Chủ tịch Tập đoàn FPT - ông Trương Gia Bình trình bày tham luận về vai trò của công nghệ và AI với thị trường chứng khoán. (Ảnh: VGP) |
Mở đầu bài tham luận, ông Trương Gia Bình gửi lời tri ân đến Chính phủ, Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã cho FPT có 100 ngày "giải cứu" sàn HOSE sau sự kiện nghẽn lệnh của sàn chứng khoán hồi giữa năm 2021.
"Không biết có phải sự kiện 100 ngày "giải cứu" đó khiến mọi người đã nhìn nhận lại về FPT hay không nhưng từ ngày đó, cổ phiếu FPT liên tục tăng trưởng", ông Bình chia sẻ.
Câu chuyện của Chủ tịch FPT nhằm minh chứng cho luận điểm của ông về việc công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Điều đó đặc biệt đúng trong bối cảnh Đảng, Nhà nước Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thành công về chính sách ngoại giao cây tre. "Chỉ có Việt Nam mới có quan hệ ngoại giao cao nhất với cả Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ... Cùng với những điều kiện kinh doanh tự do, được ưu tiên, ưu đãi, đây là cơ hội rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong hợp tác, làm việc", ông Bình nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh vị thế của Việt Nam như vậy, Chủ tịch FPT nói rằng, ông có cảm giác thị trường chứng khoán của chúng ta, dù làm rất tốt trong nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa xứng đáng với vị thế.
"Thị trường chứng khoán của Việt Nam phải lên một tầm nữa, tương đương với tất cả các thị trường chứng khoán của các nền kinh tế thị trường lớn. Các thị trường chứng khoán lớn có năng lực gì, tác nghiệp gì thì ta cũng phải làm được, như: bán trước mua sau, thanh toán bù trừ, hay là việc AI tham gia vào giao dịch chứng khoán (ở Mỹ đã áp dụng năm 2016, ở Nhật Bản năm 2018 và mới triển khai ở Thái Lan...", ông Bình nói và nêu quan điểm, điều này phụ thuộc vào chính chúng ta. Trong đó, việc quan trọng cần làm ngay là phải nâng cấp thị trường của chúng ta lên thị trường mới nổi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (ngoài cùng bên trái) trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị - Ảnh: Trọng Hiếu |
Riêng về công nghệ, lãnh đạo FPT cho hay, công nghệ có 3 từ lớn là D (Digital: Số) - G (Green: Xanh) - I (trong từ AI: Artifical Intelligence: Trí tuệ nhân tạo).
Về chữ D (gắn với quá trình số hoá, chuyển đổi số): Ở Thái Lan, Bộ Tài chính nắm rất chắc công ty nào đầu tư vào công ty nào, sau đó công ty nào tiếp tục đầu tư vào công ty nào. Quan hệ sở hữu minh bạch như vậy sẽ phát triển được rất nhiều điều. Cái này chúng ta đang làm rồi, Đề án 06 có quá nhiều dữ liệu, vấn đề là làm sao để chữ D của chúng ta minh bạch và có đẳng cấp như tất cả các nước.
Về chữ G (chuyển đổi xanh): Thế giới bước vào giai đoạn không chuyển đổi xanh không được, vì không làm thì không xuất khẩu được, không làm kế toán carbon thì bị đánh thuế carbon... Chúng ta hiểu chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là cặp bài trùng. Nếu làm được chúng ta mới có vốn xanh, trái phiếu xanh, tài chính xanh và đó là nguồn khổng lồ để kinh tế chúng ta phát triển và cũng là để Việt Nam hòa nhập với thế giới.
Chữ cuối cùng mới là quan trọng I (trí tuệ nhân tạo). Đó là tương lai, AI ảnh hưởng đến kinh tế, đến chứng khoán quá lớn. Chúng ta có thể bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân nhiều lần bằng cách chống gian lận thông qua AI.
Theo Chủ tịch FPT, Việt Nam có tiềm năng về cả D, G, I, vấn đề là chúng ta có sử dụng tiềm năng công nghệ của đất nước cho phát triển nền kinh tế không.
Kết thúc bài phát biểu, ông Trương Gia Bình cho biết, với tư cách một công ty niêm yết, FPT cảm ơn thị trường chứng khoán vì có nhờ niêm yết trên thị trường, FPT mới dễ làm việc với các tập đoàn lớn trên thế giới.
"FPT hứa sẽ đem nỗ lực của mình cũng như công nghệ tốt nhất để phục vụ sự phát triển của thị trường chứng khoán, phát triển nền kinh tế và phục vụ các doanh nghiệp nói chung", ông Bình nói.