HSC cho biết, trên thị trường có tin đồn về khả năng sáp nhập Sacombank với LienVietPostBank và câu chuyện M&A ở cổ phiếu này lại được nhắc đến, động lực duy nhất cho giá cổ phiếu Ngân hàng trong trung ngắn hạn là khả năng M&A. Dù rằng chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy điều này nhưng tin đồn trên có lẽ cũng đã đủ để nhà đầu tư quyết định đặt cược.
Về vấn đề này, trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch LienVietPostBank nói: “Đó là tin đồn! Đồn gì là quyền của họ”.
Ông Hưởng cho biết, nếu LienVietPostBank có chủ trương mua bán sáp nhập các ngân hàng cổ phần để trở thành một số ngân hàng lớn thì Sacombank không phải là đối tượng sáp nhập của LienVietPostBank.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch LienVietPostBank
Lý do được người đứng đầu LienVietPostBank cho biết: “Chúng tôi chỉ đi mua những cái chúng tôi cần; trong khi cái chúng tôi cần thì Sacombank không có và cái Sacombank có thì LienVietPostBank không cần”.
Cụ thể hơn, ông Hưởng cho biết, LienVietPostBank không cần sáp nhập vào ai đó bởi mạng lưới đã đủ; nếu là câu chuyện nhân sự, LienVietPostBank không nhắm vào Sacombank; liên quan đến câu chuyện nguồn vốn lớn hay hiện đại kỹ thuật, dịch vụ LienVietPostBank sẽ hướng vào nhà đầu tư nước ngoài
“Khả năng sáp nhập Sacombank vào LienVietPostBank đôi khi giống như Ngân hàng TMCP Phương Nam sáp nhập vào Sacombank. LienVietPostBank không có nhu cầu sáp nhập với Sacombank”, ông Hưởng nói.
Ông Hưởng còn cho biết thêm, nếu thời gian tới NHNN mở rộng điều kiện và room cho nhà đầu tư nước ngoài thì chắc chắn LienVietPostBank sẽ là đối tượng được săn lùng đắt hàng nhất, bởi hội tụ đủ “hai to một nhỏ”.
Đó là yếu tố mạng lưới lớn mạnh nhất Việt Nam (trên 10.000 điểm giao dịch - tức to), nhưng vốn điều lệ lại rất hấp dẫn với quy mô vừa (6.500 tỷ - tức nhỏ) so với giá trị mạng lưới và quy mô tổng tài sản; tiềm năng khai thác và cơ hội phát triển lớn (To), chưa kể cổ phiếu LienVietPostBank đang hoàn tất thủ tục lên sàn chứng khoán.
Nhìn về xu hướng lâu dài hệ thống ngân hàng ở Việt Nam, Chủ tịch LienVietPostBank cho rằng, các ngân hàng nên M&A trên cơ sở tự nguyện để còn khoảng 10 ngân hàng là tốt nhất bởi thực tế thời gian qua cho thấy, những “cơn bão, động đất” từ các ngân hàng nhỏ là chính. Các ngân hàng Việt Nam muốn lớn lên, chuyên nghiệp hơn thì phải tính đến việc M&A.