Chủ tịch KBC Đặng Thành Tâm: "Người dân, doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư"

Chủ tịch KBC Đặng Thành Tâm: "Người dân, doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC, chúng ta đang lo lắng thái quá, khiến tăng trưởng nội địa chưa cao, trong khi cơ hội đầu tư đang rất lớn do Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ làn sóng dịch chuyển đầu tư trên toàn cầu.

Thế giới đang chao đảo nhưng Việt Nam hưởng lợi

Tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới - Cơ hội mới" do Báo Đầu tư - Đầu tư Chứng khoán tổ chức sáng 23/7, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC - sàn HOSE) đã chia sẻ góc nhìn với nhà đầu tư về những động lực của kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Từ New York (Hoa Kỳ), trong khuôn khổ chuyến công tác với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, ông Tâm rất lạc quan về bối cảnh đầu tư hiện nay.

Theo ông Tâm, hiện nay thế giới rất chao đảo, các nước lớn đang đối chọi nhau trong vòng xoáy của cuộc chiến cạnh tranh địa chính trị khốc liệt, ngay như tại Hoa Kỳ cũng đang chao đảo vì cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Tuy vậy, Việt Nam may mắn khi nằm trong vòng xoáy đó, nhưng có “lối thoát” riêng. Quá trình cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn đã làm xuất hiện sự dịch chuyển của các làn sóng kinh tế đầu tư và Việt Nam đang ở trong trục hưởng lợi của các làn sóng kinh tế này.

"Việt Nam tưởng là đang khó khăn nhưng thực ra đang chiếm một ưu thế nhất định do nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch xu hướng đầu tư về Việt Nam. Sự chuyển dịch này giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng thời gian qua và tôi cho rằng, thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển này", Chủ tịch KBC nhận định.

Nêu ví dụ, ông Đặng Thành Tâm nói rằng, từ đầu năm 2024 đến nay, xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng, điều kiện kinh tế chính trị của Việt Nam vẫn ổn định, trong công tác đối nội đối ngoại chúng ta vẫn giữ được cân bằng…, do đó dường như kinh tế Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu.

Một số doanh nghiệp có thể phản ánh những khó khăn, do một số hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng, song ông Tâm cho rằng, so với thế giới, Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng ít nhất; thậm chí bối cảnh toàn cầu như hiện tại là có lợi cho Việt Nam.

Người dân, doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư

Trong bối cảnh nói trên, Chủ tịch KBC nêu quan điểm, sở dĩ tăng trưởng chung của Việt Nam chưa đạt kỳ vọng là do khu vực nội địa tăng trưởng chưa cao.

"Trong số các chỉ số tăng trưởng, chúng ta thấy tổng tăng trưởng tín dụng chưa đạt mức kỳ vọng, cho thấy tăng trưởng nội địa của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng chung", ông Tâm nhấn mạnh và bày tỏ trăn trở: "Làm thế nào để chúng ta đạt được tăng trưởng như kỳ vọng? Tôi cho rằng từ người dân, doanh nghiệp phải mạnh dạn đầu tư".

Muốn vậy, theo vị Chủ tịch KBC, trước hết chúng ta phải có niềm tin. "Tôi có cảm giác mọi người đang lo lắng quá, vì lo lắng nên đầu tư kém đi. Điều này phản ánh vì sao tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại", ông Tâm nói.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC trao đổi trực tuyến từ Mỹ (Ảnh: Dũng Minh)

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC trao đổi trực tuyến từ Mỹ (Ảnh: Dũng Minh)

Nhấn mạnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay đang có lợi cho Việt Nam, ông Đặng Thành Tâm nói rằng, Việt Nam hiện đang là cái nôi xuất khẩu cho thế giới. Sắp tới bầu cử tổng thống ở Mỹ, nhiều phán đoán cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump sẽ tái đắc cử, đi kèm với đó là lo ngại về chính sách thuế được thắt chặt.

Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng, dù ai là Tổng thống Mỹ thì chính sách của Mỹ cũng sẽ không thù địch với Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, dù Việt Nam đang xuất siêu sang Mỹ rất nhiều nhưng Mỹ không có biện pháp hạn chế điều này. Trái lại, Mỹ đang coi Việt Nam là đồng minh trong chính sách ngoại giao kinh tế của họ.

"Hiện nay tôi đang ở New York. Tôi gặp nhiều doanh nghiệp lớn và thấy rằng họ đều muốn đến Việt Nam để đầu tư. Họ nghe nói Việt Nam đang như 'thiên đường đầu tư' trong bối cảnh khắp nơi trên thế giới đều chao đảo. Ở đâu cũng “đánh nhau”, chỉ có Việt Nam là yên bình. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng nội địa phải phát triển hơn nữa, doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để vượt qua khó khăn, tìm lối đi cho mình", ông Tâm nói thêm.

Chia sẻ thêm về động lực thị trường, vị doanh nhân cho rằng, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây, bởi vậy doanh nghiệp không được phép ngồi yên chờ đợi, càng khó khăn càng phải bật dậy, đó mới là tinh thần của Việt Nam.

Là một trong những doanh nghiệp trên thị trường niêm yết có đóng góp vào nền kinh tế quốc dân, đặc biệt đóng góp rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, KBC - với vị thế là doanh nghiệp tốp đầu trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp phía Bắc - được đánh giá là một trong những doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, Chủ tịch KBC Đặng Thành Tâm nói rằng, ông ý thức rất rõ cơ hội hiện tại của KBC và những doanh nghiệp cùng ngành.

Tuy vậy, làm sao để những doanh nghiệp Việt Nam như KBC tiếp cận được dòng dịch chuyển đầu tư này một cách hoàn hảo? Đây là câu hỏi lớn cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc.

Bởi, theo vị doanh nhân, hiện nay quá trình đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư này rất chậm. Chúng ta thiếu đất và cả các điều kiện để doanh nghiệp lớn vào, đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực.

Nêu giải pháp cho câu chuyện này, Chủ tịch KBC cho rằng, cần sự quyết tâm từ Chính phủ, chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành và chính doanh nghiệp, nhà đầu tư... Trước khi doanh nghiệp ngoại "đổ bộ" vào Việt Nam thì chúng ta phải chi tiền đào tạo nhân lực, các doanh nghiệp giáo dục phải đi thẳng vào vấn đề này. Chúng ta cần có chính sách giáo dục đào tạo về nhân lực công nghệ cao.

"Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT từng tâm sự với tôi về mong muốn đào tạo nhân lực công nghệ cao, nhưng nếu chỉ một mình FPT hay Viettel thì vẫn chưa đủ. Cần có cơ chế, chính sách, chiến lược cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là làm sao để những doanh nghiệp này nhận được hỗ trợ từ Nhà nước để tiên phong trong đào tạo nhân sự công nghệ chất lượng cao cho quốc gia?", ông Tâm nhấn mạnh.

Tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới" có sự đồng hành của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC), Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (BCG), Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI).

Tin bài liên quan