Ông Lê Quang Doanh

Ông Lê Quang Doanh

Chủ tịch Nhựa Bình Minh và triết lý “biết mình, biết người”

(ĐTCK) "Hãy cố gắng hết mình, dù ở bất cứ thời điểm nào. Nhưng phải biết người, biết mình, doanh nghiệp nhỏ thì đặt chiến lược nhỏ, tiến chậm mà chắc", đó là đúc kết kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp của ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch Nhựa Bình Minh.

Với phong cách dễ gần, chỉ sau một cuộc trò chuyện không dài, ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Bình Minh đã giúp tôi giải đáp câu hỏi làm thế nào mà 2 năm liên tục, Nhựa Bình Minh được đánh giá là công ty có năng suất lao động hiệu quả nhất Việt Nam. Một doanh nghiệp lấy chiến lược phát triển bền vững làm trọng, biết mình, biết người cũng chính là tinh thần mà ông chủ tịch thể hiện.

Đầu năm nay, khi câu chuyện thâu tóm doanh nghiệp Việt ồn ào trên thị trường, Nhựa Bình Minh cũng được nhắc đến nhiều khi một tập đoàn lớn của Thái Lan mua cổ phần của Công ty. Ông nhìn nhận sự chuyển động này ra sao?

Tôi nhìn thấy ý tích cực trong đó. Không một nhà đầu tư nào bỏ một đống tiền lớn vào doanh nghiệp mà lại không mong muốn doanh nghiệp phát triển. Chúng tôi nhìn nhận rằng đó là thiện ý, từ thiện ý mà nhà đầu tư có hành động cụ thể bằng cách mua cổ phần. Nếu có quan điểm gì khác nhau, 2 bên cần bàn bạc cụ thể để có tiếng nói chung. Cổ đông là người bỏ tiền đầu tư vào doanh nghiệp thì dù người ta không có tình, người ta vẫn là ông chủ của doanh nghiệp.

 

Nhựa Bình Minh nắm thị phần chi phối ở phía Nam, song đang đẩy mạnh phát triển ở thị trường miền Bắc, nơi Nhựa Tiền Phong chiếm thị phần chi phối. Có lẽ câu chuyện cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt phải không?

Hai doanh nghiệp chúng tôi có nhiều điểm tương đồng, cùng xuất phát điểm là công ty nhà nước và chắc chắn một điều là Nhựa Bình Minh đầu tư ra Bắc không xuất phát từ ý định cạnh tranh. Ngành nhựa có đặc thù 80% số lượng doanh nghiệp tập trung ở phía Nam, trong khi miền Bắc chỉ có 17%. Như vậy, năng lực sản xuất của doanh nghiệp miền Bắc có thể chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nếu Nhựa Bình Minh không ra Bắc, sẽ có doanh nghiệp khác lập nhà máy hoặc nước ngoài vào đầu tư. Bởi vậy, chúng tôi Bắc tiến vì nhu cầu của thị trường, chứ không phải để cạnh tranh.

Còn hiện nay, nói cạnh tranh cũng đúng, bởi đó là sự vận động tất yếu của thị trường. Tuy cạnh tranh, nhưng chúng tôi có sự hợp tác, chứ không phải là đối thủ.

 

Hai doanh nghiệp nắm thị phần lớn nhất thị trường nhựa đều có một cổ đông lớn là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Vậy hợp tác dường như sẽ thuận lợi, trên thực tế đã có kế hoạch nào hợp tác được triển khai chưa, thưa ông?

Chúng tôi luôn coi Nhựa Tiền Phong là ông anh và thể hiện nguyện vọng anh em hợp tác sẽ tạo sức mạnh khiến ngay cả nhà đầu tư nước ngoài có vào thị trường cũng phải chấp nhận tình thế này. Chúng tôi suy nghĩ có thể hợp tác về sản phẩm, thị phần… Kế hoạch hợp tác cụ thể thì chưa có nhưng thiện ý thì có và ngầm hiểu với nhau rằng, những gì anh này làm, anh kia sẽ tôn trọng và không phá nhau.

 

Nhựa Bình Minh đạt hiệu quả sử dụng vốn rất cao. Vậy các ông có lợi thế người đi sau để rút kinh nghiệm so với ông anh hay có bí quyết gì khác?

Văn hóa của Bình Minh là chắt chiu từng đồng, mọi việc đều được đưa lên bàn cân kiểm soát. Chúng tôi quan niệm, doanh nghiệp cần tăng trưởng bền vững và nhiều lúc cũng phải hy sinh. Tôi ví dụ thế này, tăng trưởng bền vững cũng giống như con người ta chọn khỏe và sống lâu. Để sống lâu, bạn phải thường xuyên chăm sóc sức khỏe, mất tiền kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh kịp thời, rồi phải ăn uống điều độ… Những việc như vậy có thể không giúp bạn mạnh lên ngay lập tức, nhưng sẽ có sức lâu dài. Làm kinh doanh cũng vậy, bỏ tiền làm thương hiệu không phải ngay lập tức sản phẩm bán ra tăng lên, rồi việc bảo vệ môi trường cũng tốn tiền, nhưng về lâu dài sẽ doanh nghiệp sẽ tốt hơn. Chúng tôi bao giờ cũng chủ trương đưa ra chiến lược với tầm nhìn tương đối xa và biết mình, biết người.

 

Niêm yết cổ phiếu vài năm rồi, song chưa thấy Nhựa Bình Minh huy động vốn qua sàn. Khi giá cổ phiếu xuống thấp dưới giá trị thực như hiện tại có phải là áp lực với các ông không?

Gọi vốn trên sàn chỉ là một trong nhiều giải pháp để doanh nghiệp huy động vốn. Tôi quan niệm rằng, kinh doanh giỏi thì cần sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả. Trong đó, không phải cứ có nhiều tiền là sử dụng tiền hiệu quả, mà dùng tiền vào thời gian nào, dùng như thế nào. Với nhựa Bình Minh, thời điểm này, có những dự án, chúng tôi tạm thời làm chậm lại, chọn thời điểm tốt mới triển khai.

 

Có lẽ hiện tại doanh nghiệp nào cũng ám ảnh về sức cầu sụt giảm. Vậy thời điểm này, công suất của Nhựa Bình Minh ra sao?

Hầu hết dây chuyền chủ lực của nhà máy đều chạy hết công suất, còn một số dây chuyền nhằm tạo ra sản phẩm đặc thù thì chạy chưa hết công suất. Đó cũng là điều bình thường. Còn kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay của Công ty ước bằng so với cùng kỳ năm ngoái (lãi 120 tỷ đồng - PV).

Chủ tịch Nhựa Bình Minh và triết lý “biết mình, biết người” ảnh 1

Hầu hết dây chuyền sản xuất của Bình Minh vẫn đang chạy hết công suất

 

Không nhiều công ty thành công như vậy trong thời điểm khó khăn này, do các ông may mắn có ngành hàng thuận lợi hay do cách làm?

Có thể trả lời là nhờ hội tụ nhiều yếu tố, bao gồm cả sự may mắn của thị trường, sản phẩm được chấp nhận, đến việc Công ty đã xây dựng được văn hóa nền tảng. Từ lãnh đạo đến nhân viên đều làm việc hết lòng. Bình Minh hiện là một gia đình thực sự.

 

Vậy Nhựa Bình Minh có áp dụng các chính sách thời chiến để duy trì được kết quả kinh doanh cao như vậy?

Chúng tôi không có chính sách thời chiến nào cả mà tựu trung lại chỉ có thể nói rằng, kết quả trên có được bởi nội bộ Công ty đã xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, làm việc sáng tạo và đồng thuận, còn ở bên ngoài, Công ty đã xây dựng được thương hiệu vững mạnh. Không hẳn có tiền là có văn hóa và cứ bỏ tiền ra nhiều thì làm được thương hiệu tốt. Bỏ tiền làm nhiều cái phản cảm, chắc chắn người tiêu dùng sẽ quay lưng.

 

Bản thân ông là lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp và là đại diện vốn nhà nước. Người ta nói rằng, không phải vốn của mình, lãnh đạo DN dễ trục lợi cho cá nhân. Ông nghĩ sao?

Trong cuộc sống này có danh dự và trách nhiệm, có thể ở đâu đó sự trục lợi là có. Và đôi khi có người sợ trách nhiệm, nhưng tôi lại sợ mất danh dự hơn. Giao nhiệm vụ mà mình thực hiện chưa tốt thì danh dự bị tổn thương, lòng tự trọng tổn thương. Thực tế, tại Nhựa Bình Minh, tôi hiện sở hữu 1% vốn, nhưng không phải bây giờ mà ở thời điểm nào tôi cũng cố gắng hết sức. Còn chuyện tư lợi, tôi nghĩ rằng, những người đó không dễ tồn tại và cơ chế bây giờ càng có điều kiện để đào thải những người như vậy.

 

Nhưng trong thương trường, cá nhân và các mối quan hệ cá nhân dường như rất quan trọng?

Phát triển doanh nghiệp dựa trên mối quan hệ cá nhân như chơi dao 2 lưỡi, bởi thế, chúng tôi luôn quan niệm hãy xây dựng hình ảnh của mình thân thiện với tất cả cộng đồng.

Cá nhân tôi có thú vui duy nhất là lướt web, xem tin tức, có một giờ rảnh mà không được cập nhật thông tin, tôi thấy khó chịu lắm. Thấy tôi không hút thuốc lá, không uống rượu, có người bảo, đã là doanh nhân mà không biết dancing thì không phải là doanh nhân. Vậy thì, tôi xin nhận chỉ là một phần doanh nhân thôi. Tôi hiếm khi nhậu với khách hàng, nhưng Công ty vẫn kinh doanh được, vẫn phát triển. Vậy những thú vui đó có phải là điều doanh nhân buộc phải trang bị không!?

 

Ở những doanh nghiệp tốt, vai trò đầu tàu hẳn nhiên là quan trọng. Vậy ông quan niệm thế nào về việc tìm người kế nhiệm?

Vai trò cá nhân quan trọng, nhưng quá đề cao vai trò cá nhân, không tìm người kế nhiệm vị trí đầu tàu thì đôi khi lại gây tổn hại cho doanh nghiệp. 3 năm trước, tôi đã xây dựng lộ trình tìm người kế nhiệm và ngày 16/11 năm nay, tôi sẽ bàn giao chức Tổng giám đốc như đã công bố. Tại Nhựa Bình Minh, giờ tôi có đi vắng 2 - 3 tháng, Công ty vẫn hoạt động theo guồng quay, quy củ.

 

Nếu nói một câu đúc kết về kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp, ông muốn nói điều gì?

Hãy cố gắng hết mình, dù ở bất cứ thời điểm nào. Nhưng phải biết người, biết mình, doanh nghiệp nhỏ thì đặt chiến lược nhỏ, tiến chậm mà chắc.