Chủ tịch Dynam Capital: Thuế quan là một rào cản ngắn hạn, nhưng khó có thể làm chệch hướng tham vọng phát triển dài hạn của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Câu hỏi quan trọng hiện nay là Việt Nam sẽ làm gì để giảm thiểu tác động từ mức thuế mới của Hoa Kỳ, và có thể đàm phán để giảm thuế hay không? Ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital sẽ phân tích tác động với Việt Nam và đưa ra những biện pháp có thể thực hiện để ứng phó.

Tuần trước, Tổng thống Trump đã thông báo sẽ áp thuế đối với hơn 100 quốc gia, bổ sung vào loạt thuế quan trước đó ông đã áp dụng với Mexico và Canada, cũng như với các mặt hàng như thép, nhôm, ô tô và linh kiện. Ông Trump nhiều lần nhấn mạnh rằng, các mức thuế là "có đi có lại".

Đối với Việt Nam, ông Trump cho biết: “Họ đánh thuế chúng ta 90%, thì chúng ta sẽ đánh thuế họ 46%”. Nhà Trắng chưa công bố phương pháp tính toán chính thức, nhưng có ý kiến cho rằng mức thuế được tính dựa trên cách chia thặng dư thương mại với Mỹ cho tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ. Mức thuế “có đi có lại” dường như được lấy bằng một nửa con số đó.

Ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital

Ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital

Năm 2024, Việt Nam là quốc gia có thặng dư thương mại hàng hóa lớn thứ ba với Mỹ sau Trung Quốc và Mexico, đạt 123,5 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước. Không giống như một số đối tác thương mại lớn khác, Việt Nam nhập khẩu ít hàng hóa từ Mỹ. Hơn nữa, Việt Nam từ lâu còn bị cáo buộc là nơi doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, "làm lại nhãn mác" để né thuế Mỹ, trong khi giá trị gia tăng nội địa lại không đáng kể.

Một phân tích gần đây của Wall Street Journal chỉ ra rằng, vẫn còn mối tương quan mạnh giữa hàng nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam và hàng xuất từ Việt Nam sang Mỹ. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu từ Trường Kinh doanh Harvard cho thấy, việc "chuyển hướng" như vậy ít phổ biến.

Theo Viện Lowy phân tích, ba phần tư hàng nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam “có thể được giải thích bởi các yếu tố khác ngoài việc Trung Quốc né thuế”, và cho rằng Việt Nam “đang đóng vai trò tích cực trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng Mỹ ra khỏi Trung Quốc”. Hoa Kỳ cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng.

Những lý do trên đã khiến Hoa Kỳ đưa ra chính sách thuế mới dành cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lên tới 46%.

Tác động ra sao?

Công ty phân tích dữ liệu Exiger ước tính, mức thuế mới của Mỹ có thể đè nặng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, với mức chịu thuế có thể lên tới 63 tỷ USD. Không thể phủ nhận, điều này sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn.

Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải về cách thức áp dụng thuế trong thực tế, và có khả năng thực tế sẽ “dịu” hơn tiêu đề báo chí, tuy nhiên, với mức thuế toàn cầu 10% của Trump sẽ làm chậm tăng trưởng toàn cầu, điều này có thể ảnh hưởng đến tham vọng xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, thuế cao còn có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam hiện đang đối mặt với mức thuế cao hơn so với các nước láng giềng như Thái Lan (35%), Indonesia (32%), Malaysia (24%) và Philippines (17%). Các doanh nghiệp có kế hoạch mở nhà máy tại châu Á sẽ cân nhắc lại. Điều này có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến các dự án sản xuất có giá trị cao.

Vẫn còn những “lá bài” trong tay

Bên cạnh những tác động trên, tin tốt là Việt Nam vẫn còn những công cụ để ứng phó. Việt Nam đang nỗ lực vận động để Mỹ thay đổi lập trường. Đáng chú ý, Trump có lời khen với Việt Nam trong các phát biểu gần đây.

Việt Nam cũng đang thúc đẩy ngoại giao cá nhân. Tập đoàn Trump được cho là có kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào sân golf, khách sạn và bất động sản tại Việt Nam. Tương tự, chính phủ đã cho phép SpaceX của Elon Musk thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam.

Thực tế, Việt Nam khó có khả năng áp thuế trả đũa như Canada hay châu Âu, vì lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ còn quá nhỏ để gây tác động thực tế. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa rằng, Việt Nam không cần tăng nhập khẩu quá nhiều để thu hẹp thặng dư thương mại. Tháng 3 vừa qua, doanh nghiệp hai nước đã ký hơn 4 tỷ USD các thỏa thuận, chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí; ngành nội thất Việt Nam đang tính nhập khẩu thêm gỗ cứng từ Mỹ. Việt Nam cũng có thể tăng nhập đậu tương, máy bay Boeing...

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng công bố cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một loạt nông sản của Mỹ như chân gà đông lạnh, hạnh nhân, táo tươi, cherry và nho khô. Thuế nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng sẽ giảm từ 5% xuống 2%. Thuế ô tô sẽ giảm đáng kể xuống 32%, còn thuế ethanol giảm một nửa, chỉ còn 5%.

Một trong những thông tin đáng chú ý khác là cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và đoàn công tác đã sang Mỹ để tham gia vòng đàm phán.

Chiến lược lâu dài

Ông Craig Martin phân tích thêm, khi tìm cách làm rõ lập trường, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế địa chính trị. Nếu căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng – điều không khó đoán vì mục tiêu chính của loạt thuế mới là Trung Quốc – thì Washington sẽ thấy giá trị trong việc cải thiện quan hệ với Việt Nam, quốc gia láng giềng phía Bắc với Trung Quốc. Ngoài ra, không giống như Canada hay Mexico, Việt Nam không có đường biên giới chung với Mỹ. Các mức thuế đầu tiên của Trump nhằm vào Canada và Mexico để gây áp lực về vấn đề fentanyl và nhập cư – hai vấn đề không liên quan đến Việt Nam.

Một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã hiện diện tại Mỹ, chủ yếu để tiếp cận thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Tập đoàn FPT đã có mặt tại Mỹ từ năm 2008, hãng xe VinFast đã bán sản phẩm tại Mỹ và có kế hoạch mở nhà máy tại đây... Ngoài ra, hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký tham dự một sự kiện tìm hiểu cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Mỹ. Tuy nhiên, môi trường pháp lý hiện vẫn còn nhiều rào cản khiến việc đầu tư ra nước ngoài gặp không ít khó khăn.

Trong khi đó, châu Á đã là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu suốt hàng chục năm qua, và một trong những kết quả tất yếu là thương mại nội khối khu vực ngày càng trở nên quan trọng, được hỗ trợ bởi mạng lưới các hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, doanh nghiệp Việt có thể sẽ "bỏ phiếu bằng hành động" và hướng mạnh hơn sang thị trường châu Á – Thái Bình Dương thay vì Mỹ.

"Các mức thuế mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cần được đánh giá trong bối cảnh lớn hơn. Các con số mới nhất cho thấy GDP có thể tăng trưởng vượt 7%, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, sản xuất công nghiệp cải thiện, Việt Nam có lực lượng dân số trẻ, am hiểu công nghệ và trình độ ngày càng cao, đây sẽ là động lực thúc đẩy tầng lớp tiêu dùng đang lớn mạnh. Ngay cả khi thuế quan là một rào cản ngắn hạn, chúng khó có thể làm chệch hướng tham vọng phát triển dài hạn của Việt Nam", ông Craig Martin nhấn mạnh thêm.

Tin bài liên quan