Ông Nguyễn Văn Chiểu

Ông Nguyễn Văn Chiểu

Chủ tịch LAF: Chúng tôi chỉ còn cách là khắc phục nhanh thua lỗ

(ĐTCK) Kinh doanh của LAF có thể tốt hơn không, LAF có bị hủy niêm yết không… đang phụ thuộc rất lớn vào diễn biến giá nhân điều xuất khẩu. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ tịch CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF) với ĐTCK.

9 tháng đầu năm 2012, LAF đã bị lỗ lũy kế tới 132,6 tỷ đồng. HOSE đã cảnh báo khả năng hủy niêm yết bắt buộc đối với LAF do mức lỗ đã gần với vốn điều lệ. Liệu trong quý IV này, kinh doanh của LAF có khá hơn để LAF thoát “án” hủy niêm yết?

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng điều Việt Nam mùa vụ 2012 ước chỉ đạt 265.000 tấn, giảm 35.000 tấn so với năm 2011. Nghịch lý là thất mùa nhưng giá nhân điều lại giảm 30% so với cùng kỳ. Vì thế, nhiều DN ngành điều bị lỗ nặng, thậm chí phá sản. Đây là thực tế không ai muốn và mong rằng cổ đông hiểu, thông cảm cho các DN ngành điều, trong đó có LAF.

Đi vào chi tiết, dù chúng tôi đã nỗ lực, nhưng xuất khẩu 9 tháng đầu năm của LAF vẫn giảm 25,8% so với cùng kỳ. Với giá nhân điều xuất khẩu giảm còn gần 3 USD/kg, thực sự LAF đã bị lỗ nặng. Trong quý IV này, chúng tôi đang hy vọng yếu tố lễ hội, chuẩn bị Tết nguyên đán sẽ thúc đẩy nhu cầu nhân điều tăng, kéo theo giá bán tăng. Nếu thực tế đi đúng nhận định này thì tình hình sẽ tốt hơn cho LAF.

 

Theo BCTC thì LAF lỗ ngay từ khâu giá vốn cao hơn doanh thu. Xin hỏi, có cách nào để LAF đưa giá vốn xuống?

Như đã chia sẻ, lý do chính của thua lỗ ở LAF là giá nhân điều giảm mạnh dẫn đến giá vốn cao hơn doanh thu. Nhưng LAF có lẽ sẽ khó giảm giá vốn đáng kể trong thời gian tới vì nguyên liệu đã mua rồi, đang lưu kho. Với các chi phí khác, từ lâu, Công ty đã có chủ trương tiết giảm tối đa. Việc xem xét, tìm giải pháp để giảm giá vốn cũng là công việc thường xuyên của Công ty. Nếu có tìm cách giảm nữa thì chỉ giảm được chút ít.

 

Hàng tồn kho của LAF đã giảm gần 1/2 so với đầu năm và dự phòng tồn kho cũng giảm hơn 60%. Theo kế hoạch, đến bao giờ thì LAF xử lý xong lượng tồn kho này?

Năm 2011, LAF tồn kho 8.000 tấn nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng cuối năm 2011, thị trường sụp đổ, kinh doanh không còn theo kế hoạch. Sang năm 2012, chúng tôi đoán sẽ thất mùa, nhưng do thận trọng nên chỉ mua nguyên liệu cầm chừng, khoảng 50% kế hoạch. Kết quả là nguyên liệu kể cả cũ lẫn mới đủ sản xuất đến cuối năm 2012 mà thôi. Xong tồn kho này, LAF sẽ sang trang mới, không còn bị gánh nặng tồn kho từ năm 2011 nữa.

Thực sự khó khăn mà LAF đang gặp là khó khăn chung của ngành. Qua giai đoạn này, chúng tôi tin LAF sẽ hoạt động bình thường trở lại.

 

Chi phí tài chính của LAF vẫn còn khá cao. LAF có chiến lược gì để giảm gánh nặng từ chi phí tài chính?

Chúng tôi đã làm so sánh với chi phí của những doanh nghiệp cùng ngành, có quy mô tương đương và thấy, chi phí của LAF bình thường, không cao hơn các DN khác. Việc xem xét, cải tiến quản lý, tìm giải pháp giảm chi phí chung, trong đó có chi phí tài chính là việc cần làm lâu nay của chúng tôi.

 

Giả sử cổ phiếu LAF phải hủy niêm yết vì LAF không thể xoay chuyển được tình thế khó khăn, khi đó, LAF có cách nào để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư?

Nếu tình thế diễn biến quá xấu trong thời gian còn lại của năm 2012, giá nhân điều không cải thiện, LAF có thể sẽ lại lỗ và sẽ bị hủy niêm yết như quy định. Nhưng chúng tôi có thể làm gì hơn ngoài nỗ lực để LAF tốt hơn, khắc phục nhanh thua lỗ, tạo lợi nhuận tốt trong thời gian tới. Đó đang là việc tập trung và quan trọng nhất của Công ty.