Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong cuộc làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chiều 7/10/2021.
Khó khăn, nhưng doanh nghiệp, nền kinh tế vẫn đang kiên cường chống chịu. Chủ tịch Vương Đình Huệ đã nói như vậy trong cuộc làm việc với đại diện cộng đồng doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
“Chúng ta chia sẻ với những khó khăn, mất mát của người dân, doanh nghiệp. Nhưng đây là lúc thử thách bản lĩnh doanh nhân. Chúng tôi mong muốn, điều mà chính các doanh nhân đã nằm lòng, đó là thắng không kiêu, bại không nản, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Chúng ta có niềm tin là khó khăn dù lớn đến đâu cũng là những khó khăn trước mắt, tạm thời”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nói với hơn 400 doanh nghiệp, doanh nhân tham gia cuộc làm việc ở các điểm cầu trên toàn quốc.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội tin rằng, qua khó khăn, doanh nghiệp sẽ có sự đánh giá, nhìn nhận lại năng lực quản trị, để xem mạnh yếu thế nào, để có bước đi trong thời gian tới.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội cũng “đặt hàng” VCCI và cộng đồng doanh nghiệp hiến kế cho Quốc hội về chiến lược tổng thể phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Thông tin với các doanh nghiệp, doanh nhân, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII vừa bế mạc, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất sẽ xem xét điều chỉnh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý và thời điểm phù hợp, phối hợp chặt chẽ hai chính sách này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, kích thích kinh tế phục hồi, phát triển. Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ làm việc cụ thể về vấn đề này.
"Ngay trong tuần tới, Quốc hội sẽ làm việc với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Pháp luật và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để rà soát, xem xét cụ thể việc sử dụng các công cụ chính sách này”, Chủ tịch Vương Đình Huệ cho biết.
Cùng với đó, ông cũng đề nghị VCCI nghiên cứu về xu hướng kinh doanh thời hậu Covid – 19 như thế nào, tận dụng cơ hội từ Covid – 19 ra sao, cách thức để vượt qua những rủi ro pháp lý hậu đại dịch, những ngành, lĩnh vực nào có thể bứt phá được sau đại dịch… để đóng góp ý kiến cho Quốc hội trong quá trình xem xét, quyết định về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2026 tại Kỳ họp thứ Hai tớivà chuẩn bị cho việc tổ chức Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên đầu tiên vào đầu năm 2022 để bàn về thích ứng với đại dịch và phục hồi kinh tế thời kỳ hậu đại dịch.
“Tôi đồng ý với kiến nghị rất quan trọng của VCCI về tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp trong thích ứng an toàn với đại dịch và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chính quyền cần tập trung đặt ra một số nguyên tắc để doanh nghiệp thực hiện và tiến hành hậu kiểm, bởi hơn ai hết các chủ doanh nghiệp là người lo nhất, chịu trách nhiệm trước hết cho doanh nghiệp mình. Nhưng doanh nghiệp cũng cần đề xuất cụ thể, nếu mô hình 3 tại chỗ không phù hợp thì mô hình phù hợp là thế nào...”, Chủ tịch Vương Đình Huệ “đặt hàng” các doanh nghiệp.
Hơn 400 doanh nhân, đại diện cho khoảng 800.000 doanh nghiệp đã tham gia cuộc làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Về các đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến việc hoàn thiện thể chế cho các mô hình kinh tế mới, hệ sinh thái cho chuyển đổi số, kinh tế số, chính quyền số, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn…, hay những đề xuất rất cụ thể liên quan đến Luật Dược, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Kinh doanh bảo hiểm… , Chủ tịch Quốc hội cho biết các nội dung trên đều đã có trong danh mục nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và có lộ trình thực hiện kèm theo.
Nhưng Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị VCCI cải tiến, đổi mới công tác lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
“Nếu chỉ đăng tải lên để tự doanh nghiệp vào đóng góp ý kiến là rất khó, phải ngồi lại với nhau, bàn cho ra nhẽ thì mới hiệu quả được”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn chia sẻ quan điểm.
Ông cũng nhấn mạnh, Các cơ quan của Quốc hội cũng cần tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về các nội dung giải trình, tiếp thu cho thật thấu đáo. Quốc hội cũng sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật và công tác tổ chức thực thi luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch.
“Quốc hội có thể họp bổ sung để giải quyết các vấn đề cấp bách, không có việc gì đến Quốc hội mà bị chậm. Quốc hội sẽ đồng hành ở mức cao nhất với Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi và phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Trao đổi cụ thể với đề xuất của các doanh nhân về việc nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó Covid-19, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “điều quan trọng để bảo đảm an toàn nợ công là tỷ lệ chi trả nợ, tức là tổng chi trả nợ hàng năm không được vượt quá 25% tổng số thu ngân sách nhà nước. Trần nợ công chỉ là một phần thôi. Làm được 100 đồng mà chi trả nợ 25 đồng là gay go rồi. Chúng ta đừng so sánh trần nợ công với các nước vì tỷ lệ chi trả nợ của họ vẫn bảo đảm an toàn. Do đó, phải tính toán cả về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Thống nhất phải có gói chính sách này trên tinh thần chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đóng góp nhiều hơn cho việc tái thiết, phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân”, Chủ tịch Quốc hội nói.