Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp tổ chiều 22/7.
Tình hình dịch bệnh trong nước phức tạp, nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân rất lớn, không có gì quý bằng tính mạng, sức khỏe người dân, lần này chúng ta thực sự lo.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ như trên khi Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp 6 tháng cuối năm, chiều 22/7.
Ông tham gia họp tổ 2 cùng đoàn đại biểu TP.HCM, nơi ông ứng cử đại biểu Quốc hội, dù có trong danh sách ở tổ 20.
Nêu một số thành quả lớn trong 5 năm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên một bước; đã giải quyết tốt việc làm, nâng cao thu nhập người dân.
Kết quả đáng ghi nhận nữa, theo Chủ tịch nước là niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước, chế độ được nâng lên, thể hiện qua các sự kiện như Đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân được tổ chức khi dịch diễn biến phức tạp vẫn rất thành công.
Cơ sở vật chất, nhất là các cơ sở nền tảng như kinh tế số, hạ tầng số, hạ tầng giao thông… phát triển mạnh mẽ. Hàng loạt nhà máy chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp được xây dựng giúp khắc phục cơ bản tình trạng “được mùa rớt giá” nông thôn mà người dân và ĐBQH rất kêu ca, góp phần làm cuộc sống người dân tốt hơn, ông Phúc nói.
Kết quả khác cũng được Chủ tịch nước nhấn mạnh, đó là các chỉ tiêu vĩ mô cơ bản ổn định, nợ công giảm đã tạo dư địa quan trọng trong tìm giải pháp đảm bảo cân đối chung.
Km ngạch xuất nhập khẩu hai chiều chưa bao giờ tăng nhanh đến mức độ cao và liên tục như vậy, xuất siêu lớn liên tục 5 năm, đi theo đó là tích lũy, ngoại hối, Chủ tịch nước khái quát.
Ông cũng cho biết thêm là Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV bàn giao cho Chính phủ mới 600.000 tỷ đồng, dự trữ ngoại hối 100 tỷ USD. Nguồn lực này đảm bảo cơ sở cho phát triển bền vững trong lúc đất nước đang biến động và có nhiều khó khăn.
Nhưng, Chủ tịch nước cũng nêu ra nhiều cái lo. Đầu tiên là tình hình dịch bệnh trong nước phức tạp, nặng nề. Đặc biệt, dịch bùng phát ở TP.HCM, thành phố lớn nhất về quy mô nền kinh tế, dân số và việc hàng loạt tỉnh, thành phía Nam phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân.
Không có gì quý bằng tính mạng, sức khỏe người dân, lần này chúng ta “thực sự lo” và phải tập trung giải quyết vấn đề này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Người đứng đầu Nhà nước cho biết, trước đó ông đã viết thư cho lãnh đạo và Bí thư Thành ủy TP.HCM đề cập việc sớm giãn cách xã hội vì khi chưa có vaccine thì giãn cách là giải pháp hiệu quả.
Chính quyền TP.HCM cùng Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, nhất là an sinh xã hội để sớm thoát khỏi dịch bệnh, đó là tinh thần đáng trân trọng, Chủ tịch nước nhìn nhận.
“Các lãnh đạo TP.HCM hôm nay không ra họp để trực tiếp chỉ đạo chống dịch, chúng ta trân trọng quyết tâm này. Các đồng chí ngày đêm lo lắng, chúng tôi cũng lo lắng, lo nhất là tính mạng nhân dân. Làm sao hạn chế tử vong, hạn chế số ca nhiễm, hạn chế các ổ dịch ở Thành phố cũng như các tỉnh, thành khác, đặc biệt nơi có khu công nghiệp, đông công nhân”, Chủ tịch nước phát biểu.
Ông bày tỏ cái lo thứ hai, đó là đợt dịch lần thứ tư đã bào mòn đời sống người dân, khiến một bộ phận người dân lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, nhất là người lao động tự do, công nhân....Đợt dịch này bào mòn đời sống của người dân là có thật, ông nhìn nhận.
Nỗi lo thứ ba được Chủ tịch nước chia sẻ là tình trạng thất nghiệp khi những tập đoàn lớn, doanh nghiệp dừng sản xuất. Chủ tịch nước cũng lo an ninh an toàn quốc gia, an toàn tài chính ngân sách.
"Tinh thần đoàn kết cần tiếp tục được vun đắp trong lúc khó khăn. Vấn đề an dân trị quốc hết sức quan trọng lúc này. Nên cơ quan đảng, mặt trận đoàn thể chính trị cần vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là trẻ tuổi, thanh niên phát huy tinh thần yêu nước trong bối cảnh hiện nay", Chủ tịch nước bày tỏ quan điểm.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh đến chiến lược vaccine. Ông dẫn chứng những nơi đạt bao phủ tiêm chủng 70% dân số đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại do dịch bệnh. Vì thế, Đảng, Nhà nước, cơ quan chức năng cần tập trung tìm mọi nguồn để lo vaccine, đồng thời sớm chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Ông cũng nhấn mạnh, điều đáng mừng là vaccine Nanocovax đang ở giai đoạn cuối của quá trình hoàn thiện và bày tỏ hy vọng sớm được công bố để phục vụ nhân dân.