Trong phiên điều trần ngày 15/7 tại Quốc hội Mỹ, Chủ tịch FED Janet Yellen vẫn chưa thực sự mạnh và FED sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến khi ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính đến việc tuyển dụng, cũng như tiền lương “hoàn toàn biến mất”.
Dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố tiếp tục lạc quan. Cụ thể, doanh số bán lẻ trong tháng 6 tăng trưởng vững chắc, kết hợp với số liệu của tháng trước cũng được điều chỉnh tăng. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II của Mỹ.
Dù nhận nhiều thông tin tích cực, nhưng chứng khoán Mỹ lại có phản ứng khá thận trọng. Theo giới phân tích, phát biểu của bà Yellen trước Quốc hội nằm trong dự đoán, trong khi kinh tế Mỹ tích cực trong quý II cũng đã được phản ánh vào thị trường mấy tháng qua. Hiện tại, nhà đầu tư đang hướng tới dữ liệu kinh tế của Trung Quốc sắp được công bố như GDP, doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp.
Theo dự báo, GDP quý II của Trung Quốc tăng 7,4%. Một kết quả nào thấp hơn con số dự báo này đều sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chứng khoán toàn cầu, vì nó cho thấy, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chính thức chậm lại.
Tuy nhiên, cũng trong phiên điều trần, bà Yellen cũng cho biết, vốn chủ sở hữu của các công ty nhỏ như mạng xã hội, công nghệ sinh học đang bị phóng đại.
Sau phát biểu này, cổ phiếu công nghệ sinh học và mạng xã hội đều giảm mạnh, tác động đến Phố Wall, khiến chứng khoán Mỹ trái chiếu. Trong khi Dow Jones tăng nhẹ để tiến dần tới đỉnh cao lịch sử được thiết lập cuối tuần trước, thì 2 chỉ số chính còn lại đều điều chỉnh.
Kết thúc phiên 15/7, chỉ số Dow Jones tăng 5,26 điểm (+0,03%), lên 17.060,68 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,82 điểm (-0,19%), xuống 1.973,28 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 24,03 điểm (-0,54%), xuống 4.416,39 điểm.
Cũng giống chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm trong phiên thứ Ba (15/7) khi giới đầu tư chờ đợi thông tin chính thức từ Trung Quốc được công bố. Ngoài ra, chứng khoán châu Âu còn chịu các thông tin không tích cực khác tác động. Mỗi lo về Ngân hàng Banco Espirito Santo tưởng chừng đã lắng dịu nay lại được khởi lại. Cổ phiếu của ngân hàng này giảm tới 17,5%, xuống mức kỷ lục mới.
Trong khi đó, theo khảo sát của ZEW, niềm tin của nhà đầu tư Đức tiếp tục giảm trong tháng 7, đánh dấu tháng giảm thứ 7 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2012.
Kết thúc phiên 15/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 35,69 điểm (-0,53%), xuống 6.710,45 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 63,60 điểm (-0,65%), xuống 9.719,41 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 44,73 điểm (-1,03%), xuống 4.305,31 điểm.
Chứng khoán châu Á tăng điểm khá trong phiên thứ Ba nhờ ảnh hưởng tích cực từ chứng khoán Âu, Mỹ trước đó với kết quả kinh doanh khả quan của Citigroup. Chứng khoán Nhật Bản lên mức cao nhất 1 tuần rưỡi, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc tiếp nối đà tăng với sự tự tin của giới đầu tư vào kinh tế Trung Quốc.
Kết thúc phiên 15/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 98,34 điểm (+0,64%) lên 15.395,16 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 113,29 điểm (+0,49%), lên 23.459,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 3,71 điểm (+0,18%), lên 2.070,36 điểm.
Phát biểu của Chủ tịch FED trước Quốc hội Mỹ dường như chưa có tác động nhiều tới các thị trường. Tuy nhiên, trong phiên thứ Ba, chỉ số USDIndex leo lên mức cao nhất 3 tuần, đứng mức 80,409 khiến giá vàng tiếp tục giảm mạnh, dù cố gắng gượng đi lên trong phiên giao dịch châu Á.
Kết thúc phiên 15/7, giá vàng giao ngay giảm 13,20 USD (-1,01%), xuống 1.293,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 9,6 USD (-0,73%), xuống 1.297,1 USD/ounce.
Giá dầu sau phiên hồi nhẹ đã giảm mạnh trở lại khi lo ngại về nguồn cung tại Lybia được cởi bỏ, trong khi dữ liệu kinh tế châu Âu kém khả quan.
Kết thúc phiên 15/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,95 USD (-0,95%), xuống 99,96 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,96 USD (-0,91%), xuống 106,02 USD/thùng.