Theo đó, ông Bình mong muốn sẽ đồng hành cùng với NVIDIA đưa Việt Nam thành cứ điểm thu hút nhân tài AI và bán dẫn trên khắp thế giới để góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính...
Lĩnh vực chip bán dẫn, AI được FPT xem là những hướng đi trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, FPT tập trung đẩy mạnh lĩnh vực này theo các hướng: đầu tư, nghiên cứu, phát triển nền tảng, giải pháp; hợp tác với các tổ chức, Tập đoàn hàng đầu thế giới; đào tạo nhân lực...
Hiện trong lĩnh vực AI, FPT đã và đang đầu tư mạnh mẽ ở các góc độ: con người, cơ sở hạ tầng, dữ liệu và nghiên cứu. FPT đã gia nhập liên minh AI thế giới do IBM và Meta khởi xướng, thiết lập các chiến lược nghiên cứu với Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới – Mila, trở thành nhà đầu tư vào Landing AI…. FPT cũng đã có những sản phẩm trí tuệ nhân tạo có hàng triệu người dùng trên quy mô toàn cầu.
Trong lĩnh vực bán dẫn, đến nay, sản phẩm chip nguồn của FPT đã qua giai đoạn nghiên cứu phát triển, đến giai đoạn sản xuất hàng loạt. FPT đã nhận được 70 triệu đơn hàng chip trên toàn thế giới cho đến năm 2025. Công ty cũng đang tập trung thúc đẩy đào tạo 10.000 nhân lực thông qua việc hợp tác chiến lược với Silvaco (Mỹ); hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ TreSemi thành lập Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam; hợp tác với tổ chức giáo dục Pearson Vương Quốc Anh ký kết chuyển giao chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn về Việt Nam. Đồng thời, Tổ chức Giáo dục FPT cũng đã thành lập Khoa Vi mạch bán dẫn, dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc FPT, quy mô thị trường Công nghệ Điện tử toàn cầu được định giá hơn 3.454 tỷ USD năm 2022, dự báo đạt hơn 4.986 tỷ USD vào năm 2030. Bộ Công Thương thống kê tổng kim ngạch xuất khẩu công nghiệp điện tử năm 2022 đạt hơn 114 tỷ USD, đứng đầu trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm hơn 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Từ đó, ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định: “Ngành Công nghiệp điện tử đang phát triển lớn mạnh - là đầu ra cho con chip. Vì vậy Phát triển vi mạch bán dẫn phải gắn liền với công nghiệp điện tử”.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc FPT nhấn mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số, cần đi song song: Phát triển phần cứng và phần mềm, làm chủ công nghệ lõi trong đó có chip bán dẫn. Để Việt Nam làm chủ chip bán dẫn, ông Nguyễn Văn Khoa chỉ ra doanh nghiệp công nghệ có lợi thế để vươn lên trong ngành vi mạch bán dẫn; Đó là: Chính sách ngoại giao cởi mở; Ưu thế về Địa chính trị; Nguồn nhân lực trẻ và tài năng.
Đặt ra câu hỏi: Đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam nên tập trung vào đâu? Ông Nguyễn Văn Khoa chỉ ra lộ trình 3 giai đoạn: Ngắn hạn: Thiết kế, đóng gói, kiểm thử; Trung hạn: Sản xuất; Dài hạn: làm chủ công nghệ lõi.