Chủ tịch GELEX: “Chúng tôi cũng rất bất ngờ khi cổ phiếu GEX lại được quan tâm đến như vậy”

(ĐTCK) Ngày 25/12/2015, cổ phiếu GEX của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (GELEX, hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM) đã có phiên khớp lệnh kỷ lục, với khối lượng lên tới trên 122 triệu đơn vị. 

 Ông Nguyễn Hoa Cương

Ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch HĐQT GELEX cho biết, Tổng công ty rất bất ngờ với kết quả này và hy vọng NĐT mới sẽ hỗ trợ GELEX nâng cao năng lực hoạt động trong thời gian tới. 

Chỉ trong 1 phiên giao dịch, Bộ Công thương đã hoàn tất việc bán hơn 122 triệu cổ phiếu ra thị trường thông qua hình thức khớp lệnh, với tổng giá trị lên tới trên 2.100 tỷ đồng. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?

Thực sự là chúng tôi rất bất ngờ, không nghĩ là cổ phiếu của Tổng công ty lại được thị trường quan tâm đến vậy. Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công thương trước đó ít ngày, ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Công Thương còn cho rằng, với mức giá 17.600 đồng/cổ phiếu mà đơn vị thẩm định giá độc lập đưa ra, việc thoái vốn có thể khá khó khăn.

Trong khi đó, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, việc thoái vốn nhà nước tại GELEX phải được hoàn thành trước khi kết thúc quý I/2016. Chúng tôi cũng cảm thấy khó khăn, vì trước đó, tháng 12/2010, khi thực hiện cổ phần hóa lần đầu Tổng công ty, tổng số cổ phần chào bán thành công chỉ đạt khoảng 13% vốn điều lệ trên tổng số cổ phần được chào bán ra thị trường là 25% vốn điều lệ. Sau 5 năm, tại phiên giao dịch ngày 25/12/2015, cổ phiếu của GELEX lại được NĐT rất quan tâm, do vậy Bộ Công thương đã nhanh chóng thực hiện thành công việc thoái hơn 122 triệu cổ phần GEX. 

Vậy vì sao thoái vốn tại GELEX lại thực hiện bằng hình thức khớp lệnh trên sàn, mà không phải thông qua thỏa thuận?

Được Bộ Công thương giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện, quan điểm của chúng tôi khi thực hiện thoái vốn là đúng trình tự, quy định, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Công thương về vấn đề này. Ngay khi có chủ trương thoái vốn của Bộ Công thương, chúng tôi đã đề xuất và trình Bộ phê duyệt phương án chọn 2 đơn vị tư vấn là Tư vấn thẩm định giá và Tư vấn lập phương án thoái vốn trước khi triển khai thực hiện.

Trong phương án đã được phê duyệt, việc thoái vốn nhà nước tại GELEX được phép thực hiện với 2 phương thức là: thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn. Thế nhưng, cho đến trước thời điểm thực hiện thoái vốn, không có bất cứ văn bản đề xuất nào về việc giao dịch thỏa thuận được gửi đến từ phía các NĐT lớn. Còn đối với các NĐT nhỏ, thì mọi thông tin có liên quan đều được công bố rất minh bạch trên trang web của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK Hà Nội và Tổng công ty. Vì thế, chúng tôi chọn phương án thoái vốn bằng phương thức khớp lệnh trên sàn, vừa minh bạch, vừa giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tạo điều kiện cho tất cả các NĐT quan tâm đến cổ phiếu GEX.

Tôi cũng cho rằng, nếu bán bằng phương thức thỏa thuận thì cũng là một phương án tốt, bởi khi đó, Tổng công ty có thể có đối tác mạnh giúp củng cố năng lực tài chính, quản trị…, giúp hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Bán theo phương thức khớp lệnh trên sàn thì có thể cổ phiếu bị xé lẻ. Đến thời điểm này, chúng tôi cũng vẫn chưa biết được danh tính của những NĐT lớn đã mua cổ phiếu GEX vì chưa nhận được nội dung công bố thông tin có liên quan. Chúng tôi luôn sẵn sàng chào đón và hợp tác với tất cả cổ đông hoặc nhóm cổ đông đã quan tâm đầu tư một số lượng lớn cổ phiếu GEX.

Tuy nhiên, thông qua sự kiện này, chúng ta cũng thấy được sức hấp dẫn và mức độ quan tâm của thị trường với cổ phiếu của Tổng công ty.

Vậy theo ông, điều gì tạo nên sự khác biệt của GELEX thời điểm hiện tại với 5 năm trước?

Tôi cho rằng, có nhiều yếu tố, nhưng có 2 yếu tố quan trọng nhất. Một là, thời điểm năm 2010, khi cổ phần hóa lần đầu Tổng công ty, thị trường đang ở giai đoạn rất khó khăn, nên NĐT không hào hứng. Còn thời gian vừa qua, TTCK gặp thuận lợi cũng là yếu tố quan trọng giúp tăng sự chú ý của NĐT tới các đợt thoái vốn tại các DNNN.

Hai là sự thay đổi và phát triển của doanh nghiệp. Sau khi cổ phần hóa, song song với việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty, chúng tôi cũng tập trung phát triển hình ảnh thương hiệu, coi đây là một yếu tố quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường. Hiện tại, Tổng công ty đang sở hữu các thương hiệu đứng đầu thị trường trong nước ở nhiều lĩnh vực như: công tơ điện EMIC; dây cáp điện CADIVI, VINAKIP; biến thế điện THIBIDI, HEM… Thương hiệu GELEX tuy mới, nhưng hiện nay đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Thêm vào đó, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần cũng đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi tư duy của người lao động tại Tổng công ty. Trong 5 năm qua, cho dù cổ đông nhà nước là Bộ Công thương vẫn nắm cổ phần chi phối, nhưng chúng tôi đã loại bỏ hoàn toàn tư tưởng bao cấp, hướng đến tính hiệu quả và có chính sách đãi ngộ nhân sự phù hợp với hiệu quả lao động.

Với vai trò là người lãnh đạo doanh nghiệp, tôi có thể khẳng định, cổ phần hóa là chủ trương đúng đắn của Chính phủ và là động lực phát triển của GELEX trong thời gian vừa qua, là tiền đề giúp Tổng công ty luôn đạt được mục tiêu tăng trưởng về quy mô, hiệu quả kinh doanh, duy trì cổ tức tốt cho cổ đông.

Ngoài các yếu tố trên, GELEX luôn minh bạch trong công tác công bố thông tin và tình hình tài chính của Tổng công ty cũng rất lành mạnh. Tôi cho rằng, trong xu hướng NĐT ngày một quan tâm đến chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, thì việc một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bài bản, có vị thế trên thị trường, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận các năm tốt, chất lượng tài sản cao và minh bạch… sẽ là lựa chọn được ưu tiên.

Về kế hoạch thoái vốn các công ty con thì sao, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, Ban lãnh đạo GELEX vẫn chờ đợi kết quả thay đổi sở hữu của cổ đông tại Tổng công ty sau thoái vốn nhà nước. Đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa biết sẽ có cổ đông lớn nào, mong muốn của các cổ đông mới như thế nào, nên việc đưa ra các phương án chi tiết giai đoạn tới là khó khả thi.

Tin bài liên quan