Cuộc hội thảo giữa các thành viên Ủy ban Giám sát tài chính và Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia với 25 DN lớn vừa diễn ra tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE) nhằm đánh giá ảnh hưởng của biến động vĩ mô đến các DN và TTCK. Chủ tịch HOSE Trần Đắc Sinh nhận định, TTCK đang bị rung lắc mạnh, nhưng sẽ sớm ổn định trở lại trên nền tảng dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô sẽ về đích năm nay.
TTCK tuần qua đã bị rung lắc rất mạnh, VN-Index trong phiên có lúc giảm đến 25 điểm trước nỗi bất an của thị trường về những biến động vĩ mô, đặc biệt tỷ giá và giá dầu. Vậy trong cuộc hội thảo vừa qua, các chuyên gia nhìn nhận hiện trạng này như thế nào, thưa ông?
Về tỷ giá, xuất phát từ thực tế mà các DN chia sẻ là họ đều có ít nhiều sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ, nên biến đông tỷ giá có ảnh hưởng trực tiếp đến DN. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng nhiều hay ít với mỗi DN là khác nhau.
Về phía các chuyên gia, nhìn lại cả quá trình điều hành tỷ giá của Việt Nam và diễn biến tỷ giá bất thường trên thị trường Trung Quốc vừa qua, quan điểm chung cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá, nới biên độ là quyết sách bất ngờ, khác với cam kết từ đầu năm, nhưng đó là giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện tại.
Các chuyên gia cũng dự báo, với biên độ rộng như hiện tại, từ nay đến cuối năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh tỷ giá thêm nữa. Về phía Trung Quốc, động thái điều chỉnh tỷ giá tiếp theo, nếu có, sẽ chỉ diễn ra sau tháng 10.
Việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua ảnh hưởng đến DN, đến nợ công là có, nhưng các chuyên gia vẫn tin rằng, lạm phát năm nay sẽ được duy trì ở mức dưới 5% và GDP vẫn đủ khả năng tăng trưởng như kế hoạch 6,2%. Trên nền tảng này, quan điểm chung chia sẻ tại Hội thảo là TTCK Việt Nam sẽ ổn định trở lại, khi nhà đầu tư bình tâm, đánh giá đúng hiện trạng DN và nền kinh tế.
Liên quan đến quyết sách nới room của Chính phủ, dường như trong vòng xoáy nỗi lo từ tỷ giá, giá dầu, DN và nhà đầu tư đã không mấy hào hứng đón nhận chính sách này, thưa ông ?
Không phải như vậy. Nới room là câu chuyện rất được các DN quan tâm, đặc biệt là các DN niêm yết trên HOSE. Sau Nghị định 60/2015/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 123/2015/TT-BTC, trong đó có nội dung hướng dẫn DN thực hiện nới room cho khối ngoại. Tuy nhiên, cuộc họp vừa qua cho thấy, các DN mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất văn bản hướng dẫn việc phân ngành DN và định danh những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Có văn bản này, các DN mới có đủ căn cứ pháp lý đề xuất việc nới room.
Về thực tế hoạt động kinh doanh của các DN, kết quả 6 tháng đầu năm nay và dự báo 6 tháng cuối năm có gì đáng chú ý, thưa ông?
Kết quả kinh doanh bán niên có soát xét của các DN niêm yết được các Sở GDCK công bố rộng rãi ra thị trường. Bức tranh chung có thể thấy rõ là 6 tháng đầu năm nay, hiệu quả kinh doanh của các DN tốt hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhiều DN đưa ra dự báo rằng, 6 tháng cuối năm, họ có thể sẽ khó đạt kết quả khả quan.
Nỗi lo của DN là hiện hữu, nhưng cũng không nên quá bi quan trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với nhiều nước lớn. Nếu các hiệp định kinh tế như TPP được ký kết, chắc chắn sẽ có nhiều DN Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.
Trở lại với HOSE, thời gian tới, HOSE có sản phẩm gì mới ra thị trường, thưa ông?
Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2015 đã đưa ra những quy định về sản phẩm chứng quyền có bảo đảm - Covered warrant (CW). Đây là sản phẩm do HOSE xây dựng, nên sau khi có Nghị định 60, Bộ Tài chính, UBCK cũng đã giao cho HOSE xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn triển khai sản phẩm này.
Sản phẩm CW không những là một sản phẩm đầu tư chênh lệch giá, mà còn là một công cụ phòng hộ rủi ro của nhà đầu tư trước những biến động của TTCK. Sản phẩm này phù hợp với TTCK Việt Nam, nơi nhà đầu tư cá nhân chiếm 98% tổng số tài khoản giao dịch. CW được giao dịch khá thành công tại TTCK Đài Loan, do phần lớn nhà đầu tư cá nhân tham gia tích cực vào thị trường này.
HOSE sẽ cố gắng đơn giản hóa tối đa các điều kiện, hồ sơ và thủ tục đăng ký niêm yết cho tổ chức phát hành CW, nhưng vẫn phù hợp với đặc tính sản phẩm và khung pháp lý liên quan. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với truyền thông để đào tạo nhà đầu tư, công chúng hiểu về sản phẩm, để biết cách dùng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mỗi chủ thể trên thị trường.
Cùng với các thành viên đến từ Ủy ban Giám sát tài chính và Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cuộc thảo luận tại HOSE cuối tuần qua có sự tham gia của nhiều DN lớn trong khối DN sản xuất như Đạm Phú Mỹ, PV Drilling, REE, Tân Tạo, Gemadept, Thủy điện miền Nam, Dệt may Thành Công, Nhựa Bình Minh… Trong khối các tổ chức tài chính trung gian có Dragon Capital, CTCK SSI, CTCK Bản Việt, CTCK Bảo Việt, VFM, Công ty Quản lý quỹ Manulife… Chủ tịch HOSE Trần Đắc Sinh cho biết, quan điểm của các chuyên gia và nhiều DN dự hội thảo là vững vàng trước những biến động chính sách. Ông cũng cho biết, HOSE tổ chức định kỳ cuộc hội thảo này để bàn luận về các vấn đề thời sự trong đời sống kinh tế |