Chủ tịch Quốc hội gợi ý Thanh Hóa tiên phong thí điểm chính sách thuế nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
Thanh Hóa có thể đi đầu thí điểm đề án về thuế nhà ở, sau này có thể áp dụng cho Hà Nội, TP.HCM.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Thanh Hoá có thể đi đầu thí điểm đề án về thuế nhà ở, sau này có thể áp dụng cho Hà Nội, TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù cho Thanh Hoá, sáng 16/9.

Thế mạnh riêng, chính sách chưa riêng

Thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, mặc dù có những đặc điểm, thế mạnh đặc thù so với các địa phương khác, song các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách được đề xuất áp dụng cho Thanh Hóa về cơ bản tương đồng so với các chính sách đặc thù đang áp dụng cho một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải phòng…

Dự thảo chưa có cơ chế, chính sách mới tương thích với đặc thù của một tỉnh hội tụ 3 vùng địa lý, chưa thể hiện được vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của Miền Trung như tờ trình đã nêu, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Thường trực Ủy ban thẩm tra đề nghị, về lâu dài, cần nghiên cứu toàn diện để có những đề xuất mang tính sáng tạo, tránh dập khuôn. Cần chú trọng khai thác những tiềm năng, thế mạnh đặc thù về kinh tế, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, văn hóa… để tạo tiền đề cho Thanh Hóa giữ được vị trí là tỉnh có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất cả nước và tiếp tục phát triển năng động, bền vững trong những năm tiếp theo.

Về những cơ chế cụ thể, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc quy định Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên.

Trên thực tế, việc không bảo vệ được rừng đã gây hậu quả nghiêm trọng, phải trả giá bằng tài sản, tính mạng con người, tác động tiêu cực đến môi trường, phát triển bền vững. Vì vậy, để quản lý chặt chẽ đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng; bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, các ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành (phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng - PV) cơ quan thẩm nêu quan điểm.

Một số ý kiến tán thành việc giao HĐND tỉnh Thanh Hóa được quyết định chuyển đổi đối với diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng nhưng chỉ trong phạm vi diện tích hiện đang thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giao HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha đến dưới 50 ha. Còn từ 50 ha trở lên thì phải thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội theo quy định hiện hành.

Thảo luận về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng phải khống chế mức tối đa, chuyển mục đích từ 50 ha dứt khoát phải ra Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đình Huệ gợi ý sẽ trình Quốc hội uỷ quyền cho Thường vụ Quốc hội quyết định khi chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ từ 50 ha trở lên.

Thường vụ Quốc hội lúc nào cũng họp được, trình Quốc hội giao cho Thường vụ Quốc hội là thấu tình đạt lý, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Cần mở rộng cơ chế

Các ý kiến tham gia thảo luận tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cần ban hành cơ chế đặc thù, tạo động lực cho Thanh Hoá phát triển mạnh mẽ hơn.

Sự phát triển của Thanh Hoá hiện tại chưa tương xứng với tiềm năng, ban hành nghị quyết là rất cần thiết, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ quan điểm.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc trình Quốc hội ban bành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa là hoàn toàn có đủ cơ sở chính trị và pháp lý.

Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo có thể rộng hơn, điều chỉnh cả về tổ chức bộ máy. Có lúc Thanh Hoá đã xin đến 8 cấp phó cho Sở Nông nghiệp, tại sao lần này không đề cập tăng cấp phó sở ngành so với quy định, ông Huệ nêu vấn đề.

Về tài chính, Chủ tịch Quốc hội gợi ý Thanh Hoá nghiên cứu thêm thuế nhà ở, vì thuế này gắn với chính quyền địa phương chứ áp dụng cho cả nước thì không hiệu quả.

Thanh Hoá có thể đi đầu thí điểm đề án về thuế nhà ở, sau này có thể áp dụng cho Hà Nội, TP.HCM, Chủ tịch Vương Đình Huệ đề nghị.

Gói lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, dự thảo đã đủ điều kiện trình Quốc hội. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần mở rộng phạm vi của nghị quyết, nghiên cứu thêm về chính sách đặc thù trong đầu tư, phân cấp, về bộ máy biên chế.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất nghị quyết có hiệu lực từ năm 2022 và thực hiện trong 5 năm.

Sau khi tiếp tục hoàn thiện, dự thảo nghị quyết sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021).

Tin bài liên quan