ mô, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Sáng 12/9, mở đầu phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước.
Lưu ý hoạt động kiểm toán phải làm sao để siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách, tiền tệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích, mỗi năm công bố kết quả kiểm toán, thanh tra phát hiện nhiều sai phạm, một mặt thì thấy các cơ quan làm đến nơi đến chốn. Nhưng mặt thứ hai lại lo, vì làm sao các công cụ hoạt động thường xuyên, liên tục như thế nhưng vi phạm không giảm mà có vẻ lại tăng lên.
Qua kiểm toán hàng năm rất nhiều vấn đề liên quan dự toán quyết toán ngân sách nói hết năm nọ sang năm kia, kỳ họp này đến kỳ họp khác vẫn tiếp diễn, phải trả lời được việc này, ông Huệ nói.
Dẫn báo cáo kiểm toán cho thấy từ đầu năm tới nay đã kiến nghị xử lý hơn 10.000 tỷ đồng sai phạm phải xử lý, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, sai phạm cụ thể là gì, ở đâu, tại sao lại thế.
“Kiểm toán nhà nước là bác sĩ của nền kinh tế, càng ít sai phạm phải kiến nghị xử lý càng tốt. Nếu cần thiết phải làm cho rõ ra. Trong 10.000 tỷ là cái gì là sai phạm, là thất thoát, cái gì là điều chỉnh số liệu thôi, không nghe con số cử tri người ta thấy suy nghĩ”, ông Huệ phát biểu.
Về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm sau, Chủ tịch Quốc hội đồng ý với phương châm “thà ít mà tốt” của Kiểm toán nhà nước.
“Đừng rải mành mành ra, làm gì cũng cần có trọng tâm trọng điểm, có tác động lan tỏa, làm gì cũng phải hiệu lực, hiệu quả. Các đồng chí làm theo hướng này tôi đánh giá rất cao và tiếp tục theo hướng này”, ông Huệ nói.
Vấn đề tiếp nữa, theo Chủ tịch Quốc hội là cần là tiếp tục đề cao công khai, minh bạch, khách quan trung thực, bởi công khai, minh bạch là vũ khí quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán.
Lưu ý riêng báo cáo kiểm toán hàng năm phải công khai, đồng thời cần lựa chọn các kiểm toán chuyên đề để công khai, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công khai là sức mạnh của kiểm toán, mặt khác là để dư luận giám sát.
“Người ta giám sát kiểm toán anh làm có đúng không, có đàng hoàng không, như vậy rất tốt. Có vẻ các đồng chí ngày càng giảm nhiệt đi”, ông Huệ nhận xét.
Nhớ lại thời còn làm Tổng Kiểm toán nhà nước, ông Huệ nói: “Bao giờ cho đến ngày xưa, thời anh em chúng tôi là các cơ quan báo chí thường xuyên có mặt ở cơ quan Kiểm toán nhà nước. Mỗi lần họp báo là chuẩn bị toát mồ hôi, như thế kiểm toán viên người ta mới chịu khó làm cho đúng. Chứ không phải anh muốn nói gì thì nói. Nhiều cán bộ không sợ bị kỷ luật đâu mà sợ bị dự luận”.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, kế hoạch kiểm toán phải bám sát các vấn đề đã được Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ năm vừa qua.
“Dù thực hiện kiểm toán riêng hay kiểm toán chung thì tất cả các cuộc kiểm toán phải hướng tới đánh giá thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, đất đai, bất động sản, dự lường các vấn đề rủi ro kinh tế vĩ mô”, ông Huệ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, qua kiểm toán phải trả lời được vì sao tín dụng ngân hàng tăng chậm. Hiện nay hệ thống tài chính ngân hàng khó khăn, nợ xấu tăng, tình trạng chậm trả nợ vay trái phiếu đáo hạn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản tăng, ông Huệ lưu ý.
“Rồi khó khăn trong mua sắm vật tư trang thiết bị y tế vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Hay vừa rồi Quốc hội kiến nghị thanh tra toàn diện về thị trường bảo hiểm. Các đồng chí phải có chuyên đề riêng cái này hoặc thông qua kiểm toán các tổ chức tín dụng, bảo hiểm trả lời câu hỏi này. Xem có sự bắt tay giữa ngân hàng bảo hiểm hay không. Những vấn đề đó là thời sự và các đồng chí phải trả lời”, ông Huệ nhấn mạnh.
Vẫn nằm trong các vấn đề thời sự được Chủ tịch Quốc hội lưu ý là tình hình khó khăn của doanh nghiệp.
“Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam có khảo sát, Chính phủ có khảo sát, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn lắm. Qua một cuộc kiểm toán chuyên đề riêng hoặc qua các cuộc kiểm toán cần trả lời về tình hình khó khăn của doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Đề nghị kế hoạch kiểm toán năm tới nên tập trung vào vấn đề thiết thực, sát thực tiễn hơn, ông Huệ tiếp tục gợi ý, cần đi vào những câu hỏi hiện nay đang rất thời sự như năng lực về điện, giá điện thế nào.
Giải trình sau đó, Phó tổng kiểm toán Doãn Anh Thơ cho hay Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp thu để thể hiện hết, đáp ứng yêu cầu nghị quyết Quốc hội tại kỳ họp vừa qua.
Về xử lý, kiến nghị tài chính giảm so với 2022, Phó tổng kiểm toán cũng cho biết, do kế hoạch 2023 tập trung vào một số chuyên đề giám sát, như miễn giảm giãn hoàn thuế, Kiểm toán nhà nước đối chiếu, xác định nghĩa vụ ngân sách của doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nên số kiến nghị tăng thu cao. Năm nay, thực hiện chủ trương của Quốc hội là hỗ trợ miễn giảm cho doanh nghiệp khó khăn, nên việc đối chiếu thuế không thực hiện trực tiếp tại doanh nghiệp, chỉ thực hiện tại cơ quan thuế, do đó kiến nghị tài chính giảm.
Về kế hoạch kiểm toán 2024, ông Thơ nói sẽ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát nội dung để đưa ra kế hoạch, phương án tổ chức kiểm toán tốt nhất. Cơ quan kiểm toán Nhà nước sẽ phối hợp với thanh tra ngành, địa phương để tránh chồng chéo và xác định danh mục các cuộc kiểm toán. Theo đó, kế hoạch kiểm toán sẽ lồng ghép tối đa các cuộc kiểm toán, giảm tần suất xuất hiện tại các địa phương, tối đa 2 lần.