Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) góp vốn thêm vốn khi vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ còn 42 tỷ đồng

Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) góp vốn thêm vốn khi vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ còn 42 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Chứng khoán Saigonbank Berjaya (OTC: SBBS) vừa công bố thông tin bất thường về việc bà Nguyễn Thị Hương Giang, Chủ tịch HĐQT SBBS, đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 60,19% sau khi mua thêm từ đợt chào bán cổ phần và nhận chuyển nhượng thêm từ cổ đông khác.

CTCP Chứng khoán Saigonbank Berjaya (OTC: SBBS) vừa công bố thông tin bất thường về kết quả chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cụ thể, theo công bố thông tin, trước đợt chào bán, bà Giang nắm giữ 40,22% vốn điều lệ SBBS, tương ứng gần 12,1 triệu cổ phiếu. Sau khi mua thêm 5 triệu cổ phiếu phát hành thêm và nhận chuyển nhượng 4 triệu cổ phiếu từ công ty Inter Pacific Securities Sdn Bhd (Malaysia), bà Giang hiện sở hữu hơn 21,1 triệu cổ phiếu SBBS, tương đương tỷ lệ 60,19%.

Động thái này củng cố vị thế lãnh đạo của bà Giang tại SBBS, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chiến lược kinh doanh trong tương lai. Inter - Pacific Securities hiện không còn là cổ đông của SBBS.

Đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của SBBS được thực hiện theo Nghị quyết HĐQT số 13/2024/NQ-HĐQT ngày 30/09/2024, theo đó SBBS phát hành 20 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng, nhưng chỉ phát hành thành công 5 triệu cổ phiếu cho bà Giang. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của SBBS sẽ tăng lên 350 tỷ đồng.

Ngoài ra, SBBS cũng công bố danh sách cổ đông có quyền sở hữu cổ phần chiếm từ 10% trở lên vốn điều lệ sau đợt chào bán. Cụ thể: Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 11,43% với 4.000.000 cổ phiếu. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương giảm tỷ lệ sở hữu từ 11% xuống 9,43% với 3.300.000 cổ phiếu.

Theo báo cáo tài chính quý 3, SBBS ghi nhận doanh thu hơn 1 tỷ đồng, giảm mạnh 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán, giảm 56,8% từ 1,045 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 450,9 triệu đồng và lãi từ các khoản vay và phải thu, giảm 23,8% xuống chỉ còn 474,6 triệu đồng.

Dù doanh thu giảm mạnh, SBBS lại ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng đột biến 342%, đạt gần 5,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 công ty ghi nhận khoản lỗ gần 2,3 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 371% so với quý 3/2023 nhờ khoản hoàn nhập hơn 8,393 tỷ đồng dự phòng nợ phải thu khó đòi.

Cuối quý 3, SBBS dù đã duy trì được lợi nhuận là con số dương với lãi 8,6 tỷ đồng nhưng vẫn còn khoản lỗ lũy kế hơn 260 tỷ đồng.

So với kế hoạch kinh doanh năm 2024 được ĐHĐCĐ thông qua với doanh thu mục tiêu là gần 12,351 tỷ đồng và lợi nhuận mục tiêu là gần 7,819 tỷ đồng, SBBS đã vượt 10,6% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm, mặc dù mới chỉ đạt 46,4% mục tiêu doanh thu.

Thời điểm cuối quý 3, tổng tài sản của SBBS đã tăng mạnh lên tới hơn 97,138 tỷ đồng, tăng 156,3% so với đầu năm, chủ yếu nhờ tiền mặt tăng hơn 48,571 tỷ đồng, tổng tiền mặt đạt 53,61 tỷ đồng, chiếm gần 55,2% tổng tài sản.

Nợ phải trả của SBBS hoàn toàn là nợ ngắn hạn, tăng 50,587 tỷ đồng lên mức 54,484 tỷ đồng, trong đó có 50 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán cổ phần để tăng vốn. Khoản vốn góp của bà Giang sau đợt phát hành đóng vai trò quan trọng để duy trì hoạt động của SBBS trong điều kiện đến cuối quý 3, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ còn hơn 42 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Theo tài liệu ĐHCĐ bất thường dự kiến diễn ra vào ngày 30/10 tới đây, SBBS sẽ trình đổi tên CTCP Chứng khoán Saigonbank Berjaya thành CTCP Chứng khoán SBB, trong khi tên viết tắt vẫn giữ nguyên là SBBS.

ĐHCĐ bất thường cũng trình miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT cũ và đề cử hai thành viên HĐQT mới.

Tin bài liên quan