Vực dậy Haxaco bằng những quyết sách táo bạo
Thân thiện, trẻ trung, ông chủ Haxaco mở đầu câu chuyện về Haxaco bằng việc tái hiện lại bức tranh những ngày đầu tiếp quản công ty đầy chông gai, vất vả.
Ông cho biết, Haxaco tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được cổ phần hóa năm 1999 và niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) từ năm 2006. Ban đầu, ông mua cổ phiếu HAX chủ yếu để đầu tư với mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng do kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu HAX giảm mạnh về mức 3.000 đồng/cổ phiếu.
Sốt ruột với sự tụt dốc không phanh của Công ty, là một trong những cổ đông lớn nhất, ông quyết định bỏ hết công việc ở Hà Nội để vào TP.HCM cùng Ban lãnh đạo Haxaco gỡ khó cho Công ty.
Đó là những ngày hè năm 2013, Sài Gòn nắng chói, ông chính thức đảm nhiệm cương vị CEO Haxaco khi vừa qua tuổi 40. Làm thế nào để vực dậy Haxaco là câu hỏi luôn đau đáu trong tâm trí ông.
“Haxaco khi đó nếu ở thang điểm 10 thì đã mất 9, chỉ còn lại 1 và gần như sắp đóng cửa. Mâu thuẫn nội bộ lên đến đỉnh điểm, hoạt động kinh doanh rất trì trệ. Cùng thời điểm đó, dòng xe Mercedes mà Haxaco phân phối cũng không có nhiều đột phá trên thị trường, nên Công ty càng khó khăn hơn...”, ông Dũng nhớ lại.
Ông kể, ngày thứ hai trên cương vị CEO Haxaco thì công ty bị ngân hàng phong tỏa tài khoản vì nợ quá hạn, tồn kho chỉ toàn xe cũ. Thu nhập của người lao động Haxaco vốn đã không cao còn bị cắt giảm 25% lương, dẫn đến một làn sóng rời bỏ Công ty...
Để giải bài toán khó khăn, ông quyết định cắt giảm toàn bộ chi phí không quan trọng để giảm gánh nặng cho Công ty. Về chế độ tiền lương, ông khôi phục lại lương công nhân viên, còn từ cấp trưởng phòng cắt giảm 20%, Ban Tổng giám đốc cắt giảm 25%, bản thân ông chỉ nhận một nửa lương.
"Với những điều chỉnh linh hoạt, nhiều cán bộ, công nhân viên có niềm tin trở lại và không đi khỏi Công ty nữa...”, ông Dũng chia sẻ về những thành công bước đầu trên cương vị CEO Haxaco.
Quyết định đúng đắn và không kém phần táo bạo khác nhằm vực dậy Haxaco là chấp nhận bán cắt lỗ toàn bộ số ô tô cũ tồn kho. Bán xong lô hàng cũ, tuy Haxaco chịu lỗ, nhưng có được nguồn tiền để chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh.
“Dòng tiền mà nằm một chỗ, không được khơi thông thì Công ty không thể xoay chuyển được tình thế. Hơn nữa, nếu sợ trách nhiệm không tiêu thụ đống tài sản đó, Công ty sẽ mãi chìm trong khó khăn”, ông Dũng nói.
Nhận ra thế mạnh của Haxaco thời điểm đó là xưởng sửa chữa xe Mercedes có uy tín tại TP. HCM, ông xác định đây sẽ là "nồi cơm" để nuôi Công ty trong kỳ gian khó nên tập trung đầu tư, nâng cấp để thúc đẩy xưởng phát triển.
Khi một ngôi nhà bị cháy và đám cháy đã lan quá rộng thì không cần phải dập. Hãy để nó cháy hết và dựng lại từ đầu
- Chủ tịch Haxaco Đỗ Tiến Dũng
Haxaco có lợi nhuận từ sửa xe, công nhân cũng có phần lợi ích. Không chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt, trụ cột này đã dần đưa cỗ máy Haxaco bước đi vững chắc ở chặng đường tiếp theo.
Đúc kết quá trình vực dậy Haxaco, ông Dũng ví von: "Khi một ngôi nhà bị cháy và đám cháy đã lan quá rộng thì không cần phải dập. Hãy để nó cháy hết và dựng lại từ đầu".
Kinh doanh bằng lòng tự tôn dân tộc
Ít ai biết Chủ tịch Haxaco Đỗ Tiến Dũng có khởi đầu là một nhân viên bán hàng của Công ty Liên danh sản xuất ô tô Hòa Bình VMC và trải qua nhiều vị trí như Trưởng phòng Kinh doanh tại Công ty Toyota Hoàn Kiếm, Toyota Giải Phóng, rồi ra làm riêng với việc thành lập CTCP Đầu tư và dịch vụ ô tô Việt Nam.
Tốt nghiệp Đại học Thương mại và Đại học Luật, chuyên ngành tài chính- kế toán, nhưng ông đến với nghiệp kinh doanh ô tô như một cái duyên. Và chính thâm niên hơn 20 năm lăn lộn trên thị trường ô tô đã cho ông nhiều bài học quý giá để đến khi đảm nhiệm vị trí "thuyền trưởng" tại Haxaco, ông đã có những nước cờ khôn ngoan và nhanh chóng đưa Haxaco thoát khỏi đáy vực.
Sau khi ổn định hoạt động của xưởng sửa chữa, ông Dũng bắt đầu thay đổi chính sách bán hàng.
“Tôi đi lên từ nhân viên bán hàng nên hiểu tầm quan trọng của mảng hoạt động này và chỉ đạo rất sát sao. Nhiều thời điểm, tôi trực tiếp hướng dẫn các nhân viên bán hàng của mình, gỡ khó cho họ, truyền tới họ một thông điệp rằng: Không phải e sợ bất cứ đối thủ nào, hãy nỗ lực tối đa thì sẽ thành công”, ông nói.
Ông chia sẻ, trong hoạt động kinh doanh, lòng tự tôn dân tộc là một trong những yếu tố tác động mãnh liệt và ông đã đưa niềm tự hào đó đến với từng nhân viên.
Với chiến lược chinh phục khách hàng bằng lòng tự hào của người Việt, bằng thái độ phục vụ chu đáo và tin cậy, doanh số bán hàng của Haxaco dần cải thiện. Đến nay, Haxaco đã mở rộng từ 1 đại lý lên 4 đại lý (2 đại lý ở Hà Nội và 2 đại lý ở TP. HCM). Theo ông Dũng, tăng số lượng đại lý tại các thành phố lớn là một trong những chiến lược quan trọng trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Haxaco dần ổn định và tăng trưởng.
Tham vọng đưa Haxaco vươn xa
Khi tiếp quản Haxaco vào năm 2013, vốn hóa Công ty là 111 tỷ đồng, nhưng lỗ tới 40 tỷ đồng, kéo giá cổ phiếu tụt dốc. Tới nay, mức vốn hóa của Haxaco đã tăng gấp hơn 5 lần, lên 589 tỷ đồng, thị giá cố phiếu cũng tăng tương ứng lên ngưỡng 16.000 đồng. Tính đến tháng 6/2018, ông Dũng vẫn là cổ đông lớn nhất khi đang nắm giữ hơn 8,3 triệu cổ phiếu HAX, tương đương 23,86% vốn điều lệ Công ty.
Từ năm 2014, Mercedes đã có thay đổi lớn về sản phẩm, ra dòng xe mới có thiết kế trẻ trung hơn, được thị trường đón nhận. Đây cũng là yếu tố giúp nhà phân phối như Haxaco được hưởng lợi. Số lượng xe Mercedes bán ở thị trường Việt Nam tăng mạnh từ 1.200 xe năm 2014 lên 7.000 xe vào năm 2016.
Không phải e sợ bất cứ đối thủ nào, hãy nỗ lực tối đa thì sẽ thành công
- Doanh nhân Đỗ Tiến Dũng
Năm 2018, Haxaco đặt mục tiêu phân phối 2.600 xe, trong khi hãng chỉ giao 2.100 xe. 6 tháng đầu năm, tổng số lượng xe Haxaco bán ra là 1.050 xe, vượt 7,6% chỉ tiêu đặt ra cho 6 tháng và chiếm 37,1% thị phần trên tổng số 2.831 xe Mercedes Benz đã bán ra trên toàn thị trường.
Được biết, sản lượng bán xe Mercedes trong tháng 8 của Công ty tăng đột biến, đạt 160 xe và vượt 10% chỉ tiêu tháng, mặc dù tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch) thường là thời điểm khó khăn khi khách hàng có tâm lý chờ “qua Ngâu” mới lấy xe.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, Haxaco đã hoàn thành hơn 60% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm. Ông Dũng dự kiến, Công ty sẽ thực hiện được 85-90% kế hoạch kinh doanh năm nay nếu tiếp tục bán hàng tốt. Theo ông Dũng, đây là một thành công bởi năm 2018 là năm kinh doanh nhiều khó khăn khi việc phân phối xe ô tô nhập khẩu gặp nhiều rào cản bởi Nghị định 116.
“Tôi có tham vọng đưa Haxaco đi xa hơn nữa. Dự kiến mức vốn hóa của Haxaco sẽ tăng lên 1.000 tỷ đồng trong 5 năm tới, trở thành công ty bán lẻ ô tô lớn nhất thị trường và không chỉ phân phối xe Mercedes, mà còn mở rộng ra nhiều dòng sản phẩm khác”, ông Dũng chia sẻ.