Chủ tịch Fed khiến giới đầu tư lo lắng

Chủ tịch Fed khiến giới đầu tư lo lắng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chỉ số chính của Phố Wall đảo chiều giảm điểm trong phiên ngày thứ Hai (21/3), sau khi Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell ám chỉ về việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự báo trước đây.

Theo đó, Fed phải hành động "khẩn trương" để chống lại lạm phát đang tăng nhanh, ông Powell phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia và nói thêm rằng các đợt tăng lãi suất cao hơn bình thường có thể được triển khai nếu cần. Phát biểu của ông Powell chỉ sau chưa đầy một tuần Fed nâng lãi suất 25 điểm cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2018.

Matthew Keator, đối tác quản lý của Keator Group, một công ty quản lý tài sản ở Lenox, Massachusetts, cho biết: “Phần lớn tin tức ngày hôm nay được truyền đi là các bình luận của ông Powell. Sự khác biệt là có một số câu hỏi liên quan đến việc liệu mức tăng lãi suất 25 hay 50 điểm cơ bản trong những lần điều chỉnh tiếp theo mà thôi".

Phố Wall phiên này cũng trở nên thận trọng hơn, với giao tranh bùng phát ở Ukraine khi các nỗ lực đàm phán chấm dứt xung đột dường như không đạt được tiến triển nào.

Giá dầu thô tiếp tục tăng vọt lên trên 115 USD/thùng khi EU cân nhắc tham gia với Mỹ trong việc cấm vận dầu của Nga, điều này làm gia tăng lo ngại về nguồn cung.

Phiên này, 6 trong số 11 ngành chính trong S&P 500 kết thúc phiên trong sắc đỏ, trong đó dịch vụ truyền thông giảm sâu nhất khi mất gần 0,7%, trong khi cổ phiếu năng lượng là nhóm chiến thắng rõ ràng, tăng 3,8%.

Một số cổ phiếu đáng chú ý như Boeing, giảm 3,6% sau khi một trong những chiếc máy bay 737-800 do China Eastern Airlines vận hành bị rơi ở miền nam Trung Quốc.

Căng thẳng địa chính trị gia tăng đã giúp cho các cổ phiếu quốc phòng đi lên, với Lockheed Martin, Raytheon, Northrop Grumman và General Dynamics tăng từ 2,5% đến 4,6%.

Cổ phiếu Alleghany Corp tăng 24,8% sau khi công ty Berkshire Hathaway của Warren Buffett đạt được thỏa thuận mua lại trị giá 11,6 tỷ USD.

Kết thúc phiên 21/3, chỉ số Dow Jones giảm 201,94 điểm (-0,58%), xuống 34.552,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,94 điểm (-0,04%), xuống 4.461,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 55,38 điểm (-0,40%), xuống 13.838,46 điểm.

Chứng khoán châu Âu nhích nhẹ, nhờ sự tăng giá của các cổ phiếu năng lượng khi giá dầu tiếp tục tăng, trong khi chiến sự tiếp tục ở Ukraine khiến tâm lý giới đầu tư chững lại.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,13% lên 455,20 điểm.

Các thị trường đang theo dõi chặt chẽ cuộc chiến ở Ukraine, với việc Liên minh châu Âu đang cân nhắc lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga, khi nhóm họp với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này.

Tin tức này đã gây ra một đợt tăng giá dầu với dầu thô Brent giao sau tăng hơn 3 USD trên 111 USD/thùng, nâng nhóm cổ phiếu ngành dầu khí châu Âu lên 1,3%.

Đáng chú ý là giá sản xuất của Đức duy trì mức tăng kỷ lục trong tháng 2 vừa qua, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do giá năng lượng, dữ liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang cho thấy. Giá sản xuất của tháng 2 không tính đến ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Kết thúc phiên 21/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 37,66 điểm (+0,51%), lên 7.442,39 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 86,12 điểm (-0,60%), xuống 14.326,97 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 37,91 điểm (-0,57%), xuống 6.582,33 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày Xuân Phân.

Chỉ số bluechip của chứng khoán Trung Quốc giảm, do động thái của ngân hàng trung ương không thay đổi lãi suất chuẩn, trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan nhanh khiến các nhà đầu tư thất vọng.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi nhóm cổ phiếu công nghệ suy yếu sau tuần giao dịch đầy biến động trước đó.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm do giao tranh leo thang Nga-Ukraine làm lu mờ hy vọng hòa bình đã tác động đến tâm lý giới đầu tư.

Kết thúc phiên 21/3: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,61 điểm (+0,08%), lên 3.253,69 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 191,06 điểm (-0.89%), xuống 21.221,34 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 20,97 điểm (-0,77%), xuống 2.686,05 điểm.

Giá vàng thế giới ngày thứ Hai bật tăng trở lại khi dòng tiền trú ẩn quay trở lại, do căng thẳng địa chính trị tại Ukraine nóng lên và nỗi lo lạm phát sau phát biểu của chủ tịch Fed càng khiến kim loại quý được hỗ trợ mạnh.

Kết thúc phiên 21/3, giá vàng giao ngay tăng 14,1 USD lên 1.936 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 5 tăng hơn 6,5 USD lên 1.939,2 USD/ounce.

Giá dầu thô tăng vọt do Liên minh châu Âu có kế hoạch thảo luận cùng Mỹ về việc áp đặt lệnh cấm vận với dầu thô của Nga, một phần của các biện pháp trừng phạt gây thêm áp lực buộc Nga phải ngừng hoạt động quân sự ở Ukraine.

Kết thúc phiên 21/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 7,42 USD (+6,62%), lên 112,12 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 7,69 USD (+6,65%), lên 115,62 USD/thùng.

Tin bài liên quan