Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiến nghị không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiến nghị không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là kiến nghị của ông Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND thành phố Hà Nội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” mới đây.

Theo đó, ông Trần Sỹ Thanh đề nghị các bộ, ngành trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở... có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chuyển tiếp đối với trường hợp các dự án đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5.000.

Thành phố cũng kiến nghị ban hành quy định riêng rút ngắn trình tự, thủ tục, thời gian lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, người dân được hỗ trợ chính sách về nhà ở xã hội; có cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho thuê đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước...

Phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiến nghị cần có chính sách xã hội về nhà ở, thống nhất chỉ có một loại là nhà (không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại) theo chất lượng của Bộ Xây dựng quy định để người dân được tiếp cận như nhau về chất lượng và dịch vụ.

Theo ông Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, địa phương đã có 30 dự án hoàn thành, với khoảng 1,66 triệu m2 sàn; 58 dự án đang triển khai với khoảng 4 triệu m2 sàn, 60.480 căn hộ. Có 83 ô đất có tổng quy mô sử dụng đất khoảng 43,58 ha tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20%, 25% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Nhằm đáp ứng chỉ tiêu đã được giao tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ và triển khai đầu tư nhà ở xã hội sau năm 2030, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo lập, phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) với khoảng 1 triệu m2 sàn, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Thành phố cũng rà soát, bổ sung khoảng 15 khu đất mới có quy mô lớn để đầu tư xây dựng các dự án khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (khoảng 2.000 căn hộ/khu), trong đó tập trung bố trí 2-3 khu đất xây dựng nhà ở công nhân tại khu vực gần các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nguồn cung bất động sản còn tương đối khan hiếm, sản phẩm bất động sản nhà ở mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước. Phân khúc nhà chung cư chủ yếu được chào bán là phân khúc trung và cao cấp, phân khúc bình dân hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Tiến độ triển khai các dự án bất động sản chậm…

Trong khi đó, quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của thành phố. Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nhà ở xã hội trong các khu nhà ở xã hội tập trung rất thấp so với quy mô các dự án do bị khống chế về quy mô dân số. Việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân còn chậm. Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn. Trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian…

Trước đó, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều cơ chế để phát triển nhà ở xã hội (NƠXH). Theo đó, Luật đã dành riêng Điều 30 để quy định về vấn đề phát triển nhà ở nói chung và NƠXH nói riêng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Luật sửa đổi đã có nhiều cơ chế thông thoáng hơn để thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển, như tại khoản 5 Điều 30 có quy định chi tiết về việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND và UBND thành phố trong việc điều chỉnh quy hoạch tạo quỹ đất cho phát triển NƠXH.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định việc chủ động bố trí kinh phí ngân sách lập quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư; bố trí thay thế quỹ đất xây dựng NƠXH tương đương vào trong các khu NƠXH trên địa bàn đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha đến dưới 10 ha khi doanh nghiệp nộp số tiền tương ứng với quỹ đất 20% vào Quỹ đầu tư phát triển thành phố để phát triển NƠXH.

Việc phân cấp, phân quyền HĐND và UBND thành phố trong việc điều chỉnh quy hoạch tạo quỹ đất giúp tạo nền tảng phát triển nhà xã hội. Đây là một trong những điểm mới mang tính đột phá, bởi trước đây, quy trình phải xin từ trung ương đến địa phương rất phức tạp.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các cấp chính quyền thành phố phải quyết liệt và thực hiện những chỉ tiêu mang tính pháp lệnh, triển khai các dự án đồng bộ thì quy định mới thực sự đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả.

Tin bài liên quan