Nhìn lại hoạt động năm 2016 của NCB, điều gì khiến bà thấy tự hào?
Kết quả kinh doanh của NCB trong những năm vừa qua là khá tốt, khi lợi nhuận tăng đều trên 30% mỗi năm. Cụ thể, năm 2016, các mục tiêu đặt ra cơ bản đã hoàn thành: tổng tài sản đạt 69,035 tỷ đồng, tăng 43,1% so với năm 2015 và gấp 2,5 lần so với trước khi tái cấu trúc; lợi nhuận thuần từ kinh doanh đạt 210 tỷ đồng, tăng 91% và gấp 5 lần; huy động đạt 42,766 tỷ đồng, tăng 25% và gấp 2,3 lần; cho vay đạt 25,352 tỷ đồng, tăng 24% và tăng gấp 2 lần; nợ xấu dưới 2,07%, giảm 3 lần so với trước khi tái cấu trúc.
Với tôi, sự bản lĩnh và quyết tâm là ngọn nguồn của mọi thành công và khi có niềm tin, chúng ta sẽ làm được những điều mình muốn.
- Bà Trần Hải Anh,Chủ tịch Ngân hàng NCB.
Điều khiến tôi thấy hài lòng trong năm qua đó là việc NCB đã triển khai thành công thay đổi hệ thống công nghệ phần mềm lõi (core banking). Chúng ta đều biết, core banking là điều kiện cần để hiện đại hóa hoạt động ngân hàng, mở ra khả năng xử lý đa dịch vụ với cơ sở dữ liệu tập trung, giúp đơn giản hóa và kiểm soát chặt chẽ các thao tác tác nghiệp.
Đồng thời, cải thiện việc quản trị các thông tin khách hàng và sản phẩm; hỗ trợ thao tác vận hành trở nên dễ dàng, thuận tiện, an toàn và bảo mật hơn. Tất cả mọi dịch vụ, tiện ích đều hướng đến mục tiêu giúp khách hàng trải nghiệm một cách dễ dàng các dịch vụ của NCB.
Với nền tảng như vậy, đối với chiến lược phát triển năm 2017, điểm nhấn của NCB sẽ là gì?
Với mạng lưới hơn 130 trung tâm kinh doanh trên cả nước, NCB hướng tới mục tiêu trở thành một trong các ngân hàng thương mại bán lẻ hiệu quả nhất, “nhà tư vấn tài chính thân thiện” với các sản phẩm, dịch vụ được “may đo”, thiết kế phù hợp với từng khách hàng.
Chúng tôi sẽ mở rộng mạng lưới hoạt động tại các địa bàn kinh tế trọng điểm, phát triển thị trường miền Bắc, củng cố thị trường miền Nam, cũng như các địa bàn có trụ sở của NCB trong giai đoạn 2014 - 2018. Xây dựng các điểm giao dịch trở thành những trung tâm lợi nhuận của hệ thống. Sau năm 2018, NCB sẽ phát triển mạng lưới theo hướng chọn lọc và phát triển tại một số địa bàn kinh tế trọng điểm khác như vùng Tây Bắc bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên…
Nhưng, điều tôi muốn nhấn mạnh là để định vị được vị trí trên bản đồ ngân hàng bán lẻ Việt Nam, NCB sẽ là một ngân hàng khác biệt, phát triển tập trung vào thị trường “ngách” như ngân hàng hướng tới phụ nữ nhiều hơn chẳng hạn (cười), đồng thời đẩy mạnh sản phẩm “lõi” là cho vay mua nhà, xe, hai sản phẩm chiến lược mà NCB đã khẳng định được ưu thế của mình.
Bên cạnh đó, không ít nhà đầu tư nước ngoài đang ngỏ ý mua cổ phần của Ngân hàng và điều này đang được HĐQT cân nhắc. NCB cũng đặt ra kế hoạch tăng vốn điều lệ, đồng nghĩa với việc tăng vốn tự có, nhằm mục đích mở rộng hoạt động kinh doanh…
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhấn mạnh khá nhiều lần về rủi ro đạo đức của nhân viên toàn hệ thống. Nhìn lại NCB thời gian qua, bà có điều gì muốn chia sẻ?
Tôi cho rằng, rủi ro đạo đức có căn nguyên từ buông lỏng chất lượng tuyển dụng, đào tạo và giám sát cán bộ ngân hàng. Bên cạnh đó, những áp lực về lãi suất và điều kiện tiếp cận khoản vay, áp lực vay và trả nợ vay đã tạo ra cơ hội “đục nước béo cò” cho các thỏa thuận ăn chia giữa cán bộ tín dụng của ngân hàng với doanh nghiệp đi vay.
Lợi nhuận của NCB tăng đều trên 30% mỗi năm trong những năm qua
Rủi ro đạo đức có thể xảy ra ở mọi khâu và dù xảy ra ở khâu nào trong hoạt động ngân hàng thì hậu quả là vô cùng to lớn đối với tài sản và danh tiếng của ngân hàng.
Trong khi đó, xu thế hội nhập quốc tế đòi hỏi các ngân hàng thương mại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu quản trị nói chung và quản trị rủi ro nói riêng theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời mở ra các cơ hội để ngành ngân hàng có thể tiếp cận nhanh và gần hơn với các chuẩn mực đó.
Hiện nay, bên cạnh nỗ lực giải quyết các khoản nợ xấu từ hoạt động cho vay trong quá khứ, NCB đã chuẩn bị các bước dài hơi hơn bằng cách xây dựng hệ thống quản lý rủi ro tiên tiến, nhằm phòng ngừa rủi ro trong tương lai, thay vì phải giải quyết “sự đã rồi”. Đồng thời, mỗi cán bộ tại NCB đều thực hiện tuân thủ “Bộ quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp tại Ngân hàng TMCP Quốc dân”.
Được biết, bà vốn không phải là dân tài chính - ngân hàng, bà có thể chia sẻ cơ duyên nào đưa một người “ngoại đạo” đến lĩnh vực “nhọc nhằn” này?
Thực ra, mối cơ duyên này cũng rất tự nhiên. Thời điểm trước khi bước chân vào ngành ngân hàng một cách chính thức, công việc tôi làm tại Cơ quan Phát triển của Pháp có liên quan đến tài chính. Sau đó, năm 2003, tôi chính thức chuyển sang làm việc tại các ngân hàng thương mại.
Giai đoạn bắt đầu đó, tôi thực sự gặp nhiều khó khăn khách quan, do ngân hàng là lĩnh vực rất đặc thù, huyết mạch của nền kinh tế, nên tắc ở đâu là có vấn đề ở đó. Về phía chủ quan, tôi vốn không phải dân tài chính, nhưng chính những đam mê với nghề là động lực thúc đẩy tôi luôn nỗ lực vượt qua những thách thức để hoàn thiện và khẳng định chính mình, bắt kịp với thực tế. Tôi luôn cảm ơn những khó khăn, bởi qua đó, tôi đã buộc mình phải dấn thân để vượt qua, vì “trong thách thức có cơ hội”.
Thực tế NCB là ngân hàng đang tái cơ cấu, có khi nào bà thấy “oải” khi phải ngồi ở vị trí “ghế nóng”?
Trong nền tảng chung của tài chính thế giới luôn biến đổi, khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng, nên cũng chịu những tác động và hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, nên chịu nhiều khó khăn cũng là điều dễ hiểu. Tôi có những giai đoạn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng vẫn “ngồi” được đến tận ngày hôm nay, bởi tôi tin hệ thống ngân hàng nói chung và NCB nói riêng có tương lai tốt hơn.
Những kết quả đạt được thời gian qua, bên cạnh việc NCB có hướng đi rất riêng, đó còn là sự đồng lòng của cán bộ nhân viên sát cánh với ban lãnh đạo. Như đã chia sẻ, mấy năm vừa qua, NCB năm sau tăng trưởng tốt hơn năm trước, đó là dấu hiệu giúp tôi tự tin vào công cuộc tái cấu trúc của mình. Tất nhiên, công cuộc tái cơ cấu của NCB được như hôm nay chủ yếu là nhờ sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ, NHNN đối với những ngân hàng trong diện tái cấu trúc.
Nếu chia sẻ về tính cách nổi trội của mình hỗ trợ cho công việc tại NCB, bà sẽ nói gì?
Thiền định giúp giảm nhịp độ hơi thở và luyện tập việc tập trung vào hơi thở của mình. Điều này có thể xây dựng nên thói quen “dừng lại trước khi phản ứng”. Chẳng hạn, có một người đồng nghiệp đang giận dữ và nói những lời không hay với bạn, đổ lỗi rằng bạn đã phạm những sai lầm.
Nếu bạn không có sự chuẩn bị trước, bản năng của bạn sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái phòng thủ và bạn lập tức đáp trả đồng nghiệp của mình. Nhưng nếu bạn biết “dừng lại”, hít một hơi thở sâu trước khi bắt đầu phản ứng, bạn có thể hướng cuộc đối thoại theo cách giúp cho đồng nghiệp của bạn thư giãn và xua tan đi cơn giận.
Thiền định giúp tôi tăng khả năng tập trung và minh mẫn, đây cũng là những yếu tố rất quan trọng với người làm tài chính. Mọi người thường quan niệm, làm lãnh đạo phải có chất “thép”, sắc sảo, nhạy bén, nhưng là người nhận trách nhiệm “chèo lái” con thuyền NCB, đối với tôi, điều quan trọng là kết nối các đồng nghiệp với nhau và tôi đã luôn thực hiện, duy trì điều này tại NCB. Định hướng nhân viên, nhưng tôi tôn trọng quan điểm cá nhân.
Có bao giờ bà luyến tiếc vì đã lựa chọn con đường “chông gai” này?
Nếu nói đến thời điểm bắt đầu đi làm, công việc này chưa hẳn đã là lựa chọn hàng đầu của tôi. Nhưng dù khó khăn, gian khổ như thế nào đi chăng nữa, đó cũng là những tháng ngày mà tôi không thể quên, nên nếu được làm lại một lần nữa, tôi sẽ vẫn lựa chọn con đường này. Khi đã là cơ duyên thì mình chọn nghề hay nghề chọn mình sẽ không còn là vấn đề.
Với tôi, sự bản lĩnh và quyết tâm là ngọn nguồn của mọi thành công và khi có niềm tin, chúng ta sẽ làm được những điều mình muốn.