Bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam (Ảnh: Chí Cường)
5G đang cung cấp lợi thế cạnh tranh cho các quốc gia tiên phong
Trình bày tham luận "Động lực phát triển kinh tế số" tại Hội thảo nói trên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, bà Rita Mokbel cho biết, trong vòng 5-10 năm tới, chúng ta sẽ có một thế giới rất khác so với bây giờ.
Trong hình dung của bà Rita Mokbel, chúng ta sẽ nhận được một cốc cà phê do máy bay không người lái chuyển tới trong khi đang lái xe đi làm. Mọi người có thể ngồi ngay tại đất nước mình để vận hành các cơ quan, tổ chức trên toàn cầu. Cây trồng không bao giờ chết bởi chúng sẽ báo cho cho người nông dân khi nào chúng cần nước. Các diễn giả có thể thuyết trình từ xa…
"Tất cả những điều đó có thể thực hiện được thông qua công nghệ 5G. Các chính phủ, các nhà cung cấp viễn thông, các xã hội đều có cơ hội rất lớn trước mắt để hiện thực hóa tầm nhìn như vậy", bà Rita nói và nhấn mạnh, chúng ta cần chung tay xây dựng hệ sinh thái và tăng tốc độ quá trình chuyển đổi số.
Theo Chủ tịch Ericsson Việt Nam, quá trình chuyển đổi số là giải pháp vạn năng để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Nó hỗ trợ các Chính phủ, các xã hội khai phóng tiềm năng, hỗ trợ các nhà cung cấp giải pháp cho sự phát triển nền kinh tế số như là điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI)...
Trong quá trình chuyển đổi số, quan trọng nhất là kết nối. Một nghiên cứu do Ericsson thực hiện cho thấy, tăng trưởng 10% về băng thông di động sẽ giúp GDP tăng khoảng 0,08%.
Chính vậy, chúng ta thấy rằng, khi các chính phủ đang đầu tư vào hạ tầng vật lý như đường cao tốc, cảng biển, sân bay… thì cũng đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng 5G như một hạ tầng kết nối quan trọng, một "siêu xa lộ số" để phát triển nền kinh tế.
"Mọi người nghĩ về 5G là mạng internet băng thông di động nhưng sự thật, sức mạnh của 5G vượt xa hơn rất nhiều tốc độ kết nối, đặc biệt khi nó được kết hợp với công nghệ điện toán đám mây hoặc trí tuệ nhân tạo", bà Rita nhấn mạnh.
Ví dụ, phẫu thuật từ xa hiện đã sử dụng cánh tay robot có tốc độ kết nối cao và độ trễ siêu thấp của mạng 5G sao cho dữ liệu có thể truyền tải theo thời gian thực và không có độ trễ giữa bác sĩ đang di chuyển và cánh tay robot phẫu thuật từ xa.
Đó là lý do công nghệ điện toán đám mây và AI sẽ được triển khai rộng rãi trên quy mô lớn hơn khi 5G được thương mại hóa rộng rãi.
Bà Rita Mokbel cho biết, Chính phủ Ấn Độ đang triển khai 5G mạnh mẽ và nhanh nhất trên phạm vi toàn cầu với 446.000 trạm gốc 5G trong thời gian chưa đầy 19 tháng. Hiện nay họ đã đạt được vùng phủ sóng 5G trên 90% dân số. Tại Ấn Độ hiện nay có hơn 119 triệu thuê bao 5G, họ đang có mức độ sử dụng dữ liệu 5G cao nhất với 21GB dữ liệu/1 đầu thuê bao.
Các thành tựu trên giúp quốc gia này chuyển từ vị trí 86 lên 16 bảng xếp hạng toàn cầu liên quan đến hiệu năng của mạng 5G.
Tại Malaysia, với sự hỗ trợ của Chính phủ, quốc gia này cũng đã phủ sóng hơn 80% dân số về 5G, vượt trước tiến độ một năm và nằm trong top 3 quốc gia về triển khai 5G cũng như hiệu năng mạng 5G. Malaysia cho rằng 5G sẽ đóng góp 25-28 tỷ USD vào nền kinh tế số của quốc gia này từ nay đến 2030.
Hiện nay, 5G đang phát triển nhanh chóng và trở thành phổ biến, đã có 320 mạng 5G thương mại trên toàn cầu, với hơn 1,9 tỷ thuê bao di động 5G, tương đương 22% dân số thế giới. 5G được coi như hạ tầng số quốc gia trọng yếu, đến 2040 sẽ tương đương một nền kinh tế số có quy mô hơn 460.000 tỷ USD.
Theo một nghiên cứu về di động của Ericsons, từ nay đến năm 2029 từ con số 1,9 tỷ thuê bao 5G hiện nay sẽ lên tới 5,6 tỷ thuê bao 5G, chiếm 60% thuê bao di động toàn cầu.
"Hiện nay, 5G đang cung cấp lợi thế cạnh tranh cho các quốc gia đi tiên phong. Nó thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại những đất nước như vậy. Chúng tôi hi vọng những tác động này sẽ được hiện thực hóa ở Việt Nam", bà Rita nói.
Động lực phát triển kinh tế số của Việt Nam
Cũng theo nghiên cứu của Ericsson Việt Nam, tại Việt Nam, ước tính 5G sẽ chiếm khoảng 50% thuê bao di động vào năm 2029. Hiện nay hơn 25% lưu lượng dữ liệu được truyền tải qua 5G.
"50% không phải mạng nên có mà là phải có, nếu các nhà mạng viễn thông muốn truyền tải nguồn lưu lượng khổng lồ trong thời gian tới", Chủ tịch Ericsson Việt Nam nêu quan điểm.
Bà Rita Mokbel, Chủ tịch Ericsson Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo của báo Đầu tư sáng 30/9 (Ảnh: Chí Cường) |
Mạng 5G sẽ sớm được triển khai thương mại tại Việt Nam, hiện các nhà mạng Việt Nam đã bắt đầu triển khai các công đoạn để vận hành thương mại, sau khi được phân bổ tần số. "Có thể 5G thương mại sẽ khả dụng ở Việt Nam trước cuối năm nay, thậm chí sớm hơn", bà Rita nói.
Chia sẻ thêm về động lực phát triển kinh tế số của Việt Nam từ mạng 5G, lãnh đạo Ericsson Việt Nam cho rằng, đối với người tiêu dùng, 5G mang lại nhiều lợi ích như thụ hưởng giáo dục đào tạo từ xa chất lượng hơn, kết nối nhanh hơn, tương tác chơi game và trải nghiệm chất lượng video tốt hơn…
"Theo một nghiên cứu chúng tôi đã thực hiện, với 5G, các nhà mạng viễn thông sẽ nâng cao mức độ làm hài lòng khách hàng tăng 10% so với các công nghệ mạng thế hệ trước", bà Rita nói.
Đối với doanh nghiệp, các nhà mạng viễn thông khi cung cấp mạng 5G riêng cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể có được hoạt động nhanh hơn linh hoạt hơn, giảm chi phí, nâng cao độ tin cậy… Tại các nhà máy sử dụng 100% năng lượng tái tạo khi triển khai 5G thì đã tăng năng suất lao động 20%, giảm công sức người lao động 65% và giảm lãng phí tới 32%... 5G mang lại lợi ích cho rất nhiều lĩnh vực như sân bay, cảng biển, y tế, đặc biệt là ngành sản xuất.
Với các nhà mạng viễn thông, họ có thể xây dựng các tình huống sử dụng mới. Trước đây với 4G đã có sự ra đời của nhiều ứng dụng mới như Uber, Grab, Facebook, Instagram…; với 5G chắc chắn có thêm đổi mới sáng tạo vào các ứng dụng mới, đòi hỏi tốc độ cao và độ trễ thấp.
Theo lãnh đạo Ericsson Việt Nam, từ trước đến nay các nhà mạng viễn thông chỉ tiếp cận khách hàng cá nhân, thì nay với 5G có thể tiếp cận doanh nghiệp, số hóa các doanh nghiệp đó và mang lại nguồn lợi mới cho mình.
Bên cạnh đó, khi các nhà mạng mở 5G cho các nhà sáng tạo giải pháp ứng dụng thì các nhà mạng có thể trở thành một đối tác kết nối trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, xây dựng các ứng dụng và mô hình kinh doanh mới.
"Chúng ta hiểu vì sao vai trò của Chính phủ lại quan trọng trong xây dựng khung khổ chính sách, loại bỏ rào cản, hỗ trợ nhà mạng triển khai khai 5G trên quy mô và tốc độ nhanh", bà Rita nói và nhấn mạnh, ở Việt Nam, Chính phủ cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp viễn thông, trong đó coi 5G như hạ tầng quốc gia quan trọng để tăng tốc độ của tiến trình chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế số trong thời gian tới.
Chia sẻ thêm, bà cho biết, là đơn vị đang cung cấp hơn 50% nền tảng công nghệ 5G trên toàn cầu, Ericsson Việt Nam vừa ra mắt chương trình hợp tác với nhà mạng viễn thông toàn cầu trong đó, Ericsson Việt Nam sẽ tăng tốc độ các mạng mở có khả năng lập trình được, có thể kết hợp các API và bán các API cho các nhà phát triển và các nhà phát triển có thể kết nối API với hạ tầng 5G của các nhà mạng để phát triển ra các ứng dụng mới.
"Sắp tới có thể chúng ta sẽ có các “Facebook mới”, “Uber mới”, “Instagram mới”… trên nền tảng 5G với các tính năng mới", vị này nói.
Sau khi được lựa chọn là đối tác tại Việt Nam, hiện Ericsson Việt Nam đang hỗ trợ các nhà mạng viễn thông triển khai 5G tại Việt Nam. Bước đầu là hỗ trợ các nhà mạng Việt Nam chuyển đổi từ 4G lên 5G và trong tương lai sẽ triển khai 5G thuần túy mà không làm gián đoạn dịch vụ của khách hàng cũng như đảm bảo hiệu năng cao nhất cho các nhà mạng viễn thông trong nước.
Ngoài ra, Ericsson Việt Nam cũng đã hợp tác một số trường đại học của Việt Nam để xây dựng các chương trình đào tạo giúp sinh viên tiếp cận công nghệ mới nhất như 5G, blockchain, AI, điện toán đám mây, … sao cho sinh viên có thể sáng tạo và viết ra các ứng dụng mới cho thị trường Việt Nam.