Theo hồ sơ vụ án, Trần Anh Tuấn thành lập CTCP Xuất nhập khẩu An Dương (An Dương) có trụ sở tại nhà B3 Khu đô thị Mỹ Đình I (huyện Từ Liêm), thời gian đầu, Tuấn vừa làm Chủ tịch HĐQT, vừa làm Tổng giám đốc, sau đó, Tuấn thuê Đào Viết Bình làm Giám đốc.
Ngoài ra, Tuấn còn thành lập các pháp nhân khác gồm CTCP Xuất nhập khẩu Hương Giang (Hương Giang), thuê Trần Xuân Tiến làm Giám đốc; CTCP Xuất nhập khẩu ô tô Tây Hà Nội (Tây Hà Nội), thuê Trần Văn Lợi làm Giám đốc; CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Tuấn Hùng (Tuấn Hùng), thuê Kiều Văn Tài làm Giám đốc.
Khi mới thành lập, DN của Tuấn có mua bán xe ô tô, nhưng sau đó, do khó khăn, không có tiền trả nợ nên Tuấn bán khống và báo giá thấp hơn giá thị trường để câu khách.
Cụ thể, tháng 7/2011, Công ty Tuấn Thành có nhu cầu mua xe của Công ty An Dương, dù không có ô tô nhưng Trần Anh Tuấn vẫn ký hợp đồng bán cho công ty này 2 ô tô Huyndai Universe Luxury 45 chỗ với giá 1,9 tỷ đồng/xe. Công ty Tuấn Thành đã giao 2,49 tỷ đồng, nhưng không thấy Công ty An Dương giao xe, sau nhiều lần đòi xe không được, Công ty Tuấn Thành đã có đơn tố cáo.
Cùng với thủ đoạn bán xe khống, Trần Anh Tuấn đã lừa đảo chiếm đoạt của 8 DN, 1 tổ chức và 1 cá nhân, với tổng số tiền 6,58 tỷ đồng.
Trong số những DN, tổ chức cá nhân dính líu đến vụ án này có Ngân hàng Bắc Á. Ngân hàng Bắc Á - Chi nhánh Thăng Long đã cho các công ty của Tuấn vay 3 lần.
Lần thứ nhất, tháng 8/2010, Bắc Á cho Công ty Tuấn Hùng vay 2 tỷ đồng, tài sản bảo đảm là giấy tờ xe ô tô Huyndai Universe 47 chỗ, 3 xe ô tô Huyndai HD120. Sau khi vay được tiền, Tuấn đã đem bán chiếc xe 47 chỗ cho một DN tư nhân ở Cần Thơ. Đến nay, giấy tờ xe thì Ngân hàng giữ, nhưng chiếc xe lại do DN này giữ.
Lần thứ hai, tháng 10/2010, Tuấn chỉ đạo Trần Văn Lợi ký hợp đồng tín dụng với Bắc Á vay 450 triệu đồng, tài sản thế chấp là xe ô tô Huyndai HD120. Tuấn không nói đã bán chiếc xe này cho DN Bảo Sơn, mà còn dẫn cán bộ Ngân hàng đến nơi DN Bảo Sơn gửi xe và khẳng định đó là xe của Công ty Tây Hà Nội. Do DN Bảo Sơn chưa thực hiện việc sang tên nên Tuấn vẫn còn giữ giấy tờ xe và đem thế chấp cho Bắc Á. Đến nay, Tuấn đã trả được một phần khoản vay và còn chiếm đoạt 296 triệu đồng.
Lần thứ ba, Bắc Á cho Công ty Hương Giang vay 1,7 tỷ đồng, tài sản thế chấp là giấy tờ 3 xe Huyndai HD120. Quá trình vay vốn, công ty này đã trả bớt và còn nợ lại 661,5 triệu đồng; Ngân hàng giải chấp 2 xe và còn giữ lại 1 xe. Tuy nhiên, do cần tiền, Tuấn đã đem xe này đi cầm cố, vay 500 triệu đồng. Chiếc xe này còn được Tuấn sử dụng trong phi vụ lừa đảo khác.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Bắc Á không đồng tình đối với một số nội dung. Với hợp đồng tín dụng 450 triệu đồng ký với Công ty Tây Hà Nội, tài sản thế chấp là chiếc xe mà trước đó đã bán cho DN Bảo Sơn, đại diện Bắc Á cho rằng, thực tế là DN Bảo Sơn mua xe của Công ty An Dương, xe đã giao, hợp đồng đã thanh lý, nhưng sau đó xe hỏng nên Công ty An Dương phải đổi xe khác. Chiếc xe đem đổi là của Công ty Tây Hà Nội và đã được thế chấp tại Bắc Á. Do chiếc xe là của Công ty Tây Hà Nội, DN Bảo Sơn chưa đăng ký sang tên xe, Bắc Á đã nhận thế chấp theo đúng quy định pháp luật, nên người bị lừa không phải là Bắc Á, mà là DN Bảo Sơn. Bắc Á đề nghị tách nội dung này để giải quyết bằng vụ án kinh tế, dân sự, vì Bắc Á cho Công ty Tây Hà Nội vay, chứ không phải cho các bị cáo trong vụ án này vay tiền. Trước đề nghị của Bắc Á, đại diện Viện kiểm sát đã rút lại quan điểm đối với khoản tiền này.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử tuyên phạt: tù chung thân đối với Trần Anh Tuấn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 bị cáo còn lại mỗi người 12 năm tù giam.