Chủ tịch FLC: “NĐT thông minh sẽ không bỏ quyền mua FLC”

Chủ tịch FLC: “NĐT thông minh sẽ không bỏ quyền mua FLC”

(ĐTCK) “Trong đầu tư, quan trọng nhất là bỏ vốn vào nơi nào có khả năng sinh lời. Và tôi tin, đó là lý do đợt tăng vốn này của FLC sẽ thành công”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC tự tin nhận xét về khả năng tăng vốn thành công lần này. Cũng trong cuộc trao đổi với ĐTCK, ông còn bật mí luôn những phương án giúp FLC đạt được mục tiêu đã đặt ra trong thời gian qua.

Thưa ông, trong thời gian qua, FLC liên tục làm việc và ký kết với đối tác trong và ngoài nước trong việc hợp tác đầu tư và tài trợ vốn kinh doanh. Dường như, FLC không chỉ muốn trở thành một tập đoàn lớn trong nước, mà đang muốn “mang chuông đi đánh xứ người”?

Tôi nghĩ là nhà báo nghĩ xa quá thôi. “Mang chuông đi đánh xứ người” của FLC không phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu thời điểm này, mà với chúng tôi, làm gì có lợi cho cổ đông, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ làm. Và trong quá trình mình nỗ lực làm như vậy, việc tiếp xúc, làm việc với các đối tác nước ngoài là điều bình thường, vì dù là NĐT trong hay ngoài nước, thì mục tiêu chung nhất vẫn là tìm được cơ hội đầu tư tốt cho đồng vốn của mình.

Từ đầu năm tới nay, FLC đã ký thỏa thuận với BIDV, Vietinbank và sau đó là đến GEM để tài trợ vốn dự án cũng như các hợp đồng mua cổ phần. Nhiều đối tác về vốn như vậy, vậy tại sao Tập đoàn vẫn thực hiện phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu?

Khi ký với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Thanh Xuân, mục đích của FLC là hỗ trợ nhu cầu vốn tín dụng cho các khách hàng quan tâm đến sản phẩm dự án của Tập đoàn sẽ triển khai. Đây là cơ sở để giúp chúng tôi dễ dàng hơn trong công tác bán hàng và thu tiền khách hàng. Tất nhiên, đến thời điểm này, việc bán hàng cho các dự án nói trên dù chưa mở bán, nhưng đã ghi nhận được lượng cầu rất lớn, nhưng quan điểm của FLC là luôn nghĩ cho khách hàng, nên việc chuẩn bị mọi thứ khách hàng có thể cần là điều cần thiết.

Với thỏa thuận hợp tác với Vietinbank, đây là một trong những bước đi chiến lược của chúng tôi nhằm đảm bảo tài trợ đầy đủ nhu cầu vốn của các dự án đã và đang triển khai. Tuy nhiên, với Vietinbank, đó vẫn là phương án huy động vốn vay. Mà đã là vốn vay, thì bao giờ cũng có những yêu cầu về tỷ lệ an toàn ví dụ như tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu không được quá cao, và tiềm ẩn một số rủi ro, đặc biệt là rủi ro lãi suất.

Vì thế, việc phát hành cho cổ đông hiện hữu hay ký hợp tác đầu tư với các quỹ của GEM là điều cần thiết, vừa để đảm bảo tăng tính chủ động trong quản lý tài chính doanh nghiệp, vừa là để bảo vệ quyền lợi cổ đông nữa.

Ông nói đến vấn đề bảo vệ quyền lợi cổ đông bằng phát hành tăng vốn, nhưng dường như NĐT chỉ nghĩ đến áp lực nộp tiền thôi. Ông nghĩ sao về điều này?

Có 2 điểm lớn mà tôi cho rằng, việc ưu tiên phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là bảo vệ quyền lợi của cổ đông. Trước hết, đó là vì tương lai của doanh nghiệp.

Như tôi đã nói ở trên, khi doanh nghiệp chủ động được nguồn vốn, hệ số vay nợ ở mức vừa phải thì đương nhiên, rủi ro sẽ hạn chế được rất nhiều. Trong quá khứ, chúng ta đã từng thấy lãi suất thay đổi mạnh như thế nào, gây tổn thương, thậm chí là giết chết các doanh nghiệp sử dụng vốn vay lớn ra sao và không có gì đảm bảo chắc chắn kịch bản đó không lặp lại. FLC đang nắm trong tay và có cơ hội là tiếp cận danh mục dự án lớn, đánh giá hiệu quả khả thi cao. Nhìn thấy cơ hội mà không làm thì không phải là kinh doanh, nhưng rõ ràng, kinh doanh cũng cần phải có “lực” và phải đảm bảo mức độ an toàn nhất định. Tăng vốn cho cổ đông giải quyết vấn đề này.

Đó là câu chuyện dài hạn, còn trong ngắn hạn, với những cổ đông ưa lướt sóng thì tôi cho rằng mua cổ phiếu FLC hoàn toàn không phải là một phương án tồi.

Với mức thanh khoản như hiện nay cũng như tỷ lệ chiết khấu khoảng hơn 30% giữa thị giá và giá phát hành, trong khi những người được hưởng quyền về cơ bản đều đã có lãi ngay ngày giao dịch không hưởng quyền, thì việc mua thêm cổ phiếu FLC là việc cổ đông được hưởng lợi đấy chứ!

Đấy là quan điểm của ông. Còn thị trường vẫn nhớ rất kỹ đợt sụt giảm mạnh giá cổ phiếu FLC về sâu dưới mệnh giá ngay sau khi niêm yết bổ sung. Nếu điều này lặp lại, ai dám đầu tư mua cổ phiếu phát hành thêm của FLC chứ?

Tôi nghĩ rằng, đó hoàn toàn là rủi ro mang tính hệ thống, chứ không phải câu chuyện của FLC. Đầu tháng 5, sự kiện biển Đông khiến hàng loạt cổ phiếu sụt giảm mạnh, và FLC đương nhiên không nằm ngoài diễn biến chung đó. Tuy nhiên, ngay sau khi TTCK trở nên “miễn nhiễm” với thông tin biển Đông, thì cổ phiếu FLC đã quay đầu trở lại rất mạnh mẽ. Còn lần này, tôi chưa tin nhìn thấy một nguy cơ nào về rủi ro hệ thống đó, nên tôi tin rằng, cổ đông hưởng quyền vẫn sẽ được hưởng lợi từ thị trường.

Trong cuộc tổng kết năm 2013 và triển khai kế hoạch kinh doanh năm  2014, khi các cán bộ - công nhân viên hỏi về việc nên đầu tư vào FLC không, câu trả lời của tôi là có, bản thân tôi, khi có thêm tiền đầu tư, tôi cũng mua cổ phiếu FLC. Mọi hoạt động đầu tư đều chịu một rủi ro chung là rủi ro hệ thống, bên cạnh các rủi ro khác nữa theo đặc thù từng loại hình doanh nghiệp. Nhưng với cổ phiếu FLC, Tập đoàn không có rủi ro về mặt tài chính như nợ xấu, mất thanh khoản, chi trả cổ tức năm sau cao hơn năm trước, và đặc biệt, những người làm tại FLC là những người hiểu rõ về FLC nhất, thì tại sao lại không mua FLC mà đi tìm cơ hội đầu tư vào đâu nữa.

Nói như vậy tức là ông cho rằng, đợt phát hành này sẽ thành công?

Có lý do gì để không nhỉ? Trong đầu tư, quan trọng nhất là bỏ vốn vào nơi nào có khả năng sinh lời. Và tôi tin, đó là lý do đợt tăng vốn này của FLC sẽ thành công. Tôi cho rằng, cái quan trọng nhất đối với NĐT dài hạn là bỏ vốn vào nơi mình tin tưởng sẽ được sử dụng hiệu quả, và tất nhiên, với mức giá hợp lý. Còn đối với các NĐT ưa lướt sóng, thì chênh lệch giá và thanh khoản là 2 yếu tố quyết định. Dù bạn là NĐT nào thì FLC cũng đáp ứng được các yêu cầu đó, nên NĐT thông minh sẽ không bỏ quyền mua FLC.

Sáu tháng đầu năm nay, FLC đạt 145,116 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, tương đương mức thu nhập 1.399 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng lợi nhuận 631,36% so với cùng kỳ năm trước. Trong các tháng tới đây, Tập đoàn sẽ mở bán hàng loạt sản phẩm tại các dự án bất động sản ở Hà Nội. Đến thời điểm này, chúng tôi đã có đủ yếu tố để hoàn toàn tự tin cho về khả năng bán thành công sản phẩm, và hạch toán doanh thu, lợi nhuận lớn ở mảng này trong quý IV/2014. Đây là cơ sở để FLC sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận 350 tỷ đồng năm 2014. Và như vậy, định giá FLC sẽ không phải như mức hiện nay nữa.

Với cương vị là Chủ tịch HĐQT Công ty, hơn ai hết, tôi hiểu rõ thực tế và tiềm năng tăng trưởng của FLC. Từ trong sâu thẳm, thật lòng tôi muốn khuyên NĐT không từ bỏ quyền mua cổ phiếu của mình, không phải vì tôi lo cho phương án DN, mà vì quyền lợi của chính cổ đông, cả về lợi ích trước mắt và lâu dài. Đối với nhiệm vụ huy động vốn của FLC, là người lãnh đạo DN, chúng tôi đã phải có những phương án dự phòng khác. Không ai đặt cược tất cả vào một hoạt động cả, vì như thế quá rủi ro, và ở FLC thì không được phép có rủi ro như vậy.

Nhưng nếu cổ đông không mua cổ phiếu, ai có thể sẽ mua vào, khi giá trị đợt phát hành lên tới cả hơn 1.500 tỷ đồng?

Về nhu cầu vốn hiện tại cho các dự án, như trên đã nói, FLC đã có phương án tài chính để phục vụ cho việc đảm bảo yêu cầu tiến độ triển khai. Ngoài ra, với thanh khoản cổ phiếu luôn ở mức rất cao, lên tới cả chục triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên, danh mục dự án đang sở hữu lớn, tính khả thi cao… FLC cũng đã nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư, các NĐT tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đây chính là yếu tố giúp tôi tự tin, trong mọi tình huống, khả năng phát hành thành công của FLC đều ở mức cao.