Chủ tịch KBC Đặng Thành Tâm: Tết cổ truyền dân tộc với tôi thực sự thiêng liêng lắm

0:00 / 0:00
0:00
“Tôi thuộc tuýp người hiện đại, nhưng lại rất yêu những nét đẹp truyền thống”, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) trải lòng nhân dịp năm mới.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc

Những ngày đầu năm 2021 chứng kiến sức hút mạnh mẽ của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài và triển vọng thu hút FDI trong năm nay được kỳ vọng sẽ rất khả quan. Là người trăn trở kết nối các dòng vốn, ông nhìn nhận xu hướng này có gì đáng chú ý?

Việt Nam đang nổi lên là một “điểm sáng” và là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn sau đại dịch. Trong bối cảnh hạn chế đi lại, hoạt động của lĩnh vực công nghiệp năm 2020 chủ yếu tập trung ở các công ty tại Việt Nam mở rộng hoặc di dời địa điểm sản xuất. Trong 11 tháng 2020, nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Singapore, Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc. Nhật Bản, Hàn Quốc đã quyết định đầu tư các dự án mới hoặc mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam với quy mô rất lớn, chủ yếu tập trung vào những nhóm ngành thiết bị điện tử, dệt may và may mặc; sản xuất kim loại; sản xuất các sản phẩm từ nhựa, kim loại, giấy.

Sang đến đầu năm 2021, Luật Đầu tư sửa đổi sẽ có hiệu lực, những quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt mới sẽ được triển khai. Chính phủ sẽ quyết định việc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, nhằm khuyến khích thực hiện một số dự án đầu tư có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Các ưu đãi này có thể vượt khung so quy định hiện hành. Nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2021 nhờ nhiều chính sách quan trọng của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư như cơ sở hạ tầng, đất đai, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo hành lang thông thoáng cho đầu tư. Do đó hứa hẹn triển vọng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới tới đầu tư tại Việt Nam.

Những yếu tố nào cần thiết để các khu công nghiệp có thể đón và chọn lọc được nhà đầu tư theo các định hướng mới trong thu hút FDI của Chính phủ?

Chúng ta đã và đang chuẩn bị những tiền đề và yếu tố cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới. Tôi cho rằng, chúng ta cần chuẩn bị quỹ đất khu công nghiệp lớn và cơ sở hạ tầng đầy đủ, ở nhưng vị trí chiến lược nhằm đáp ứng được nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư về diện tích, địa điểm.

Để đón sóng dịch chuyển dòng vốn FDI, tại nhiều địa phương đã và đang triển khai xây dựng những kế hoạch phát triển hạ tầng và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, đề xuất mở rộng thêm các khu công nghiệp. Các địa phương cần xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội thuận tiện cho hoạt động của doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Có các kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, chủ động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hệ thống hạ tầng giao thông vận tải thuận tiện gồm các đường cao tốc, đường quốc lộ kết nối với đường sắt, đường thủy, sân bay, cảng biển… sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí cho việc vận chuyển và xuất, nhập hàng hóa. Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm phát triển các tiện ích xung quanh các khu công nghiệp như trường học, bệnh viện, các khu dân cư, khu mua sắm,… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn ở,… cho cán bộ, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp.

Với các khu công nghiệp, cần phải đầu tư xây dựng đồng bộ, đầy đủ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng hoạt động cho các doanh nghiệp bao gồm: hệ thống đường trục chính, hệ thống giao thông nội bộ, mạng lưới điện – nước, hệ thống cấp điện dự phòng, hệ thống an ninh, hệ thống xử lý nước thải,…

Cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp gồm: Xúc tiến đầu tư; thu hút đầu tư có chọn lọc; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuẩn bị điều kiện để đón các nhà đầu tư; cuối cùng là liên quan đến ưu đãi hỗ trợ đầu tư.

Theo định hướng thu hút đầu tư mới, các ngành công nghệ cao được ưu tiên đặc biệt. Với các nhà đầu tư này, đâu là yếu tố cần lưu ý để thu hút họ đến với Việt Nam?

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sau COVID-19 đang là xu thế và là cơ hội cho Việt Nam để thu hút các ngành công nghệ cao nhưng để thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng thì chúng ta phải có sự chuẩn bị về các yếu tố đầu vào mà doanh nghiệp quan tâm khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Ví dụ muốn thu hút đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thì phải có sự sẵn sàng về nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ sinh thái để nhân lực chất lượng cao phát huy tác dụng. Hoạt động R&D không đơn giản ở chính sách mà còn là chiến lược dài hạn về sản phẩm, thị trường và cách thức tiếp cận. Điện phải ổn định, cấp nước chất lượng tốt, cảng hàng không, cảng biển cũng như dịch vụ logistic phải tốt...

Ngoài ra, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách ưu đãi, đặc biệt là chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp FDI theo quy định của Luật Công nghệ cao nhằm thu hút đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp FDI.

Thêm vào đó, cần kiện toàn hạ tầng kỹ thuật, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh. Cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ, đưa luật và các văn bản hướng dẫn thực thi vào thực tế hoạt động.

KBC gần đây đón nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư với giá trị vượt trội, điểm gì khác biệt giúp Công ty có diễn biến tích cực này?

Tính đến hết năm 2019, KBC đã tạo lập quỹ đất khu công nghiệp lên đến 5.278 ha và 938,6 ha đất khu đô thị. Dự kiến, KBC sẽ phát triển thêm quỹ đất lớn hàng nghìn ha trong năm 2021. Phát triển và quản lý nhiều dự án KCN trải dài từ Bắc vào Nam, KBC đã thu được nhiều thành công với kết quả thu hút đầu tư đáng kể. Tổng vốn đầu tư FDI thu hút vào các KCN của KBC đạt hàng chục tỷ USD trong đó có nhiều dự án đầu tư quy mô hàng tỷ USD của nhiều tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư lớn như: LG Electronics, LG Display, LG Innotek, Canon, Foxconn, JA Solar, Goertek, Hanwha,… (tính đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao mà chúng tôi đã thu hút là 1,35 tỷ USD).

Để đạt được thành công như vậy ngoài những yếu tố tích cực từ Chính phủ và các địa phương trong việc thực thi các giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư FDI, bản thân doanh nghiệp hạ tầng cần tạo ra những điểm vượt trội, khác biệt và hiệu quả. Chẳng hạn, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất cho các nhà đầu tư; Tích cực kết nối với các nhà đầu tư hiện hữu có nhu cầu mở rộng và các nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam; Thực hiện những chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu một cách rõ ràng và hiệu quả

Tôi cho rằng, yếu tố chất lượng sản phẩm công trình, năng lực tài chính, tầm nhìn thương hiệu dài hạn là ba mục tiêu quan trọng nhất nhằm giữ vững vị thế và nâng cao uy tín của doanh nghiệp.

Với ông và các cộng sự, Tết đến có phải là dịp được nghỉ ngơi hay vẫn cần chuẩn bị các kế hoạch, các điều kiện để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư lớn?

Chúng tôi chưa bao giờ nghỉ ngơi. Tất cả những gì chúng tôi có được và vực dậy được ngày hôm nay là bằng chứng cho nỗ lực ngày đêm không ngừng nghỉ. Bây giờ đang là cơ hội rất rất lớn (đối với Việt Nam cũng như đối với chúng tôi) và chúng ta không thể để mất cơ hội.

Bên cạnh niềm vui đón Xuân mới, đón Tết, chúng tôi vẫn không quên việc hoạch định, chuẩn bị các kế hoạch, tăng cường mở rộng đầu tư và phát triển dự án lớn như tăng quỹ đất ở một số tỉnh như Long An, Hải Dương, Hưng Yên; Hợp tác với các đối tác chiến lược cùng phát triển trong những lĩnh vực tương hỗ trong phát triển khu công nghiệp như logistics, nhà kho, công tác kho vận; Phát triển dự án Đô thị Tràng Cát quy mô 580 hec-ta tại Hải Phòng...

Chúng tôi chưa bao giờ thôi hoài bão về những kế hoạch lớn trong kinh doanh.

Mỗi dịp năm mới đến, ông có cảm nhận như thế nào, Tết nay có điều gì khác so với những Tết đã qua?

Tôi thuộc tuýp người hiện đại, nhưng lại rất yêu những nét đẹp truyền thống. Và Tết cổ truyền dân tộc với tôi thực sự thiêng liêng lắm! Ngày báo chí thì chỉ dành cho nhà báo, ngày doanh nhân chỉ dành cho giới chúng tôi, ngày phụ nữ chỉ dành cho phụ nữ. Nhưng Tết là của tất cả chúng ta, chúng ta có thể gửi lời chúc tới tất cả mọi người và nhận lời chúc từ cả nước và bạn bè quốc tế.

Với tôi là vô vàn sự biết ơn đối với tất cả mọi người, mọi việc tốt đẹp đã đến với mình, những hỗ trợ đồng hành với mình trong thời gian qua, những người đã luôn sát cánh bất kể trong lúc khó khăn hay phát triển.

Tết năm nay, do tình hình dịch bệnh nên có những khó khăn, hạn chế hơn, việc sum họp, đoàn tụ, tập trung trong những ngày xuân cũng không được như mọi năm. Tuy nhiên, tôi cũng như mọi người đều tin tưởng, dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát và chúng ta sẽ cùng chiến thắng.

Đất nước Việt Nam đang ngày một biến chuyển và đổi mới, KBC và các doanh nghiệp trong Tập đoàn chúng tôi cũng đang cần chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa để bắt nhịp với hơi thở mới của đất nước và sự phát triển của nền kinh tế. Năm 2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đều dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trở lại. Đây cũng là năm đầu của nhiệm kỳ sau thành công của Đại hội Đảng nên tôi tin tưởng sẽ có nhiều đột phá mạnh và kinh tế sẽ chuyển mình mạnh mẽ!

Tin bài liên quan