Với việc 2 nhà máy chế biến thủy sản đã hoạt động hết công suất mà vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, HĐQT IDI đã quyết định xây dựng nhà máy chế biến thủy sản số 3 với công suất thiết kế 500 tấn nguyên liệu/ngày.
Ông Lê Thanh Thuấn cho biết, nhà máy mới sẽ được khởi công trong quý II năm nay, thời gian xây dựng gần 6 tháng là có thể đưa vào hoạt động. Phần phức tạp nhất là kho lạnh đi kèm với nhà máy chế biến cá thì IDI đã đầu tư Kho lạnh số 3 từ trước, nên nhà máy mới sẽ được xây dựng trong thời gian rất nhanh.
“Lúc đầu tư xây dựng nhà máy số 1, 2 chúng ta chưa có kinh nghiệm nên phải nhờ các đơn vị tư vấn, khi hoạt động thực tế đã nảy sinh những bất cập mà chỉ có người trong nghề lâu năm mới phát hiện ra”, ông Thuấn kể và cho biết, các nhà máy chế biến cá tra hiện nay được xây dựng trên một mặt bằng, trải rộng, vừa tốn kém diện tích vừa hao tốn công vận chuyển.
Khắc phục hạn chế này, nhà máy số 3 của IDI được thiết kế đặc biệt “lên lầu”. Cách bố trí như vậy cho phép nhà máy sử dụng phương pháp vận chuyển đứng, cá nguyên liệu được các giàn cân tự nâng đẩy lên tầng trên xử lý chế biến, thành phẩm được hạ xuống tầng dưới đóng gói và chuyển bảo quản, tiết kiệm được đáng kể chi phí và nhân công vận chuyển.
Quan trọng hơn, thiết kế của nhà máy mới cho phép Công ty tận thu được huyết cá, vốn bị bỏ đi lâu nay một cách lãng phí, thậm chí còn gây tốn kém hơn rất nhiều do Công ty phải sử dụng hóa chất để xử lý nước thải.
Theo tính toán của doanh nghiệp, công suất 500 tấn cá nguyên liệu một ngày có thể đem lại 10 tấn huyết cá, chứa 100% đạm. Đây là nguyên liệu mà các nhà máy chế biến nước mắm chực chờ thu mua với nhu cầu rất lớn. Huyết cá thậm chí còn được bán với giá cao hơn giá cá tra phi lê thành phẩm. Hiện chưa có nhà máy chế biến cá tra nào tại Việt Nam thực hiện được công đoạn này.
Như vậy, sau khi nhà máy số 3 đi vào hoạt động, công suất chế biến cá tra của IDI sẽ đạt khoảng 950 tấn/ngày, cao hơn gấp đôi so với công suất nhà máy số 1 và 2 hiện nay. Kế hoạch này được kỳ vọng đem lại vị thế lớn và gia tăng lợi nhuận cho IDI trong tương lai. Đây cũng là nhà máy được đầu tư hiện đại để IDI đẩy nhanh quá trình trở lại Mỹ, được xác định là thị trường chiến lược của Công ty thời gian tới.
Giá cá tra hiện duy trì quanh 32.000- 34.000 đồng/kg, thấp hơn kỷ lục 35.000 đồng/kg đã được thiết lập hồi năm 2018.
Theo ông Lê Thanh Thuấn, đã có doanh nghiệp không đủ nguyên liệu để chế biến dù chấp nhận mua cá ở giá cao, thậm chí có cả doanh nghiệp lớn trong ngành. Chỉ những doanh nghiệp có vùng nuôi liên kết rộng lớn, bảo đảm được uy tín với nông dân mới chủ động được nguyên liệu ở thời điểm này. Ông Thuấn dự báo, giá cá tra sẽ chạm đỉnh mới 40.000 đồng/kg trong quý II và việc thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng sẽ xảy ra vào tháng 10-11 năm nay.
Giá tăng cao song cơn sốt thực phẩm trên các thị trường thế giới dường như chưa giảm nhiệt. Số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Vasep cho thấy, xuất khẩu cá tra Việt Nam 3 tháng đầu năm nay nổi bật một “màu xanh tăng trưởng” ở hầu hết các thị trường lớn.
Riêng tháng 3, xuất khẩu cá tra tăng 80% đạt 261 triệu USD với các tín hiệu tích cực về nhu cầu ở các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU. Luỹ kế tới hết tháng 3/2022, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021. Cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu, đến nay chiếm 27% giá trị kim ngạch, chỉ đứng sau ngành tôm.
Chiến sự Ukraine ảnh hưởng trực tiếp đến ngành khai thác thuỷ sản vì giá xăng dầu tăng quá cao, nhiều ngư dân cho tàu nằm bờ, thậm chí bán tàu bỏ nghề. Ngành chế biến hải sản vốn đã khó khăn về nguyên liệu lại càng thiếu hụt, đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu cá nuôi, tôm nuôi tăng mạnh.
VASEP dự báo, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 4 duy trì tăng trưởng 25% đạt 934 triệu USD. Trong đó, cá tra vẫn giữ vững vị thế quán quân tăng trưởng với dự phóng tăng 80%.