Agribank - đơn vị sở hữu số ATM lớn nhất hệ thống - vừa thông báo tăng phí rút tiền nội mạng. Ảnh: T.L.

Agribank - đơn vị sở hữu số ATM lớn nhất hệ thống - vừa thông báo tăng phí rút tiền nội mạng. Ảnh: T.L.

Chủ tịch Hội thẻ: Tăng phí ngân hàng vẫn không đủ bù đắp lỗ ATM

Ông Đào Minh Tuấn cho rằng việc tăng phí như gần đây theo thông lệ và đã được tính toán trong lộ trình từ 6 năm trước.

Câu chuyện ngân hàng ồ ạt tăng phí dịch vụ được thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2018 do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức sáng 8/5.

Chia sẻ về việc gần đây các ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, Eximbank... đồng loạt tăng phí dịch vụ, ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam - khẳng định việc này đã được tính toán trong lộ trình từ 5-6 năm trước.

Ông cho biết, Thông tư 35 ban hành năm 2012 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1/3 năm 2013.

Theo đó, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2013 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi. Và thực tế, đến nay, mức trần thu phí ATM mới được một số ngân hàng áp dụng.

Không phải một diễn giả nhưng chuyên gia ngân hàng Nguyễn Thị Mùi sau đó đứng lên đặt vấn đề: "Có nhất thiết đầu tư một ATM bao nhiêu tiền thì phải phân bổ hết vào cho người dùng".

Bà cũng dẫn lại những liệt kê về chi phí của một số ngân hàng cho biết, mỗi giao dịch ATM hiện tốn 7.000 đồng, thậm chí lên tới 10.000 đồng, cao hơn rất nhiều so với mức thu 3.300 đồng của một số đơn vị.

Theo vị chuyên gia này, Hội Thẻ nên đưa ra một mức thu phí hài hoà lợi ích của các ngân hàng nhưng cũng đáp ứng nhu cầu mong muốn của người tiêu dùng hơn.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Đào Minh Tuấn tái khẳng định, chi phí duy trì ATM hiện vẫn cao hơn rất nhiều mức phí mà các nhà băng đang thu.

Ông Đào Minh Tuấn, người hiện cũng là phó tổng giám đốc Vietcombank, cũng dẫn số liệu cho thấy, tại Việt Nam, 97% các giao dịch với thẻ ghi nợ nội địa vẫn là để rút tiền thay vì thanh toán các hàng hoá dịch vụ. Chính thực tế này, theo ông Tuấn, dẫn đến việc các ATM ở Việt Nam đang quá tải và xuống cấp nhanh hơn các quốc gia.

"Con số 7.000-10.000 đồng cho một giao dịch các ngân hàng đưa ra là đã tính mọi chi phí, gồm cả bảo trì, duy trì một ATM trong nhiều năm.

Như chúng tôi có những ATM đã vận hành được 16 năm, với lượng rút tiền mặt nhiều như ở Việt Nam, việc xuống cấp là không tránh khỏi, dẫn đến chất lượng có thể đi xuống so với các nước khác", ông Tuấn giải thích.

Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa thông báo, sẽ tăng phí rút tiền nội mạng tại ATM từ 1.000 lên 1.650 đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng - VAT) từ ngày 12/5.

Bên cạnh đó, phí chuyển khoản liên ngân hàng qua E-Mobile Banking cũng tăng lên mức 0,05% số tiền chuyển, tối thiểu là 8.000 đồng mỗi giao dịch.

Không chỉ Agribank, các ngân hàng như Vietcombank, VIB, Eximbank… cũng tăng một loại phí dịch vụ trước đó. Từ đầu tháng 3, Vietcombank thu phí SMS Banking tăng từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng mỗi tháng (đã bao gồm VAT).

Ngoài ra, nếu trước đây người dùng Vietcombank chuyển khoản trong cùng hệ thống qua ứng dụng Mobile Banking hay Mobile Bankplus được miễn phí thì hiện cũng mất phí.

Trong bối cảnh tín dụng bị hạn chế bởi "quota" như hiện nay, mỗi ngân hàng cũng cần tìm nhiều giải pháp để tăng doanh thu. Do đó, việc cải thiện thu nhập ngoài lãi cho vay, tín dụng đang được nhiều đơn vị lựa chọn.

Như tại Vietcombank, tỷ trọng thu ngoài lãi từ phí dịch vụ đã được tăng lên 25,6%. Theo lãnh đạo ngân hàng này, việc cải thiện phí dịch vụ sẽ là một trong ba trụ cột chính trong kế hoạch kinh doanh của Vietcombank từ nay đến năm 2020.

Tin bài liên quan