Tính đến thời điểm này, PNJ đã thoái vốn được khỏi CTCK Đại Việt và trong năm 2014, Công ty sẽ tích cực tìm kiếm cơ hội thoái vốn ở các khoản mục đầu tư không mang lại hiệu quả, đặc biệt là các khoản mục đầu tư bất động sản.
Tuy nhiên, theo bà Dung, việc thoái các khoản vốn đầu tư ngoài ngành trong lúc này không dề dễ dàng. Đặc biệt là với các khoản đầu tư bất động sản. PNJ đã tìm kiếm đối tác, nhưng đến nay vẫn chưa có người mua.
Mặt khác, dù nhu cầu của Công ty muốn thoái các khoản vốn này, nhưng không có nghĩa PNJ sẽ thoái bằng mọi giá, mà phải tìm được cơ hội tốt thì Công ty mới có thể bán.
Theo bà Dung, HĐQT PNJ đã nhận thấy sai lầm về việc đầu tư tài chính những năm trước đây, nên sẽ thoái dần hết các khoản vốn này.
Lợi nhuận trước thuế năm 2013 đạt kế hoạch là 240 tỷ đồng, nhưng nếu loại trừ yếu tố từ đầu tư tài chính mang lại, thì năm 2013 hoạt động kinh doanh cốt lõi của PNJ tăng trưởng khá tốt. Bởi năm 2013, đầu tư tài chính chỉ mang lại cho PNJ có 26 tỷ đồng, trong khi đó năm 2012 là 116,5 tỷ đồng. Như vậy, nếu so với 2012, thì lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ tăng 48% nhờ tăng lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Trong năm 2014, với chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận Công ty đưa ra ở mức tăng 21% so với năm 2013, nhưng PNJ không kỳ vọng gì về lợi nhuận từ các khoản đầu tư tài chính mang lại. Quý I/2014, PNJ dự kiến hoàn thành 35% kế hoạch lợi nhuận năm; doanh thu trang sức quý này cũng tăng 22 - 25%.
Không ít cổ đông PNJ thắc mắc, giá cổ phiếu PNJ không có thanh khoản. Theo lý giải của HĐQT PNJ, một phần do không có ai bán. Hiện “room” nhà đầu tư nước ngoài tại PNJ đã hết, tỷ lệ 49% gồm VinaCapital và Mekong Capital. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư này cũng chưa muốn bán cổ phiếu PNJ, thêm vào đó, cán bộ nhân viên Công ty cũng muốn nắm giữ cổ phiếu. Cổ phiếu PNJ trên sàn hiện nay được HĐQT Công ty cho là dưới giá trị thực, một phần xuất phát từ lý do trên. Trong năm qua, PNJ phải điều chỉnh lợi nhuận, nhưng cổ tức vẫn giữ 20% và dự kiến chia mức này cho cả 2014.