Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu

Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu

Chủ tịch ECB cảnh báo sẽ không cắt giảm lãi suất quá sớm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Năm (15/2), Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cảnh báo rằng không nên vội vàng cắt giảm lãi suất vì tiền lương tăng đang trở thành động lực ngày càng quan trọng của lạm phát.

Dù áp lực lạm phát trong năm 2024 được dự báo sẽ giảm dần, nhưng Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói với các nhà lập pháp Liên minh châu Âu rằng, rủi ro vẫn còn và các nhà hoạch định chính sách cần kiên định với mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%.

“Chúng ta nên tránh đưa ra quyết định vội vàng khiến lạm phát tăng trở lại và phải thực hiện nhiều biện pháp hơn… Chúng ta chưa có đủ bằng chứng để có mức độ tin tưởng về việc sẽ đạt được mục tiêu (lạm phát - BTV) trung hạn 2% và mục tiêu đó sẽ bền vững ở đó”, bà cho biết.

Nhận xét này được đưa ra khi một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang tính toán thời điểm có thể bắt đầu giảm lãi suất mà không khiến giá cả tăng trở lại một lần nữa.

Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu dường như đang đắn đo giữa việc cắt giảm lãi suất vào tháng 4 hay tháng 6, dù đa số đã công khai ủng hộ thời điểm cắt giảm lãi suất muộn hơn khi mong muốn có được sự rõ ràng hơn về diễn biến tiền lương và lợi nhuận doanh nghiệp ở khu vực đồng euro.

Trong đó, bà Lagarde chỉ ra tiền lương đang là “động lực ngày càng quan trọng của lạm phát trong những quý tới”.

Nhưng trong khi công cụ theo dõi tiền lương của ECB tiếp tục báo hiệu những áp lực mạnh mẽ, thì các cuộc đàm phán lương lại cho thấy một số chững lại trong quý cuối cùng của năm 2023.

“Áp lực lương cho năm 2024 đặc biệt phụ thuộc vào kết quả của các vòng đàm phán đang diễn ra hoặc sắp tới, ảnh hưởng đến phần lớn nhân viên khu vực đồng euro trong vài tháng tới”, bà cho biết.

Thành viên Ban điều hành ECB, Isabel Schnabel gần đây đã cảnh báo rằng, ngân hàng trung ương không nên cắt giảm lãi suất quá sớm vì lạm phát dịch vụ khó khăn, thị trường lao động kiên cường, điều kiện tài chính lỏng lẻo và căng thẳng ở Biển Đỏ là những yếu tố rủi ro đối với giá cả.

Hôm thứ Tư (14/2), Chủ tịch Bundesbank (Ngân hàng Trung ương Đức) Joachim Nagel cho biết, lịch sử cho thấy rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm còn tệ hơn là quá muộn, cảnh báo về “cái giá cuối cùng sẽ cao hơn về mặt kinh tế” nếu hành động sớm.

Tuy nhiên, các quan chức khác lại lo ngại về việc trì hoãn cắt giảm lãi suất quá lâu và cảnh giác với tình hình tồi tệ hơn của nền kinh tế đang gặp khó khăn và thậm chí có thể không đạt được mục tiêu lạm phát 2% vốn đã khó đạt được kể từ khi lệnh phong tỏa vì Covid chấm dứt và ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.

Nhiều người nhận thấy lạm phát giảm nhanh hơn so với dự đoán hiện tại của ECB, với con số tổng thể đã giảm vào năm 2023, mặc dù tiến độ cho đến nay trong năm nay ít đáng chú ý hơn.

Trong khi đó, nền kinh tế khu vực đồng euro đã tránh được một cuộc suy thoái trong nửa cuối năm 2023. Dữ liệu Eurostat công bố hôm thứ Tư (14/2) cho thấy tăng trưởng khu vực đồng euro không thay đổi trong quý IV/2023 sau khi tăng trưởng âm 0,1% trong quý III.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của khu vực trong năm nay được dự báo vẫn tiếp tục suy yếu. Dự báo mới của Liên minh châu Âu cho thấy khối này đang bước vào năm 2024 với nền tảng yếu hơn so với dự kiến ​​trước đó và dự đoán mức tăng trưởng chỉ 0,8%.

“Dữ liệu sắp tới tiếp tục báo hiệu hoạt động yếu đi trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số chỉ số khảo sát hướng tới tương lai cho thấy sẽ có sự tăng trưởng trong năm tới”, bà Christine Lagarde cho biết.

Tin bài liên quan