Chủ tịch Lê Viết Hải: Hòa Bình (HBC) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với một tập đoàn quốc tế

Chủ tịch Lê Viết Hải: Hòa Bình (HBC) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với một tập đoàn quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC - sàn HOSE) đã ký kết thỏa thuận về nguyên tắc với một tập đoàn đầu tư và phát triển quốc tế nhằm hợp tác chiến lược và hỗ trợ việc mở rộng kinh doanh quốc tế của Hòa Bình.

Nội dung trên đã được Chủ tịch Lê Viết Hải chia sẻ ngay trong phần mở đầu Đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC - sàn HOSE) diễn ra chiều 17/10.

Phạm vi của thỏa thuận bao gồm đầu tư trực tiếp và chỉ định thầu rất nhiều dự án có quy mô lớn đã được lên kế hoạch. Các điều khoản của thỏa thuận theo yêu cầu của nhà đầu tư cần được bảo mật cho đến khi hợp đồng chính thức được ký kết. Việc trao đổi thông tin và đánh giá hiện đang được tiến hành khẩn trương, nỗ lực để việc phát hành được thực hiện trước ngày 31/12/2023.

Tại ngày 31/12/2022, HBC có dư nợ tại 14 ngân hàng, nhưng tới ngày hôm qua (16/10), HBC đã tất toán công nợ tại 7 ngân hàng với số tiền đã trả 1.327 tỷ đồng. Hiện tổng dư nợ tại 7 ngân hàng là 4.756 tỷ đồng, giảm so với đầu năm 6.083 tỷ đồng.

Hòa Bình cũng đã hoàn tất thu về toàn bộ số công nợ và lãi trả chậm, các khoản chi phí phát sinh hơn 304 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Tập đoàn FLC sau gần 3 năm thực hiện thu hồi kể từ phán quyết có hiệu lực của trọng tài vào tháng 11/2020.

Kết quả về các vụ kiện mới đây nhất: Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã buộc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị phải thanh toán cho Hòa Bình số tiền gần 162 tỷ đồng. Đây là số tiền Hòa Bình sẽ nhận được của gói thầu thi công móng, phần thân và hoàn thiện mặt ngoài khu thấp tầng 242 căn của dự án Khu sân golf Đầm Vạc và Khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm – Đầm Vạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đồng thời, Tòa án nhân dân TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Hòa Bình và buộc Công ty TNHH Vì Khoa Học thanh toán cho Hòa Bình số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Tính đến ngày 16/10/2023, đã có 99 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý ký biên bản thỏa thuận hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu đạt giá trị tương đương 405 tỷ đồng với giá phát hành 12.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá trên sàn chỉ trong khoảng 8.000 đồng/cổ phiếu, có thời điểm dưới 8000đ/cổ phiếu.

Về tái cấu trúc thị trường, bên cạnh thị trường trong nước, Hòa Bình sẽ song song phát triển thị trường nước ngoài. Kế hoạch 5 năm là doanh thu thị trường xây lắp đạt 23.500 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD, trong đó doanh thu thị trường nước ngoài là 1 tỷ USD; cơ sở hạ tầng đạt 11.750 tỷ đồng, và doanh thu thị trường trong nước là 11.750 tỷ đồng.

“Tôi tin rằng, thời gian tới khi Hòa Bình khắc phục xong vấn đề dòng tiền sẽ nhanh chóng lấy lại vị thế của mình”, ông Hải khẳng định.

Trình bày về kế hoạch kinh doanh 5 năm 2024 -2028, ông Huỳnh Huy Thế, Giám đốc điều hành khối kinh doanh Công ty cho biết sẽ tập trung vào 3 nội dung chính gồm củng cố vị thế số 1 ở thị trường trong nước, phát triển mạng xây dựng hạ tầng và phát triển thị trường nước ngoài.

Dự kiến doanh thu đến 2028 đạt 2 tỷ USD, gấp 5 lần doanh thu năm 2023.

Kế hoạch doanh thu 2024 là 10.800 tỷ đồng, trong đó, doanh thu mang sang từ năm trước là 5.500 tỷ đồng, doanh thu ghi nhận mới là 3.500 tỷ đồng trong đó giá trị trúng thầu mới 10.000 tỷ đồng, doanh thu công ty con là 600 tỷ đồng và thị trường xây dựng nước ngoài là 1.200 tỷ đồng.

Chia sẻ tại Đại hội, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc kinh doanh thị trường nước ngoài của Hòa Bình cho biết, năm qua Tập đoàn đã mở rộng hoạt động kinh doanh tại Mỹ, châu Phi, Úc… Dự kiến doanh thu ở thị trường nước ngoài chiếm 50% doanh thu của Hòa Bình trong năm 2028, tương đương 1 tỷ USD. Trong đó, thị trường châu Phi sẽ là thị trường tiềm năng do nguồn lực lao động dồi dào, công nghệ thi công ở thị trường này còn thấp.

Tại ĐHCĐ bất thường, Tập đoàn cũng sẽ trình phương án dự kiến phát hành cổ phiếu riêng lẻ tối đa 274 triệu cổ phần, trong đó phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoán đổi nợ 54 triệu cổ phiếu và chào bán riêng lẻ 220 triệu cổ phần. Giá phát hành cổ phần hoán đổi nợ là 12.000 đồng/cổ phần và giá phát hành cổ phần riêng lẻ không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phần. Vốn huy động được dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh và/hoặc thanh toán các khoản nợ của công ty.

Trả lời câu hỏi các cổ đông, ông Lê Viết Hiếu, Phó chủ tịch HBC cho biết, tổng nợ phải thu của HBC là 9.192 tỷ đồng. Trong quý IV/2023, con số trích lập và hoàn nhập không thay đổi. Việc hoàn thành kế hoạch 2023 rất khó khăn do nhiều yếu tố ảnh hưởng doanh thu mảng xây dựng và chủ đầu tư còn khó khăn chưa xử lý được vấn đề pháp lý và bán hàng. Doanh thu dự kiến hơn 8.000 tỷ và lợi nhuận âm so với dự kiến do không thanh lý được tài sản của đối tác.

Bên cạnh đó, ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc Hòa Bình cho biết, dòng tiền thu từ các dự án thi công xong đã tăng lên đáng kể trong các tháng gần đây, đạt từ 100 -150 tỷ đồng. HBC hiện đang có 26 vụ chậm thanh toán, trong đó 12 vụ kiện đưa ra tòa đều đã thắng. Hiện nay, Công ty đang thu hồi nợ chủ đầu tư Cocobay. HBC đang theo dõi rất kỹ dòng tiền từ 22 dự án đang triển khai.

Trong trung hạn, Hòa Bình sẽ bán một số tài sản, và nếu phát hành thành công sẽ cải thiện được dòng tiền. Ngoài ra, Công ty đề xuất nghiên cứu phát hành trái phiếu trung và dài hạn.

“Chúng tôi đang cố gắng đưa tỷ lệ đòn bẩy nợ của Hòa Bình trước mắt về 2 lần, sau đó về 1,5 lần, bằng việc giảm nợ tăng vốn chủ sở hữu và chuyển nhượng một số bất động sản. Trong thực tế tài sản của Hòa Bình khá lớn, nhưng trong báo cáo tài chính thì thể hiện còn thấp”, ông Nam nói và cho biết thêm, năm 2024 đã có một số chủ đầu tư muốn giao tiếp dự án cho Hòa Bình như Geleximco, BIM, Gamudu, Capital Land, CEO và SunGroup...

Tin bài liên quan