Ông Doãn Văn Phương

Ông Doãn Văn Phương

Chủ tịch FLCS: TTCK đang đứng trước cơ hội lớn

(ĐTCK) "Tôi nhớ có ý kiến nói rằng, làm chứng khoán phải chấp nhận kiếm củi một giờ… đốt 3 năm. Dù thị trường vẫn còn nhiều cạm bẫy, nhưng tôi cho rằng, chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn như vậy".

Với quan điểm TTCK đang đứng trước cơ hội lớn, CTCP Chứng khoán FLC (FLCS) đang nỗ lực tái cơ cấu, đầu tư đổi mới toàn diện để có thể sớm đạt được mục tiêu trở thành top 5 CTCK có thị phần môi giới, tư vấn tài chính lớn nhất.

Thông tin hạ trần lãi suất huy động về mức 9%/năm đang được nhiều NĐT quan tâm. Ông đánh giá như thế nào về tác động của chính sách này tới TTCK?

Tôi cho rằng, trong ngắn hạn thị trường có thể có những phản ứng khác nhau, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố vĩ mô, vi mô khác. Tuy nhiên, xét trong cả quá trình dài hạn, hạ lãi suất là một động thái quan trọng giúp TTCK tăng trưởng tốt.

Trước hết, việc giảm lãi suất huy động sẽ dần làm giảm lãi suất vốn vay của DN, từ đó giúp tăng hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế. Tăng hiệu quả kinh doanh của DN nói chung, DN niêm yết nói riêng sẽ là nền tảng quan trọng, giúp thị trường tăng điểm do chất lượng hàng hóa là các cổ phiếu được tăng lên.

Điểm thứ hai đáng chú ý là, khi lãi suất hạ, dòng tiền chuyển dịch vào chứng khoán sẽ có xu hướng tăng lên. Như chúng ta đã biết, trong năm nay, các kênh đầu tư như vàng, bất động sản, ngoại tệ trở nên kém hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm hay đầu tư chứng khoán. Nay, trần lãi suất huy động về chỉ còn 9%/năm, khiến tiết kiệm không hẳn là hấp dẫn nữa. Vì thế, sức hấp dẫn của kênh đầu tư vào chứng khoán sẽ gia tăng.

 

Với vai trò là người đứng đầu CTCK, ông đã có sự chuẩn bị cho cơ hội thị trường này?

Tôi nhớ có ý kiến nói rằng, làm chứng khoán phải chấp nhận kiếm củi một giờ… đốt 3 năm. Dù thị trường vẫn còn nhiều cạm bẫy, nhưng tôi cho rằng, chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn như vậy. Đó là cơ hội cho NĐT được tham gia vào thị trường ở giai đoạn hồi phục mạnh mẽ, cơ hội cho CTCK mở rộng hoạt động kinh doanh.

Về phía FLCS, từ năm 2011, chúng tôi đã xác định phải thực hiện đẩy mạnh việc tái cơ cấu chính mình và tăng đầu tư vào con người, lĩnh vực phát triển công nghệ, sản phẩm, để thu hút khách hàng. Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2015 sẽ trở thành 1 trong 5 CTCK có thị phần môi giới và tư vấn tài chính lớn nhất.

  Chủ tịch FLCS: TTCK đang đứng trước cơ hội lớn ảnh 1

Vậy FLCS sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đó, thưa ông?

Như đã nói ở trên, chúng tôi xác định con người, công nghệ, sản phẩm tài chính sẽ là 3 yếu tố để thúc đẩy phát triển của FLCS.

Về con người, hiện tại, chúng tôi vẫn đang trong quá trình thu hút nhân tài và kiện toàn bộ máy nhân sự. Chứng khoán là đỉnh cao của tài chính và CTCK cũng là nhà cung cấp dịch vụ, nên con người phải là yếu tố quyết định. Xác định như vậy nên ở FLCS, chúng tôi luôn đặt yếu tố con người lên cao nhất.

Về vấn đề công nghệ, ngay từ khi mới thành lập, FLCS (tiền thân là CTCK Artex) đã chủ trương sử dụng công nghệ như một công cụ đắc lực để hỗ trợ khách hàng. Chúng tôi tự hào là một trong những CTCK cung cấp cho khách hàng một số dịch vụ trực tuyến như: bán lô lẻ online, hợp tác đầu tư online… bảo mật bằng tin nhắn SMS (tiện ích, tiết kiệm chi phí và độ bảo mật cao cho NĐT)

Hiện tại, FLCS đang tiến hành ký hợp đồng hợp tác với 1 đối tác cung cấp phần mềm lõi chứng khoán với đầy đủ các tính năng hiện đại. Theo đó, sản phẩm này sẽ đáp ứng được cả yêu cầu cho việc triển khai các sản phẩm dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại của các NĐT mà cả các công cụ phái sinh như TTCK đang triển khai. Chúng tôi xác định việc đầu tư công nghệ hiện đại nhằm đón đầu xu hướng phát triển của TTCK Việt Nam trong tương lai.

 

Nhưng cạnh tranh trong lĩnh vực chứng khoán đang diễn ra khá gay gắt và rủi ro hoạt động CTCK là không nhỏ. FLCS sẽ làm gì để đối mặt với cả 2 thách thức trên?

TTCK Việt Nam trong thời kỳ phát triển và cũng trải qua các bước phát triển như các TTCK lâu đời khác nên không tránh khỏi những giai đoạn như hiện nay. Vì vậy tương lai của TTCK chắc chắn còn nhiều cơ hội cho các NĐT, doanh nghiệp niêm yết và đặc biệt các định chế tài chính trung gian như CTCK. Hiện nay, dân số Việt Nam ước khoảng 88 triệu người (2012), nhưng hiện mới chỉ có hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán. Do đó, dư địa phát triển NĐT trong nước còn rất lớn, chưa nói đến các NĐT tiềm năng nước ngoài đang quan tâm đến các TTCK mới nổi như Việt Nam.

UBCK đã và đang tái cấu trúc TTCK và đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về việc quản lý hoạt động của các CTCK. Việc này dần khiến cho sự cạnh tranh giữa các CTCK trở nên lành mạnh. Để cạnh tranh trong giai đoạn sắp tới, FLCS tập trung cạnh tranh về công nghệ và con người. Theo tôi, công nghệ hiện đại và sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhân sự sẽ là yếu tố đem đến thành công cho FLCS trong tương lai.

Về chiến lược chúng tôi sẽ tập trung vào phát triển Mass market (thị trường bán lẻ). Đây là nguồn khách hàng dồi dào, ổn định của CTCK. Việc thành công trên thị trường bán lẻ cũng là một cách quản bá thương hiệu nhanh chóng mà FLCS đang hướng đến.

Để hướng tới sự phát triển bền vững, chúng tôi nhìn nhận quản trị rủi ro CTCK là vấn đề sống còn. Rất nhiều CTCK đã phải trả giá cho những bài học từ quản trị rủi ro kém.Việc đầu tư phần mềm hiện đại có phân hệ quản trị rủi ro tiên tiến theo chuẩn quốc tế mà chúng tôi đang làm sẽ không chỉ quản trị rủi ro cho khách hàng, mà còn cho chính CTCK bằng các hệ thống cảnh bảo, quy trình quản trị rủi ro đối ứng với tất cả các nghiệp vụ.

Ngoài ra, sắp tới chúng tôi cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 300 tỷ đồng để đủ điều kiện thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành.