Thưa ông, sau mỗi lần bán vốn, PVI thường thu về thặng dư không nhỏ. Lần này thì sao, mức giá bán như thế nào?
Xin nói ngay là mức giá bán cổ phần không có gì hấp dẫn; chỉ là đợt chuyển nhượng phần vốn mang tính chiến lược giữa 2 bên theo chủ trương tái cấu trúc, hướng PVI Sun Life hoạt động hiệu quả hơn, phù hợp với đường lối đã định của Chính Phủ và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN - cổ đông lớn nhất tại PVI).
Ông Nguyễn Anh Tuấn
Đây không phải cuộc bán vốn để thu thặng dư, càng không phải là đợt thu xếp bán vốn ra bên ngoài mà là chuyển nhượng bớt cho chính đối tác chiến lược hiện hữu là Sun Life Financial. Cũng bởi thế, giá bán không phải điều mà chúng tôi quan tâm lúc này.
Hiện giao dịch đang còn chờ phê chuẩn về mặt pháp lý tại Việt Nam và Canada.
Công ty có gặp khó khăn nào trong việc thuyết phục Sun Life Financial mua thêm 26% CP vừa rồi hay không?
Hai bên đã đi đến thỏa thuận một cách vui vẻ. Như đã nói ở trên, đợt chuyển nhượng này được thực hiện theo kế hoạch từ trước, là kết quả của sự thống nhất về mặt chiến lược.
Các khách hàng lớn là người mua bảo hiểm PVI Sun Life hay đối tác có băn khoăn trước quyết định này của PVI hay không, vì thực tế từng có khách hàng lo ngại về hoạt động của DN này khi theo chủ trương của nhà nước, các tập đoàn, DNNN phải thoái vốn tại lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm?
Các khách hàng của PVI Sun Life, kể cả khách hàng lớn là PVN, đều không bày tỏ băn khoăn gì.
Trên thực tế, dù chỉ còn nắm 25% tại đây nhưng PVI Sun Life vẫn là công ty con thuộc hệ thống PVI. PVI Sun Life tiếp tục hưởng lợi từ cả hai bên đối tác bằng việc kết hợp kinh nghiệm và chuyên môn quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm hưu trí của Sun Life Financial, cùng thương hiệu, danh tiếng, cơ sở khách hàng và hệ thống phân phối của PVI.
Việc tăng sở hữu tại PVI Sun Life sẽ giúp Sun Life Financial chia sẻ nhiều hơn năng lực kinh doanh và kinh nghiệm tại thị trường châu Á.
Với 25% vốn hiện nắm giữ, PVI sẽ còn bao nhiêu “ghế” trong ban lãnh đạo PVI Sun Life thưa ông?
Tỷ lệ giữ vốn tại DN sẽ tương ứng với vị trí quản trị và điều hành tương đương Với 25% tỷ lệ vốn nắm giữ, chúng tôi đang trao đổi số lượng “ghế” nhất định thuộc về mỗi bên.
Có ý kiến cho rằng, việc PVI bán bớt 26% vốn nắm giữ tại PVI Sun Life cho đối tác Sun Life Financial chỉ là bước đi đầu tiên trong kế hoạch thoái sạch vốn của PVI khỏi lĩnh vực bảo hiểm?
Không có chuyện này, theo phê chuẩn của PVN, PVI được phép nắm vốn đến một tỷ lệ nhất nhất định tại 3 DNBH “con”, là PVI Sun Life, Bảo hiểm PVI và PVI Re. Trong đó, tại PVI Sun Life, PVI được phép nắm giữ đến 35%.
Bước tiếp theo, PVI sẽ thoái bao nhiêu vốn tại Bảo hiểm PVI, nơi mà PVI đang nắm 100% vốn?
Tỷ lệ thoái vốn cụ thể đang được chúng tôi tính toán dựa trên số vốn được phép nắm giữ đã được phê chuẩn bởi PVN trước đó.
So với năm 2013, năm đầu tiên kết quả kinh doanh vượt mốc 1.000 tỷ đồng, kết quả kinh doanh năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 của PVI Sun Life dường như đang xuống dốc. Ông lý giải ra sao về kết quả này? Kết quả 2 năm qua có đáp ứng kỳ vọng của công ty?
Với một DN mới, khoản doanh thu 1.000 tỷ đồng ngay trong năm đầu tiên chưa nói lên điều gì lớn. Còn 2 năm sau đó (2014, 2015), kết quả kinh doanh của PVI Sun Life đã phản ánh đúng diễn biến của một DNBH mới, phù hợp với kế hoạch đề ra, không để tình trạng tăng trưởng nóng như thời điểm năm 2013.
Kể từ khi đi vào hoạt động kinh doanh năm 2013, PVI Sun Life đã vươn lên giữ vị trí thứ 6 trên thị trường bảo hiểm nhân thọ (về doanh thu khai thác mới) và hiện tại vẫn tăng trưởng tốt, đang là công ty dẫn đầu trong mảng bảo hiểm hưu trí tại Việt Nam.
Năm 2015 và năm tới sẽ là một năm thế nào với PVI Sun Life, nếu xét về mặt doanh thu phí bảo hiểm?
Năm 2015, Công ty dự kiến hoàn thành kế hoạch đề ra, tuy chưa có số liệu chính thức nhưng khả năng có thể đạt con số gần 1.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm.
Đối với năm 2016, chúng tôi định lượng một mức tăng trưởng vừa phải, đúng với diễn biến hoạt động của một nhà bảo hiểm mới.