Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng trong chiều nay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiếp tục chương trình kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV, theo nghị trình, chiều nay ngày 1/4, sau khi Quốc hội thảo luận về số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Sau đó, các Đoàn đại biểu quốc hội sẽ thảo luận riêng về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.

Sáng mai, 2/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại các Đoàn đại biểu quốc hội về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch nước sau đó sẽ báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội về việc miễn nhiệm Thủ tướng.

Sau đó, Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín, rồi thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, theo thông tin do Văn phòng Quốc hội cung cấp, ông Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội ở khối Chủ tịch nước tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 hôm 18/3. Trong khi đó, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đưới giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội ở khối Chính phủ.

Theo đánh giá của các đại biểu, Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 được đánh giá là một nhiệm kỳ rất thành công với nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật, được Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội đánh giá cao.

Trong đó, với tầm nhìn một Chính phủ kiến tạo, phát triển phục vụ người dân và doanh nghiệp, dấu ấn rõ nhất là một Chính phủ rất năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động trong công tác điều hành, quản lý của mình; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ.

Bên cạnh đó, trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, Chính phủ nhiệm kỳ này đã rất quan tâm, đặc biệt là hệ thống pháp luật về kinh tế để tạo động lực, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Chính phủ nhiệm kỳ này đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đã có những phiên họp của Chính phủ dành thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.

Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Quốc hội ngày 24/3/2021 thì đến nay chỉ còn nợ đọng 12 văn bản quy định chi tiết. Đây là thành tích đáng ghi nhận của Chính phủ, bởi khắc phục được tình trạng này thì các quy định mới sớm đi vào cuộc sống và tác động tích cực đến đời sống nhân dân.

Theo đó, nhiều “điểm nghẽn” về thể chế đã được phát hiện, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế theo phương châm kiến tạo, phát triển.

Trong giải quyết, quản lý điều hành các lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh tương đối tốt, không nặng về kinh tế mà nhẹ về xã hội. Chính phủ quan tâm đến các vấn đề xã hội giáo dục, văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trong nhiệm kỳ Chính phủ cũng đã giữ vững được an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống một cách nhuần nhuyễn, hài hòa, mềm mỏng song rất hiệu quả.

Một thành công nổi bật nữa là thành công trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, đặc biệt là thực hiện vai trò năm Chủ tịch ASEAN, vai trò Ủy viên viên không thường trực của Liên hợp quốc, Hội nghị APEC...

Khi đất nước đứng trước hiểm họa thiên tai, dịch bệnh, Chính phủ đã xử lý nhanh và kiểm soát được tình hình, có nhiều giải pháp hiệu quả được nhân dân tin tưởng, bạn bè quốc tế ca ngợi.

Tin bài liên quan