Ngày 30/11/2018, 20 triệu cổ phiếu HVH của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ HVC chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.600 đồng/cổ phiếu.
Ngay trong phiên chào sàn, HVH đã tăng trần lên 18.700 đồng/cổ phần. Chưa dừng lại ở đó, cổ phiếu này giữ sắc tím trong 4 phiên liên tiếp. Tới phiên giao dịch ngày 7/12, tức 6 phiên giao dịch đầu tiên, HVH đóng cửa ở mức 25.500 đồng/cổ phiếu, tăng 63% so với giá tham chiếu.
Tuy nhiên, giá của cổ phiếu HVH đang thẳng một mạch đi lên bỗng dưng "đứt gánh giữa đường". Phiên giao dịch ngày 10/12 chứng kiến mức giảm nhẹ của cổ phiếu này và trong 2 phiên 11 - 12/12, HVH liên tục nằm sàn.
Diễn biến giá cổ phiếu HVH (Nguồn: VNDIRECT).
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Hữu Đông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HVC cho biết, diễn biến giá cổ phiếu hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của các nhà đầu tư trên sàn.
Về đà tăng của cổ phiếu trong 5 phiên đầu tiên, ông Đông cho rằng, HVH là một cổ phiếu mới lên sàn với ngành nghề tương đối "lạ so với thị trường". Ngoài ra HVC có tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 30 - 40%, khá hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Mặc dù chững lại vào năm 2017 nhưng tới năm 2018, Công ty bắt đầu lấy lại phong độ và dự kiến những năm tới, tốc độ tăng trưởng sẽ duy trì khoảng 50%/năm.
Ngoài ra, nếu nhà đầu tư nghiên cứu kỹ doanh nghiệp sẽ thấy HVC là đối tác của các chủ đầu tư lớn như Vingroup, Mường Thanh... với các dự án có giá trị lớn. Điều này chứng tỏ năng lực và khả năng phát triển tương đối ổn định của Công ty.
Với cổ phiếu của một doanh nghiệp mới niêm yết, khả năng tăng trưởng tốt và mức giá khá hấp dẫn, việc nhà đầu tư bị HVC hấp dẫn trong những phiên đầu tiên không có gì bất ngờ.
Ngành nghề "lạ" mà ông Đông nói ở đây là việc HVC là công ty chuyên cung cấp và lắp đặt thiết bị vui chơi giải trí cao cấp. Với các dự án lớn hợp tác cùng các chủ đầu tư lớn, hiện HVC là công ty hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế, lắp đặt và thi công bể bơi, công viên nước, thủy cung đại dương, sân trượt băng nghệ thuật, các loại trò chơi mạo hiểm, công nghệ xử lý nước...
Tính tới nay, HVC đã hoàn thiện hàng chục sân trượt băng nghệ thuật, gần 20 công viên nước cũng đã được bàn giao cho khách hàng đưa vào sử dụng. Đây cũng là 1 trong 3 công ty tại Đông Nam Á thiết kế, cung cấp, lắp đặt, chuyển giao công nghệ thiết bị thủy cung đại dương.
Đáng chú ý, HVC chính là nhà thầu đứng sau 2 dự án thủy cung nổi tiếng tại Times City và Vinpearl Phú Quốc. Hiện trên sàn chứng khoán, gần như chỉ có HVC là chuyên gia trong ngành nghề này.
Ngoài ra, Công ty cũng mở rộng hoạt động thêm tại lĩnh vực thi công cơ điện (M&E) và đã ký kết hợp đồng với các chủ đầu tư uy tín, dự kiến các dự án mới như VinCity sẽ mang lại doanh thu lớn cho HVC trong thời gian tới.
Lên sàn vào thời điểm cận kề cuối năm, ông Đông cho biết, kế hoạch niêm yết đã được đặt ra ngay từ khi thành lập Công ty và bắt đầu lên kế hoạch chi tiết 2 năm trước nhằm tạo sức ép cho chính doanh nghiệp và Ban lãnh đạo trong việc phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh.
Theo báo cáo tài chính 9 tháng năm 2018, HVC đạt 312,7 tỷ đồng doanh thu thuần và 33,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 145% và 284% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, cho đến nay, HVC không có vay vốn ngân hàng do đó không hề chịu áp lực chi phí lãi vay như nhiều doanh nghiệp khác. Hiện 6 cổ đông lớn của Công ty đã nắm giữ 11,9 triệu cổ phiếu HVH, tương ứng 59,76% vốn điều lệ.
Diễn biến trên sàn cho thấy, nhà đầu tư đang dần quan tâm hơn đến mã chứng khoán này. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trong 4 phiên đầu tiên còn khá khiêm tốn, chỉ vài nghìn cổ phiếu được khớp lệnh, nhưng hiện nay đã tăng lên hàng trăm nghìn cổ phiếu được giao dịch trong mỗi phiên.