Bác Hồ thăm nhà máy Cẩm Phả năm 1959. Ảnh: Tư Liệu

Bác Hồ thăm nhà máy Cẩm Phả năm 1959. Ảnh: Tư Liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng xây dựng Việt Nam giàu mạnh

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con đường duy nhất đúng, đồng thời là điểm khởi đầu cần thiết để đưa Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thành một nước XHCN giàu mạnh là phải công nghiệp hóa đất nước và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Với bút danh C. K trong bài viết "Con đường phía trước"  đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày  20/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Nước ta vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Đó là chỗ bắt đầu đi của chúng ta... Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường... Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà".

Viết bài trên Tạp chí Những vấn đề hòa bình và CNXH (số 2/1960), nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa", từ đó Người cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta “là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của CNXH, đưa miền Bắc tiến dần lên CNXH, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến". Người nhấn mạnh: "Phải cải tạo và phát triển nông nghiệp để tạo điều kiện cho công nghiệp hóa nước nhà. Phải có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới có thể phát triển mạnh".

Tin dân, dựa vào dân để tiến hành công nghiệp hoá

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, với phần đông dân số là nông dân, nên mấu chốt của Việt Nam là phải giải quyết tốt vấn đề lương thực, vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân để làm nền tảng phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính vì vậy, tin dân, dựa vào dân để tiến hành công nghiệp hoá được xem là một trong những nguyên tắc cơ bản trong đường lối chính trị của Hồ Chí Minh.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên tắc nêu trên được đúc rút từ quan điểm "phải khoan thư sức dân, làm kế rễ sâu gốc vững, ấy là phương sách để giữ nước" (Trần Quốc Tuấn) và "Đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân" (Nguyễn Trãi). Nguyên tắc này còn là sự quán triệt sâu sắc nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.    

Mối quan hệ nước với dân là thống nhất; nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá cũng là nguyên tắc quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tin dân, dựa vào dân là vấn đề chiến lược trong suốt quá trình cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta, trong đó nhiệm vụ trung tâm là thực hiện công nghiệp hoá đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Muốn có nhiều máy, thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu... Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hoá nước nhà"  và phải phấn đấu cho nền công nghiệp mau lớn mạnh, cho công nghiệp hoá XHCN thành công như đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng.

Sự nghiệp lớn lao đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải của riêng một tầng lớp, giai cấp nào, mà là công tác chung của tất cả mọi người.

Quan điểm toàn dân trong tập hợp lực lượng để tiến hành cách mạng XHCN ở nước ta nói chung và thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá nói riêng là một sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh. Quan điểm này xuất phát từ sự phân tích đúng đắn thái độ chính trị của các tầng lớp, các giai cấp trong xã hội nước ta.

Hồ Chí Minh với thái độ cách mạng khoa học, từ nǎm 1924, trong một báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản đã khẳng định, chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Trên thực tế, chủ nghĩa dân tộc chân chính - chủ nghĩa yêu nước của nhân dân ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta biến thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh lâu dài giành độc lập, tự do, tiếp tục được phát huy trong quá trình xây dựng CNXH.

Phân tích thái độ của giai cấp tư sản Việt Nam khi bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tư sản nước ta bị Tây, Nhật áp bức, khinh miệt, họ cǎm tức tư sản Nhật, Pháp, cho nên, nếu mình thuyết phục khéo, lãnh đạo khéo, họ có thể hướng theo CNXH...".

Trong khi thực hành nguyên tắc dựa vào lực lượng của toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh không xa rời nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, lực lượng chủ chốt trong quá trình xây dựng CNXH: "Ai xây dựng CNXH? Nói chung là những người lao động trong xã hội gồm công nhân, nông dân và trí thức cách mạng..., nhưng lực lượng chủ chốt xây dựng CNXH là công nhân" và "giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo".

Cuộc sống hạnh phúc của nhân dân chính là mục tiêu của công nghiệp hoá

Mối quan hệ nước với dân là thống nhất; nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá cũng là nguyên tắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH. Theo Người, công nghiệp hoá là nhằm mục tiêu xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam - một xã hội trong đó dân giàu thì nước mới mạnh. Như vậy, cuộc sống hạnh phúc của nhân dân chính là mục tiêu của công nghiệp hoá.

Là một nước nghèo, lại trải qua chiến tranh lâu dài, muốn công nghiệp hoá thắng lợi thì phải có vốn. Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho Đảng và nhân dân ta rằng, không thể chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của các nước, mà phải dựa vào dân: "Muốn xây dựng phải có tiền. Tiền ở đây ra? Tiền ở nhân dân tức là ở nông dân và công thương" và "tiền của nhân dân trở lại làm lợi cho nhân dân". Người kêu gọi cán bộ và nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để lấy vốn xây dựng đất nước: "Muốn xã hội giàu thì mỗi cá nhân, mỗi gia đình cho đến cả nước phải tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm".

Giải quyết vấn đề huy động vốn trong dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt nhấn mạnh giải pháp thực hành tiết kiệm, mặt khác đã phân tích thấu đáo vai trò của các thành phần kinh tế trong quá trình công nghiệp hoá. Theo đó, kinh tế quốc doanh có tính chất CNXH; kinh tế hợp tác xã có tính chất nửa XHCN; kinh tế tư bản tư nhân "họ bóc lột công nhân, nhưng đồng thời cũng góp phần xây dựng kinh tế" và kinh tế tư bản quốc gia là nhà nước hùn vốn với nhân dân để kinh doanh và do nhà nước lãnh đạo.

Từ phân tích trên, Hồ Chí Minh nêu quan điểm "công tư đều lợi", "chủ thợ đều lợi" trong thời kỳ quá độ và khi nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, Người  vẫn đồng thời khẳng định thành phần kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế cá thể "là lực lượng cần thiết cho xây dựng kinh tế nước nhà".

Thực hiện công nghiệp hoá: quan trọng nhất là con người

Để thực hiện công nghiệp hoá, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan trọng nhất là con người, bởi "Muốn xây dựng CNXH phải có con người XHCN".

Người nhận thức đầy đủ ưu điểm của con người Việt Nam: "Nhân dân ta vốn có truyền thống giàu lòng yêu nước, cần cù, tiết kiệm và luôn luôn sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ Tổ quốc", đồng thời chỉ ra mặt hạn chế: "Chúng ta đều biết rằng, trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Nǎng suất lao động còn thấp kém. Phong tục, tập quán lạc hậu còn nhiều". Vì vậy, để phát huy sức mạnh của nhân dân vào sự nghiệp công nghiệp hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh các biện pháp nhằm "bồi dưỡng sức dân":

Một là, phát triển giáo dục để nâng cao dân trí. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trình độ dân trí là thước đo sức mạnh của một dân tộc. Người từng nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Do vậy, để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng CNXH nói chung, thực hiện công nghiệp hoá nói riêng, phải đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ vǎn hoá cho nhân dân. Theo Người: "Muốn xây dựng CNXH thì phải tǎng gia sản xuất. Muốn tǎng gia sản xuất tốt thì phải có kỹ thuật cải tiến. Muốn sử dụng tốt kỹ thuật thì phải có vǎn hoá. Vì vậy, công việc bổ túc vǎn hoá là cực kỳ cần thiết".

Hai là, phát triển y tế, thể dục thể thao để nâng cao sức khoẻ cho nhân dân. Người nói: "Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ... Dân cường thì quốc thịnh".

Ba là, kết hợp giáo dục với cải tiến công tác quản lý. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Hiện nay phải phát động công nhân, viên chức cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp. Phát động công nhân, viên chức lần này là để giáo dục nâng cao giác ngộ chính trị cho công nhân, giáo dục cán bộ, đồng thời cán bộ và công nhân giáo dục lẫn nhau; trong giáo dục có đấu tranh, tức là phê bình và tự phê bình để tiến bộ, để đoàn kết chặt chẽ hơn, để quản lý tốt, để sản xuất tốt".

Bốn là, tǎng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, bởi "Lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn, là vô cùng vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Đảng lãnh đạo quần chúng, thì cách mạng mới thành công".

42 năm sau ngày đất nước thống nhất, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đến nay đã chuyển sang thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đi suốt chiều dài lịch sử dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Những nguyên tắc, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Với những chủ trương đúng đắn, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá do Đảng lãnh đạo nhất định sẽ đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp, đáp ứng lòng mong mỏi của Bác Hồ kính yêu và của toàn thể dân tộc Việt Nam.

(Bài viết có sử dụng tư liệu của NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội)

Tin bài liên quan