Phố Wall khởi đầu phiên giao dịch thứ Ba vẫn giữ xu thế lình xình như các phiên trước đó. Trong suốt phiên giao dịch sáng, cả 3 chỉ số chính của phố Wall chủ yếu dao động dưới tham chiếu khi nhà đầu tư chờ đợi bài phát biểu của bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Không uổng công chờ đợi, trong bài phát biểu của mình, bà Yellen cho biết, Fed chỉ nên tiến hành tăng lãi suất một cách thận trọng, bởi lạm phát vẫn chưa phải ổn định ở mức cao, trong khi nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với rủi ro từ những tác động từ bên ngoài, bao gồm việc giá dầu thô giảm và kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Phát biểu của bà Yellen đã giúp giới đầu tư tháo bỏ được những lo lắng mà những người đồng nghiệp của bà gieo rắc trong những ngày trước đó. Do đó, phố Wall đã bật tăng mạnh trở lại trong phiên chiều.
Kết thúc phiên 29/3, chỉ số Dow Jones tăng 97,72 điểm (+0,56%), lên 17.633,11 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 17,96 điểm (+0,88%), lên 2.055,01 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 79,84 điểm (+1,67%), lên 4.846,62 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên tăng điểm trong ngày giao dịch thứ Ba, nhưng niềm vui không chọn vẹn. Đà tăng của chứng khoán khu vực nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bảo hiểm, trong khi nhóm cổ phiếu hàng hóa, năng lượng và kim loại giảm do ảnh hưởng của giá dầu thô và đồng USD mạnh, khiến đà tăng của các chỉ số không mạnh, thậm chí chứng khoán Anh đóng cửa dưới tham chiếu.
Kết thúc phiên 29/3, chỉ FTSE 100 tại Anh giảm 0,58 điểm (-0,01%), xuống 6.105,9 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 36,59 điểm (+0,37%), lên 9.887,94 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Phát tăng 36,99 điểm (+0,85%), lên 4.366,67 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên hồi mạnh đầu tuần, chứng khoán Nhật Bản đã điều chỉnh nhẹ trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư chờ đợi bài phát biểu của bà Yellen. Chứng khoán Hồng Kông cũng đóng cửa chỉ tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ khi giới đầu tư cũng đang chờ đợi bài phát biểu của bà Yellen. Trong khi đó, thông tin về việc siết tín dụng bất động sản của chính quyền tỉnh Chiết Giang trước đó khiến chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 29/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 30,84 điểm (-0,18%), xuống 17.103,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 20,69 điểm (+0,1%), lên 20.366,3 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 37,99 điểm (-1,28%), xuống 2.919,83 điểm.
Trên thị trường vàng, sau thời gian lình xình để nghe ngóng trên thị trường châu Á và châu Âu, giá vàng đã vọt tăng mạnh trong phiên Mỹ sau bài phát biểu với giọng điều “rất bồ câu” của bà Yellen.
Kết thúc phiên 29/3, giá vàng giao ngay tăng 20,6 USD (+1,69%), lên 1.241,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 tăng 15,7 USD (+1,29%), lên 1.235,8 USD/ounce.
Trong khi chứng khoán và giá vàng khởi sắc, thì giá dầu tiếp tục có phiên giảm với biên độ mạnh hơn trong phiên thứ Ba.
Trong phiên thứ Ba, giá dầu giảm gần 3% trong thông tin Kuwait và Ả Rập Xê út cho biết, họ vẫn sẽ tiếp tục cùng khai thác tại Khafji 300.000 thùng/ngày bất chấp thỏa thuận đóng băng sản lượng.
Bên cạnh đó, theo Viện Dầu khí Mỹ, số liệu từ các tập đoàn dầu của Mỹ cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần qua tăng thêm 2,6 triệu thùng, lên 534,4 triệu thùng. Dù con số thấp hơn mức dự báo (3,3 triệu thùng), nhưng vẫn ở mức cao kỷ lục tuần thứ 7 liên tiếp.
Kết thúc phiên 29/3, giá dầu thô Mỹ giảm 1,11 USD (-2,9%), xuống 38,28 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,13 USD (-2,89%), xuống 39,14 USD/thùng.