Ngày 6/10 tới, MB sẽ tổ chức họp ĐHCĐ bất thường thông qua phương án sáp nhập Công ty Tài chính Sông Đà (SDFC) với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 2,2:1. Xin ông cho biết, những mục tiêu MB kỳ vọng trong thương vụ hợp nhất này?
Với mục tiêu xây dựng mô hình tập đoàn tài chính đa năng, hướng tới việc cung cấp các giải pháp tài chính trọn gói cho khách hàng, góp phần tăng trưởng doanh thu, thu nhập, từ đó tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông, đối tác, khách hàng trong tương lai, MB mong muốn thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Đây là mảng thị trường tiềm năng, dự đoán có sự phát triển nhanh chóng trong 10 năm tới với mức tăng bình quân từ 20 - 30%/năm.
Thượng tướng Lê Hữu Đức
Tại ĐHCĐ thường niên 2015, HĐQT MB đã đệ trình và được các cổ đông nhất trí thông qua việc mua lại/mua cổ phần/nhận sáp nhập tổ chức tín dụng khác để hình thành công ty con của MB hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, phù hợp với chủ trương, định hướng của Ngân hàng Nhà nước và chiến lược, mục tiêu phát triển của MB.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, MB đã nghiên cứu các công ty tài chính trên thị trường và nhận thấy SDFC phù hợp với các tiêu chí lựa chọn của MB. SDFC là một công ty tài chính với mức vốn điều lệ tại ngày 30/4/2015 là 686 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 1.200 tỷ đồng, được thành lập năm 2008, do MB và Tổng công ty Sông Đà, Tổng CTCP Bảo Minh sáng lập.
Việc lựa chọn công ty tài chính là SDFC để sáp nhập vào MB cũng rất phù hợp vì qua quá trình là cổ đông sáng lập SDFC, MB nắm rõ hoạt động của SDFC và có sự đồng thuận của các cổ đông còn lại trong quá trình triển khai tiếp theo trong giai đoạn hậu sáp nhập. Đây là một lợi thế để đảm bảo cho thương vụ M&A này được diễn ra suôn sẻ và nằm trong tầm kiểm soát của MB.
Như vậy, việc lựa chọn SDFC một mặt giúp tăng cường năng lực kinh doanh của MB Group thông qua việc phát triển mô hình kinh doanh mới, có tiềm năng phát triển tốt, sẽ tạo điều kiện để MB kiện toàn mô hình tập đoàn như đã nói ở trên. Sau giao dịch sáp nhập, quy mô vốn điều lệ của MB tăng lên, góp phần nâng cao năng lực tài chính của MB, đồng thời quyền lợi của các cổ đông hiện hữu của MB sẽ được tăng thêm do sẽ được nhận bổ sung cổ phiếu MB tại thời điểm phát hành tăng vốn.
Bên cạnh các mục tiêu tài chính nêu trên, việc MB tham gia tái cơ cấu SDFC cũng thể hiện trách nhiệm và quyết tâm của MB trong việc thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ, NHNN về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế đất nước.
Nếu được cổ đông đồng thuận, vụ hợp nhất SDFC vào MB là thương vụ M&A thứ 2 trong hệ thống MB, sau thương vụ công ty con MBS hợp nhất với VITS. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả thương vụ hợp nhất MBS - VITS? Và khả năng thành công (mang lại giá trị mới cho MB, cho cổ đông và đối tác) trong thương vụ thứ hai sắp tới?
Đối với việc hợp nhất MBS - VITS, chúng tôi đánh giá đây là thương vụ thành công. Cụ thể, Công ty hợp nhất ra đời (MBS) đã có sức khỏe tài chính tốt hơn, mạng lưới khách hàng được mở rộng và các chỉ tiêu tài chính như doanh thu, lợi nhuận có tăng trưởng tốt. MBS trong Top 5 các công ty có thị phần môi giới tốt nhất. Bên cạnh việc đẩy mạnh kinh doanh, MBS chú trọng tới công tác quản trị rủi ro, không để phát sinh mới nợ xấu. Hiện nay, MBS đang tập trung, quyết liệt thực hiện các giải pháp chiến lược giai đoạn 2015 -2020 và tầm nhìn đến 2025, định hướng tìm kiếm đối tác chiến lược và niêm yết trên sàn chứng khoán.
Với thương vụ sáp nhập SDFC, MB đã mời đơn vị tư vấn độc lập là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam – một đơn vị tư vấn có thương hiệu trong lĩnh vực M&A và kiểm toán tài chính ngân hàng và Công ty Luật hợp danh Bross và Cộng sự để tư vấn, đánh giá. MB cũng đã thành lập một Ban đề án gồm các thành viên có trình độ, kinh nghiệm để tập trung triển khai thương vụ sáp nhập. Đặc biệt, MB cũng nhận được sự hướng dẫn từ các cơ quan quản lý nhà nước là NHNN, UBCK. Do vậy MB tin tưởng giao dịch sáp nhập sẽ triển khai tốt đẹp, tuân thủ quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi của các cổ đông.
Việc sáp nhập SDFC vào MB, đồng thời MB được cấp phép thành lập công ty tài chính mới hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ giúp MB đạt mục tiêu trở thành một tập đoàn tài chính đa năng vững mạnh. MB sẽ có cơ hội gia tăng thu nhập từ lĩnh vực tài chính tiêu dùng tiềm năng, qua đó góp phần khẳng định vị thế của MB trên thị trường và đem lại lợi ích cho các cổ đông của MB.
Xin ông chia sẻ những nét cơ bản trong định hình hoạt động của công ty mới tại MB?
Thị trường tín dụng tiêu dùng hiện nay có sự tham gia của hầu hết các ngân hàng thương mại và một số công ty tài chính, tuy nhiên được triển khai trên 2 phân khúc khác nhau. Ngân hàng thương mại thường tiếp cận với các khách hàng có nguồn thu nhập tương đối cao và ổn định, hoặc các khách hàng có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, khách hàng mà các công ty tài chính tiêu dùng nhắm đến lại là nhóm có thu thập thấp hơn, món vay nhỏ và khó khăn hơn khi tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.
Công ty Tài chính tiêu dùng MB sẽ nhắm vào nhóm khách hàng trẻ, thu nhập chưa cao, song có khả năng chi trả trong tương lai để khai thác và phát triển. Đồng thời, khai thác nhóm khách hàng tiềm năng từ khách hàng của kênh liên kết với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, khách hàng các công ty con của MB và các khách hàng khai thác qua kênh đối tác tiêu dùng là các siêu thị điện máy, điện tử…, dự kiến cung cấp được đến 500.000 khách hàng trong năm đầu tiên.
Đồng thời, MB sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài góp vốn mua cổ phần hoặc liên doanh với Công ty Tài chính tiêu dùng MB sau một thời gian hoạt động nhằm tạo điều kiện gia tăng sự hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm, công nghệ…. của các công ty tài chính nước ngoài có kinh nghiệm trong hoạt động tín dụng tiêu dùng. Mặt khác, chúng tôi sẽ giảm các chi phí tối đa, cung cấp thêm một kênh dịch vụ với lãi suất cho vay cạnh tranh và nhiều điểm giao dịch cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
MB tin tưởng với các lợi thế về hạ tầng eBanking, mobileBanking, các khách hàng là các nhà phân phối bán lẻ, sử dụng kênh phân phối đa kênh và tận dụng mạng lưới sẵn có của MB, nguồn nhân lực, tiềm lực tài chính phát triển bền vững, cùng với sự hỗ trợ tích cực của các đối tác, cổ đông chiến lược và sự ủng hộ của các cổ đông, cơ quan quản lý nhà nước, Công ty Tài chính tiêu dùng MB sẽ phát triển tốt và thành công trong tương lai.
Với hiện trạng tài chính hiện nay, việc MB nhận về SDFC có làm tăng áp lực nợ xấu tại MB không? Thương vụ này nếu diễn ra thành công trong năm 2015, liệu có ảnh hưởng đến mục tiêu giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu xuống mức dưới 2,5% vào cuối năm nay của MB không, thưa ông?
Tại thời điểm sáp nhập giữa SDFC và MB, SDFC đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản nợ xấu của công ty theo đúng quy định của các cơ quan quản lý nhà nước.
Đồng thời, MB cũng đã có các giải pháp cụ thể để xử lý các khoản nợ xấu này. Do đó, việc sáp nhập sẽ không ảnh hướng đến nợ xấu tại MB và không bị ảnh hưởng đến cam kết thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2015 mà ĐHCĐ đã thông qua.
6 tháng đầu năm nay, MB tiếp tục đạt kết quả kinh doanh cao trong khối các ngân hàng TMCP như 3 năm trước đó, khiến cổ phiếu MBB được thị trường đặt niềm tin sẽ là một trong số cổ phiếu trụ cột giúp TTCK Việt Nam khởi sắc cuối năm. Xin Chủ tịch chia sẻ với nhà đầu tư một số kết quả cập nhật 9 tháng đầu năm và khả năng MB hoàn thành kế hoạch năm 2015?
9 tháng đầu năm 2015, mặc dù nền kinh tế và môi trường kinh doanh ngân hàng còn nhiều khó khăn, áp lực về xử lý nợ xấu và gần đây nhất là về vấn đề tỷ giá, HĐQT, Ban điều hành cùng toàn thể CBNV MB đã nỗ lực kinh doanh chủ động, sát với diễn biến thị trường, chủ động đưa ra các giải pháp sáng tạo đối phó với các diễn biến về lãi suất, tỷ giá…
Kết quả là 9 tháng vừa qua, MB tiếp tục hoàn thành vượt mức các mục tiêu kế hoạch quý III đã đề ra; tín dụng đạt xấp xỉ 113.400 tỷ đồng, tăng trưởng 12,7% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành (10,78%), huy động vốn tăng trưởng ổn định, bền vững, đạt xấp xỉ 174.400 tỷ đồng, tăng 3,8% so với đầu năm, chất lượng tín dụng liên tục được cải thiện (tỷ lệ nợ xấu dưới 2%).
Lợi nhuận trước thuế duy trì TOP đầu nhóm ngân hàng TMCP, đạt khoảng 2.400 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh khả quan trên, MB đã trình NHNN đề xuất tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng so với phê duyệt ban đầu. Đồng thời, MB là một trong những ngân hàng sớm nhất hoàn thành việc xử lý nợ xấu và bán nợ cho VAMC theo chỉ đạo của NHNN từ cuối tháng 8 và là ngân hàng duy nhất tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 5% trong năm 2015.
MB sẽ nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song song với việc nâng cao chất lượng quản trị rủi ro và quản trị chi phí hiệu quả. Theo kế hoạch, Ngân hàng sẽ đưa ra thị trường nhiều gói, chương trình ưu đãi đồng hành với khách hàng, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các mô hình kinh doanh chiến lược. Với những chương trình hành động cụ thể trong quý IV, chúng tôi tin tưởng, sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra trong năm 2015.