Thưa ông, việc nhận 51% vốn cổ phần từ CTCP Bê tông - Thép Ninh Bình để khấu trừ một phần nợ của ông Nguyễn Anh Quân đã được thực hiện đến đâu?
Ngày 14/1/2013, chúng tôi đã có Biên bản thương thảo với các bên về việc Hanic sẽ nhận 51% vốn cổ phần của Bê tông - Thép Ninh Bình, thay cho phần trả nợ 45 tỷ đồng của ông Quân. Tuy nhiên, do 51% vốn cổ phần mà CTCP Tam Đảo Mới nắm giữ là nhận chuyển giao từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, bị yêu cầu phải nắm giữ tối thiểu 3 năm, đến thời điểm này Tam Đảo Mới mới nắm giữ được 2 năm, nên tất cả chỉ là thỏa thuận cam kết để lấy lại, chứ chưa thể hoàn thành về mặt thủ tục được.
Bê tông - Thép Ninh Bình có vốn điều lệ hơn 11 tỷ đồng, mức giá 45 tỷ đồng cho 51% vốn điều lệ liệu có hợp lý?
Ông Quân đang bị truy nã. Chúng tôi không còn giải pháp nào khả thi, nên phải chấp nhận chịu thiệt để có thể đòi nợ được. Người ta đang nợ mình, lấy được cái gì cũng là tốt hơn so với việc không lấy được gì cả. Còn về mức giá 45 tỷ đồng cho số cổ phần trên thì đây là kết quả của quá trình thương lượng. Nếu không đồng ý mức giá đó, họ không chấp nhận thỏa thuận cho chúng tôi lấy cổ phần về.
Theo Hanic thì ông Quân vẫn còn nhiều tài sản khác là bất động sản. Công ty có siết nợ các tài sản đó?
Thực ra, những tài sản mà chúng tôi biết được đều là qua thông tin Công ty tự tìm hiểu mà ra, chứ chúng tôi cũng chưa tiếp cận được sổ sách, giấy tờ, nên việc giải quyết thu hồi nợ rất khó khăn. Hanic đã nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị, kêu cứu đi các nơi, nhưng rất hiếm và gần như chưa được xem xét giải quyết. Chúng tôi không rõ tại sao cơ quan có chức năng, có công cụ trong tay mà không vào cuộc hỗ trợ Công ty thu hồi nợ.
Khó khăn chồng chất, với tư cách là Chủ tịch HĐQT, ông có hướng đi nào để giúp Công ty tạo doanh thu không?
Thú thực là rất khó khăn. Với thực trạng Công ty như hiện tại, việc tiếp cận nguồn vốn gần như không thể, mà không có vốn thì không thể làm gì được. Những gì Ban lãnh đạo Công ty đang làm chỉ dựa vào niềm tin và hy vọng là công lý sẽ được thực thi.