Chủ tịch HDO ra tay "cứu" Công ty?

Chủ tịch HDO ra tay "cứu" Công ty?

(ĐTCK) CTCP Hưng Đạo Container (HDO, niêm yết tại HNX) vừa gây bất ngờ cho thị trường khi công bố nghị quyết sẽ phát hành riêng lẻ 3 triệu cổ phần, với giá 10.000 đồng/CP, cao gấp hơn hai lần thị giá hiện tại và người mua không ai khác chính là ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HDO.

Chủ tịch HDO ra tay "cứu" Công ty? ảnh 1

HDO đã mất đi những khách hàng quan trọng nhất

Chủ tịch ra tay

Ngày 2/12/2013, HĐQT HDO đã ra nghị quyết chào bán 3 triệu cổ phần, với giá 10.000 đồng/cổ phần, tương đương 30 tỷ đồng, cho “các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có đủ năng lực về tài chính, có thể hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh cho Công ty trong ngắn hạn và dài hạn, đồng thời cam kết gắn bó lâu dài với Công ty”.

Đáng chú ý, danh sách nhà đầu tư mà HDO sẽ chào bán chỉ có một người, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty.

HDO hiện có vốn điều lệ 94,6 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính HDO công bố gần nhất, tại thời điểm cuối tháng 9/2013, ông Hùng cùng 3 thành viên khác trong gia đình (vợ, chị ruột, em rể) sở hữu 34,72% cổ phần của Công ty.

Tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông gia đình ông Hùng có thể còn lớn hơn con số này, vì bản cáo bạch phát hành trong tháng 7/2013 cho thấy, một số thành viên khác trong gia đình ông Hùng cũng nắm giữ cổ phiếu HDO. Nếu đợt phát hành thành công, tỷ lệ sở hữu tại HDO của nhóm cổ đông gia đình ông Hùng được nâng lên tối thiểu là 50% cổ phần.

Việc ông Trần Văn Hùng góp 30 tỷ đồng ở thời điểm này đã khiến không ít lời đồn đoán, có thể Công ty đang rất khó khăn về tài chính, nhưng không thể xoay xở được vốn vay nên đích thân Chủ tịch phải ra tay cứu ?(!)

9 tháng đầu năm, HDO lỗ hơn 13 tỷ đồng, kế hoạch lãi trước thuế khá khiêm tốn với 5 tỷ đồng trong năm nay đã trở nên quá xa vời. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý III/2013 của Công ty cho thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty từ đầu năm đến cuối quý này âm 18,5 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 9/2013, HDO có khoản vay và ngắn hạn lên tới 133,8 tỷ đồng, trong khi các khoản phải thu ngắn hạn của Công ty là 69,56 tỷ đồng.

Khó khăn về dòng tiền khiến HDO phải nợ nghĩa vụ thuế. Số thuế phải nộp tại thời điểm cuối tháng 9/2013 là hơn 12 tỷ đồng. Trước đó, trên báo cáo tài chính bán niên 2013 của Công ty có đoạn viết: “Công ty đang gặp khó khăn về tài chính nên trong 6 tháng đầu năm 2013 chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Tính đến 30/6/2013, ước tính số tiền Công ty phải nộp phạt do chậm nộp thuế theo quy định hiện hành là 2.240.790.059 đồng. Công ty có phát sinh các khoản công nợ tiềm tàng do phát sinh chi phí phạt nộp chậm tiền thuế hay không tùy thuộc vào quyết định của cơ quan thuế”.

 

Vì đâu nên nỗi?

Ngành nghề kinh doanh chính của HDO là sản xuất để bán, cho thuê container dùng để đóng hàng và làm văn phòng di động cho các công trình xây dựng, thuỷ điện, giàn khoan dầu khí…

Kinh tế khó khăn, nhu cầu vận chuyển hàng hoá giảm, khiến doanh thu của HDO từ đầu năm 2013 đến nay không đạt kỳ vọng, trong khi đó, giá thép cuộn và các phụ kiện, vật tư khác vốn chiếm tỷ trọng khoảng 60% giá thành sản phẩm của Công ty trong thời gian qua có nhiều biến động, khiến tình hình kinh doanh của Công ty rất khó khăn.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến HDO rơi vào khó khăn, thua lỗ là Công ty đã mất đi những khách hàng quan trọng nhất. Báo cáo tài chính bán niên của HDO cho biết, “Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin và Công ty TNHH MTV Vận tải biển container Vinalines gặp khó khăn về tài chính nên đang còn nợ HDO hơn 15 tỷ đồng”.

Tại thời điểm cuối quý III, Công ty đã trích lập dự phòng 5,5 tỷ đồng cho các khoản nợ của 2 khách hàng trên. Lưu ý rằng, khoản nợ phải thu hơn 15 tỷ đồng từ 2 khách hàng nêu trên mới chỉ được trích dự phòng theo tuổi nợ, chứ không phải theo bản chất rủi ro của nợ, vì thế sắp tới HDO có thể sẽ còn phải trích dự phòng thêm cho khoản nợ này.

Trong khi bản thân đang kinh doanh thua lỗ, khó khăn về tài chính, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng và kho bãi của HDO đã qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, thì nay HDO lại nhận sáp nhập CTCP Cơ khí Vận tải Thương mại Đại Hưng (DHL).

Thực ra 2 công ty này có cùng chủ sở hữu đó là gia đình ông Trần Văn Hùng. HDO đã phát hành 5,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi lấy toàn bộ số cổ phiếu của DHL, còn DHL cũng đã huỷ niêm yết trên HNX trong tháng 9 vừa qua để sáp nhập vào HDO.

Theo báo cáo tài chính bán niên, 6 tháng đầu năm 2013, DHL lỗ hơn 317 triệu đồng.

Dù Chủ tịch nỗ lực bơm vốn để cứu HDO, nhưng thực thể mới kết hợp hai DN vốn ốm yếu này sẽ vươn lên bằng cách nào? ĐTCKsẽ tiếp tục tìm hiểu để thông tin đến bạn đọc.  

>>HDO: Sau sáp nhập, cổ đông ngoại nắm 21% vốn     

>>HDO: Thông báo mua cổ phiếu quỹ